Ca ngợi Hồ Chủ tịch Tuyệt phẩm về lãnh tụ của nhạc sĩ Văn Cao

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh tụ và cũng mang đậm dấu ấn Văn Cao. Con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao - họa sĩ Văn Thao cho biết: Giai điệu và ca từ mở đầu ca khúc được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Lúc đó, Văn Cao đứng ở dưới với tư cách thành viên trong Việt Minh cùng với hàng vạn đồng bào khác hướng lên khán đài lắng nghe giọng đọc của Bác:

“Người về đem tới Xuân đời/ Từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên/ Bao công nhân tiền phong đưa nhân dân vùng lên/ Nhân dân theo từng bước cha già, giành tự do ngàn năm”.

NGƯỜI VỀ ĐEM TỚI NGÀY VUI

Nhạc sĩ Văn Cao và bản nhạc Ca ngợi Hồ Chủ tịch.
Nhạc sĩ Văn Cao và bản nhạc Ca ngợi Hồ Chủ tịch.

Con trai tác giả Tiến quân ca cũng cho biết: “Cũng từ chữ Người mà nhạc sĩ Văn Cao sử dụng để chỉ Bác Hồ trong bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch sau này đã được đông đảo nhân dân sử dụng để gọi Bác. Bây giờ mỗi khi thấy chữ Người, chúng ta nghĩ ngay đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không phải là ai khác”.

Ngay từ những giờ phút đầu tiên, vị lãnh tụ vĩ đại đã rất gần gũi với nhân dân từ câu hỏi bà con đến dự buổi mít tinh ở quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 rằng: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Sự im lặng thành kính của hàng vạn con người khiến nhạc sĩ có cảm giác họ như đang nuốt từng lời Bác nói. Từ hình ảnh đó, ông mới viết thành những ca từ đầy cảm xúc: “Người về đem tới ngày vui/ Mùa Thu nắng toả Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời”.

Qua lời ca và giai điệu hùng tráng của ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch, người nghe cảm nhận sâu sắc lòng kính trọng, tình cảm thiêng liêng và trong sáng của người nhạc sĩ về lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Danh xưng Hồ Chí Minh đi vào trái tim mỗi người dân Việt Nam từ giây phút Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Cũng theo con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ: “Cha tôi sáng tác bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch khi chưa được tiếp xúc trực tiếp với Bác mà chỉ mới nhìn thấy Bác hai lần. Vì chưa có dịp trò chuyện để hiểu Bác, Văn Cao đã chọn cách đi nhiều nơi trong chiến khu, tiếp xúc với người dân, hỏi chuyện bộ đội để cảm nhận tình cảm mà mọi người dành cho Bác”.

“Cụ Hồ Chí Minh ánh dương vào trong ngục tù/ Tay công nhân của thế giới mới lên/ Cụ Hồ Chí Minh, ánh đuốc soi đường sáng/ Đế quốc tan tành hết trước sức dân trào cuốn/ Vinh quang nhân dân Việt Nam”.

Họa sĩ Văn Thao kể tiếp: “Sau chuyến đi khắp núi rừng Việt Bắc, chứng kiến tình cảm thực sự mà nhân dân dành cho Bác Hồ, cha tôi hiểu vai trò không gì có thể thay thế được của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của một vị lãnh tụ hiện lên giản dị và gần gũi trong suy nghĩ của Văn Cao, thôi thúc ông nhanh chóng hoàn thành ca khúc ca ngợi Hồ Chủ tịch”.

BÁC NHỚ MIỀN NAM NỖI NHỚ NHÀ

Ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1949. Ngay sau đó, bài hát được đông đảo nhân dân yêu mến và trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Bác ơi viết năm 1969, đã nói hộ tấm lòng của Bác đối với miền Nam, cũng là tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”. Hành trình của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh suốt 58 năm về sau là hành trình lịch sử tìm con đường cứu nước cho dân tộc và viết tên đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, xây dựng nền dân chủ cộng hòa và kháng chiến bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc; nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một lần thứ hai trở lại miền Nam. Vì vậy, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác Hồ từng nhiều lần nói rằng: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi ”. Hiểu được điều đó, nhạc sĩ Văn Cao đã viết:

“Bao đau thương miền Nam trong con tim Việt Nam/ Đang dâng lên làn sóng căm hờn và niềm tin thành công/ Cụ Hồ Chí Minh, ý muôn người trong một người/ Tên quê hương hồn đất nước Bắc Nam/ Cụ Hồ Chí Minh, ánh đuốc soi đường sáng/ Đế quốc tan tành hết trước sức dân trào cuốn/ Vinh quang nhân dân Việt Nam!”

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rựa rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điệu của bài hát.

Đánh giá về những giọng ca từng thể hiện bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch, họa sĩ Văn Thao cho biết, ông ấn tượng với giọng ca của NSND Quý Dương. “Sau này, trong lớp ca sĩ trẻ thì tôi thích cách thể hiện của NSƯT Đăng Dương”. Hơn 70 năm trôi qua, Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao vẫn là một tuyệt phẩm vô giá về mặt nội dung và nghệ thuật, được nhiều thế hệ nối tiếp thể hiện với lòng yêu quý và tự hào trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc.

VŨ THANH HOA

;
.