Nơi ký ức ùa về

Thứ Sáu, 31/07/2020, 21:10 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi nhận được tin ông mất vào một ngày mùa hạ sang nắng gắt. Má tôi đổ ập xuống giường đau đớn như cách một bức tường vững chãi đến đâu cũng có phút chốc bị đổ ào. Còn tôi, mọi ký ức của tuổi thơ bỗng thu bé lại như một cuộn phim chảy từng dòng qua tâm trí một cách thật chậm rãi.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Kể từ ngày lên phố tôi ít về lại nơi này, mọi thứ xung quanh cũng dần thay đổi sau từng ấy năm. Mảnh sân rộng vào nhà ngoại thuở bé tôi vẫn hay chơi đùa cùng các anh em họ đã thế thay bằng những ngôi nhà san sát mà trong đợt dịch vừa rồi ngoại bán rẻ đất để trang trải cho cuộc sống thường ngày. Căn nhà của ngoại trở nên nhỏ bé và lọt thỏm giữa những căn nhà xa lạ đối với tôi và khung cảnh đô thị hóa trước nhà càng khiến tôi lạ lẫm hơn, cả một cánh đồng lúa rộng thẳng cánh cò bay đã được san đập và xây dựng thành một công viên để mọi người đi tản bộ có cả vòi phun nước mỗi khi tối về thích mắt.

Tôi ngồi bất động trên tấm phản mà ông cháu tôi vẫn hay chơi bài tam cúc cùng nhau. Khi chơi chán chê ông lại cẩn thận xếp chúng thành những mắc nối để từ đó ghép lại thành những lọ hoa hay những con chim. Có thể nói tủ kính chưng của nhà ông tôi ngày đó đầy rẫy những món thủ công từ những lá bài tam cúc mà ông cháu tôi làm.

Hầu như mùa hè là tôi lại rời phố về quê, ba mẹ chỉ đưa tôi ra bến xe rồi vội về đi làm cho kịp guồng quay công việc còn ông sẽ đón tôi về nhà. Cho nên có thể nói tuổi thơ của tôi gắn liền với những tháng ngày ở miền quê nghèo đầy nắng gió nhưng lắm nhớ nhung này. Trước, nhà ngoại tôi rộng lắm, căn nhà ba gian, một gian để thờ cúng cũng là nhà ông bà cố ở, hai gian còn lại khá to ông bà ngoại và các dì cậu khi chưa lập gia đình chia nhau ở. Tối nào tôi cũng ngủ với ông, tôi thích cảm giác được rúc vào ông và ông sẽ kể cho tôi nghe về những câu chuyện và đồng đội ông thời chiến, nhưng lần nào tôi cũng ngủ thiếp đi ngay, cứ như mấy bà mẹ đọc sách cho con dễ ngủ tôi hay thấy trong những bộ phim. Nhà ngoại tôi cũng đi ngủ sớm để tinh mơ hôm sau khi lũ gà còn ngái ngủ chưa dậy đã kịp ra đồng. Những ngày đầu tôi còn chây lười nằm ườn đến trưa, thể nào khi dậy mò xuống bếp cũng thấy nắm cơm ngoại dành phần. Dì bảo bữa sáng không được bỏ, ăn để chắc bụng ra làm đồng mới không bị vật.

Sau, tôi lại thích thú với việc dậy sớm vì cảm nhận được cái thú của làng quê thuở đầu ngày. Cái không khí sớm tinh mơ trong vắt, và bầu trời hãy còn nhập nhoạng bắt đầu vắt bên mình những tia nắng đầu tiên, cộng với cơn ngái ngủ vì chưa quen được khiến nhiều cảm xúc lạ đan xen trong tôi, vừa thấy có phần trách nhiệm, lại vừa cảm thấy thật thanh tân. Cái không khí trong veo này tôi dường như không cảm nhận được những ngày còn ở phố, mùi rơm rạ ẩm ướt bởi sương đêm và lũ bò mắt to ọ ẹ trêu tôi khiến mùi đồng quê dấy lên ngào ngạt. Cậu thắt cộ cho bò rồi bế thốc tôi lên ngồi cùng trên cộ, dì và ông cũng tay liềm tay hái thoăn thoắt leo lên cứ như sợ chậm một phút là hết cả một ngày. Chúng tôi ra đồng khi còn sớm, trong khi dì, cậu bận khom cả người với đồng áng thì ông cũng đang lùa lũ vịt vào đồng bên cạnh lúa đã được gặt. Lũ vịt sẽ được  ăn no nê những bông lúa còn sót lại chưa kịp mót đang trôi nổi trên đồng cạn, thể nào cũng được bữa no nê. Ông dạy tôi cách lùa lũ vịt nhưng sao chúng chẳng bao giờ nghe tôi, tôi vừa tới là chúng chạy tán loạn cả lên. Chán, tôi lại bỏ lên bờ.

Cậu Mười của tôi chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, cũng con nít lắm, những khi cậu nghỉ tay lại rủ tôi đi bắt lũ cào cào lúa. Cậu bảo tôi: “Lũ này hay xuất hiện ở lúa đông xuân với lúa hè thu. Sinh sản háu lắm, chúng làm lúa lép không bán được”. Nghe cậu kể tôi “đâm ghét” lũ cào cào nên khi cậu rủ tôi đi bắt tôi đi ngay. Tuổi thơ của tôi là cả quãng thời gian tinh nghịch theo cậu đi các ruộng vạch bắt lũ cào cào và nghĩ rằng mình đã đóng góp công sức ít nhiều. Sau này tôi mới biết cào cào tôi bắt được còn được dùng làm món cào cào rang lá chanh ngon phải biết, đó là món khoái khẩu mà ông tôi hay nhắm cùng ít rượu mỗi khi cuối ngày.

Tôi cũng thích được cùng dì đi bắt cua. Lần đầu bắt cua ai cũng bị kẹp không ít lần, tôi còn nhớ lần đầu bị kẹp tôi khóc vang cả một cánh đồng còn dì thì cứ xuýt xoa luống cuống. Lũ trẻ quê tôi còn trêu tôi vì này là gì so với chúng đâu, chúng còn khoe tôi những vết tích khi bị đỉa cắn nhưng lại hãnh diện khi giúp được cho nhà, trêu tôi dân phố... Nghe thế tôi lại càng muốn bắt chước và học hỏi chúng. Vì thế những lần sau tôi đã biết cách cầm và bắt cua như dì và lũ nhóc bày. Cua nhỏ sẽ được băm cho lũ vịt ăn sang một bữa, còn cua lớn thì hấp để cho nhà ăn…

Mảnh sân rộng nhà ngoại không còn nữa, cây thanh long cao ngạo lần nào tôi về cũng trổ mỗi một trái đã được chặt tự lúc nào. Cánh đồng lúa đã đô thị hóa và lũ vịt cũng đã “ ra đi” vào ngày dịch H5N1 về trên làng nhỏ. Lũ cào cào ngủ dưới lớp bê tông và những con cua ẩn náu dưới nền của những căn nhà san sát. Quê tôi ngày càng tiến bộ, vững mạnh nhưng kéo theo ký ức xưa cũng đã mất đi ít nhiều. Và nay, ông tôi cũng đã mất, ông mất mang đi theo cả một bầu trời tuổi thơ của tôi cùng tiếng cười và những câu chuyện kể làm tôi ngon giấc. Trong tủ kính, những con hạc, những lọ hoa bằng những lá bài tam cúc xếp lên vẫn còn đó dù đã đóng bụi thời gian.

Truyện ngắn của LÊ HỨA BẢO TRÂN

;
.