Nghe rồi mới ngắm nhìn

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:08 [GMT+7]
In bài này
.

Nhớ lại một thời nghe nhạc đúng nghĩa, tức là chỉ “nghe” mà không “nhìn” với đĩa than, băng cối, băng cassette, đĩa CD... Người nghe có thể hoàn toàn tập trung vào âm thanh, không bị hình ảnh “lôi kéo, cám dỗ” và vì thế, chất giọng ca sĩ cũng như giai điệu của các nhạc cụ được thưởng thức trọn vẹn, đem lại cảm giác thăng hoa, mê hoặc thực sự. Nhưng với sự phát triển thần tốc của nền công nghệ giải trí, nhu cầu của người thưởng thức không chỉ nghe mà còn muốn nhìn ngắm thần tượng của mình. Sự bùng nổ các MV ca nhạc khởi đầu từ thập niên 1980 đã thay đổi hẳn thói quen nghe nhạc của cộng đồng và mở ra nhiều chọn lựa phong phú hơn nhưng không phải lúc nào phần thị giác cũng tương xứng với phần thính giác.

MV Thriller của Michael Jackson đã mở ra thời đại mới cho nhạc hình.
MV Thriller của Michael Jackson đã mở ra thời đại mới cho nhạc hình.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC MV CA NHẠC

Trong những năm 1960, nhóm nhạc bất hủ Rolling Stones đã xuất hiện trong nhiều clip quảng cáo cho các bài hát của họ. Năm 1965, ban nhạc huyền thoại The Beatles (Anh) bắt đầu thực hiện các đoạn quảng cáo (sau đó gọi là phim chèn) để phân phối và phát sóng ở các quốc gia khác - chủ yếu là ở Mỹ - vì vậy họ có thể quảng cáo bản phát hành đĩa nhạc của mình mà không cần phải xuất hiện.

Khoảng những năm 1974-1980 là sự khởi đầu của truyền hình âm nhạc. Chương trình truyền hình của Úc - Countdown and Sounds được công chiếu lần đầu vào năm 1974, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và phổ biến thể loại nhạc video ở Úc và các quốc gia khác. Năm 1980, phim ca nhạc cho “Ashes to Ashes” của David Bowie  được xem là video âm nhạc đầu tiên có chi phí sản xuất lên đến trên 500.000 đô la. Và từ đó, video trở thành một trong những biểu tượng mới cho âm nhạc thế giới.

Đến những năm 1981-1991: Adam and the Ants, Duran Duran và Madonna đã tạo dựng nên các MV đình đám đưa tên tuổi của họ đến với người hâm mộ khắp nơi trên thế giới. Từ năm 1992-2004: xuất hiện rất  đông đội ngũ đạo diễn MV đình đám như  Chris Cunningham, Michel Gondry, Spike Jonze, Floria Sigismondi… đưa công nghệ sản xuất MV lên tầm chuyên nghiệp và được đầu tư lên tới hàng triệu đô la, điển hình là  “Scream” của Michael Jackson với giá 7 triệu đô la và “Bedtime Story” của Madonna, chi phí khoảng 5 triệu USD. Trong thời gian này, MTV đã tung ra các kênh trên khắp thế giới để giới thiệu các video ca nhạc được sản xuất tại mỗi thị trường khác nhau.

Và kể từ năm 2005 ra mắt kênh Youtube đã  đưa những MV ca nhạc bùng nổ mạnh mẽ, trở thành một trong những bệ phóng và lan tỏa tên tuổi cho các nghệ sĩ. Tiếp theo đó, tháng 12 năm 2009, một số nhà sản xuất âm nhạc đình đám đã tung ra trang web âm nhạc Vevo. Các video trên VEVO được cung cấp cho YouTube, với Google và họ cũng chia nhau phần nhuận khổng lồ từ quảng cáo.

PHẦN NGHE BỊ PHẦN NHÌN LẤN ÁT

Sự phát triển thần tốc của MV trong vài chục năm qua đã đáp ứng đa dạng hơn  cho nhu cầu của người thưởng thức. Những trải nghiệm âm nhạc thực sự mở rộng biên độ vượt khỏi thính giác, trở thành câu chuyện của cả thị giác. Song điều đáng buồn là nhiều người bắt đầu thích xem nhạc hơn là nghe nhạc. Nếu xét theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Quốc tế IFPI năm 2018 thì lượt xem video âm nhạc trên YouTube nhiều hơn lượt nghe nhạc của tất cả các nền tảng nghe nhạc trực tuyến cộng lại.

Hình ảnh và vẻ bề ngoài của ca sĩ ngày càng lấn lướt phần thanh âm, đến nỗi một số MV của nhạc Việt gần đây có cảm giác như hát chỉ để phụ họa cho câu chuyện đang diễn ra trong đó! Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhận xét: “Thời buổi bây giờ đa số người trẻ muốn xem drama của giới nghệ sĩ dù là trong MV, và ca sĩ giọng hát yếu vẫn được triệu view trên mạng. Tuy nhiên, MV vốn để tôn vinh, quảng bá bài hát, và ca sĩ là phải hát hay. Vì thế đừng kéo dài ca khúc một cách gượng ép khi lồng quá nhiều thoại, diễn xuất vào MV nhạc”.

Một số ca sĩ trẻ đang tự dìm giọng hát mình vào vẻ bề ngoài bắt mắt, những câu chuyện li kì trong MV của chính họ để rồi khán giả không còn nhận ra họ là ca sĩ hay diễn viên như: Màu nước mắt (Nguyễn Trần Trung Quân), Anh đang ở đâu đấy anh (Hương Giang), Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hoà Minzy)…

Không thể nói MV không phải một sản phẩm nghệ thuật. Thriller của Michael Jackson thậm chí còn được đưa vào Viện lưu trữ phim Quốc gia Hoa Kỳ bởi giá trị đặc biệt mang tính văn hóa - lịch sử - thẩm mỹ, tức là xếp chung cùng những kiệt tác điện ảnh như Cuốn theo chiều gió, Công dân Kane...

Nhưng khi bắt đầu thưởng thức một sản phẩm âm nhạc, cốt lõi của nó vẫn phải là phần âm nhạc, là chất giọng của ca sĩ, nói cách khác là thỏa mãn phần thính giác trước tiên. Nếu ca sĩ không đủ tài năng về chất giọng cũng như phần hòa âm của MV không đủ sức chinh phục người nghe thì phần hình ảnh có hấp dẫn, kịch tính đến đâu cũng sẽ chỉ gây được sự tò mò nhất thời.  Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong thì cho rằng: “Nên dung hòa được cả phần nghe lẫn phần nhìn mới là nhiệm vụ của một sản phẩm nghệ thuật cần làm. Bởi giá trị sau cuối còn ở lại với khán giả vẫn là một MV chất lượng, một bài hát có thể nghe được nhiều, có đời sống lâu dài trên sân khấu chứ không chỉ MV hình ảnh nổi nhất thời trên mạng”.

VŨ THANH HOA

;
.