Những vết chai cho Tổ quốc

Thứ Sáu, 17/07/2020, 21:23 [GMT+7]
In bài này
.

Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, lực lượng thanh niên luôn là lá cờ đầu trong các phong trào bảo vệ và kiến thiết Tổ quốc, quê hương. Từ năm 1950, đội ngũ thanh niên xung phong đã chính thức được thành lập và trở thành biểu tượng đáng tự hào cho tuổi trẻ cách mạng Việt Nam và từ đó, hình tượng thanh niên xung phong đã đi vào thi ca, sử sách.

Những thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)
Những thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)

ĐÂU CẦN THANH NIÊN CÓ

Ngày 15 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập lực lượng thanh niên xung phong tập trung dài ngày phục vụ cho chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lực lượng ban đầu có tên gọi là Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, gồm có 225 đội viên, do Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm đội trưởng. Trong số 225 đội viên ban đầu, chỉ có duy nhất một đội viên nữ làm y tá tên là Lê Kim Hạnh, còn lại là đội viên nam.

“Là thanh niên xung phong/chúng ta hát vang bước lên đường/Cùng đi xây tương lai/như muôn lớp sóng trào đại dương/Vì yêu quê hương mà đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên” (Thanh niên xung phong - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu).

Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường đại học nhân dân Việt Nam (19/1/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Với cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc (1950-1975), đội ngũ thanh niên xung phong liên tục phát triển, nhiệm vụ của thanh niên xung phong rất đa dạng. Trong kháng chiến, họ vận tải (đạn dược, thương binh, lương thực), mở đường, rà phá bom mìn, tiếp đạn, thu dọn chiến trường…

Một thống kê cho thấy có đến 10.000 thanh niên xung phong đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến, 46.000 người bị thương, 10.000 người bị nhiễm chất độc màu da cam, 4.500 nữ thanh niên xung phong cô đơn không nơi nương tựa khi về già…

“Em là người thanh niên xung phong/Không có súng chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn/Giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm/em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công/Tôi thấy rồi em ơi giữa cuộc hành quân/niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ/Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá/Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường/ôi những bông hoa nở giữa chiến trường” (Những bông hoa trên tuyến lửa - Thơ Đỗ Trung Quân, Nhạc: Nguyễn Cửu Dũng).

DẤU CHÂN TÌNH NGUYỆN

Khi đất nước hòa bình, lực lượng thanh niên xung phong lại là những người tình nguyện đặt chân đến “góc bể, chân trời” thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Thanh niên xung phong còn góp phần xóa bỏ tệ nạn xã hội, giải quyết việc làm cho thế hệ trẻ, tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất và đào tạo nghề…

“Đời trai đang tràn đầy niềm ước vọng/xung phong ra nơi biên cương/anh bảo vệ cho nước non/Cuộc đời dù bao gian truân/Dù bao nguy nan anh vẫn đi/theo tiếng gọi của nước non/Từng đêm mưa trơn anh cáng thương/Đi nhanh từng đêm mưa trơn/anh vẫn đi không ngừng/Nhiều đêm nay đã hằn những vết chai/Ơi những vết chai cho Tổ quốc/những vết chai dưới gót chân/Trên tấm lưng trên bờ vai người anh hùng/Ơi những vết chai cho Tổ quốc/những vết chai dưới gót chân/Trên tấm lưng trên bờ vai người anh hùng” (Những vết chai cho Tổ quốc – Nhạc sĩ Lê Văn Lộc)

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhận những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo.

“Những trái tim như ngọn lửa hồng/Lòng khát khao tình yêu cuộc sống/Như cánh chim trời tung bay góp sức/Tô đẹp tương lai nối/Đất trời vòng tay thân ái/Vách núi cao vang lời gọi mời/Về biển khơi tài nguyên lên tiếng/Thôi thúc sức trẻ hôm nay/Đất nước mong chờ đôi tay/Những công trình vươn mình đẹp thay” (Dấu chân tình nguyện - Nhạc sĩ Vũ Hoàng).

Tương lai dân tộc phụ thuộc rất lớn vào việc  xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, có nhân cách, có tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông xây dựng tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.

“Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời/Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây đời mới/Dù lên rừng, hay xuống biển/Vượt bão dông vượt gian khổ/Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước người ơi/Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay/Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!” (Khát vọng tuổi trẻ- Nhạc sĩ Vũ Hoàng).

VŨ THANH HOA

;
.