NHẠC SĨ VĂN KÝ

Gió mùa xuân mãi còn ở lại

Thứ Sáu, 30/10/2020, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày cuối tháng 10/2020, công chúng yêu nhạc Việt Nam lại đau buồn khi vừa mất đi “một người làm âm nhạc đích thực, một nhạc sĩ tài năng vừa sáng tác ca khúc hay lại sáng tác khí nhạc xuất sắc” (Nhận định của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN), ông còn là tác giả của một trong những ca khúc rất nổi tiếng mà bao thế hệ vẫn thuộc lòng: Bài ca hy vọng - đó chính là nhạc sĩ Văn Ký.

Nhạc sĩ Văn Ký.
Nhạc sĩ Văn Ký.

“Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ/ Ước mơ, những mùa xuân bóng dáng, tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa xuân nào đẹp bằng”.

ƯỚC MƠ NHỮNG MÙA XUÂN

Nhạc sĩ Văn Ký để lại một di sản đồ sộ khoảng 400 tác phẩm ở nhiều lĩnh vực: thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch…

Ca khúc đầu tay nhạc sĩ Văn Ký sáng tác năm 1946 mang tên Trăng xưa. Sau đó ông được cử đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 tại Nghệ An. Sau khi học tập, ông được điều về hoạt động văn nghệ tại Bình Trị Thiên sau đó viết ca khúc Bình Trị Thiên quật khởi được giải thưởng của Hội Văn nghệ Liên khu 4. Ngoài ra, ông còn viết những tác phẩm khác như: Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô... Từ năm 1950 đến 1954, ông làm trưởng đoàn Văn công Liên khu 4.

Năm 1954, tại Đại hội văn công toàn quốc, nhạc sĩ Văn Ký giành giải thưởng lớn với 2 nhạc cảnh Dân công lên đường và Lúa thoái tô. Từ năm 1955 đến 1957, ông tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, ông trở thành hội viên sáng lập và sau đó là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy viên Thường vụ của Hội từ năm 1963 (khóa 1 và 2). Ông đã dự nhiều lớp học do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn và sau đó được đi thực tập tại Liên Xô.

Nhạc sĩ Văn Ký có nhiều ca khúc được công chúng biết đến rộng rãi như Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất (Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1960), Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Giải thưởng của Bộ Giáo dục) ngoài ra bài hát này còn đem đến cho nhạc sĩ Văn Ký huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Nha Trang mùa thu lại về (Giải A tỉnh Khánh Hòa), Hà Nội mùa xuân, Trời Hà Nội xanh…

Trong lĩnh vực khí nhạc, Văn Ký còn viết nhiều thể loại như ca cảnh, nhạc múa, ca kịch Nhật ký sông Thương (1971), Đảo xa (1972), nhạc cho các bộ phim truyện Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vàn tình yêu, tổ khúc thiếu nhi cho piano, biến tấu trên chủ đề Xe chỉ luồn kim cho cello và piano.

Đặc biệt tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng, đã được biểu diễn nhiều lần ở Liên Xô (cũ) và Đức, xuất bản ở Moskva năm 1989…

Nhạc sĩ Văn Ký được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001), huân chương Độc lập hạng Ba (1961), huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, và nhiều huy chương khác.

LAN TỎA TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG 

Có một điều khiến các ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Văn Ký còn tiếp tục sống qua thời đại của mình đó là vì bên cạnh những ca khúc đầy khí thế mạnh mẽ đấu tranh thì ông còn có nhiều sáng tác trữ tình, lãng mạn lay động lòng người như: Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân…

“Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/ Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi/ Hà Nội ơi!” (Trời Hà Nội xanh).

Phải kể đến Bài ca hy vọng ra đời năm 1959, được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích, được những ca sĩ tên tuổi hàng đầu của âm nhạc Việt Nam thể hiện như: Trung Kiên, Lê Dung, Hồng Nhung, Lan Anh... 

Nhạc sĩ Thụy Kha nhận định: “Bài ca hy vọng là một tác phẩm lớn của nền âm nhạc Việt Nam, xuất hiện giữa lúc đất nước đang rất cần hy vọng, giúp nâng đỡ, cất cánh cho niềm tin của mọi người. Bài hát thực sự đã giúp ích nhiều cho cuộc tranh đấu thống nhất nước nhà”. 

Nhạc sĩ Văn Ký vẫn tiếp tục sáng tác ở tuổi 80-90. Ít ai biết rằng nhạc phẩm viết cho thanh niên Bay lên Việt Nam nhạc sĩ viết khi đã trên 80 tuổi và đầu năm 2020, ông từng phổ nhạc bài thơ COVID phải lùi xa của tác giả Lê Chín đã phát chương trình “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” của VTV1:

“COVID là kẻ thù vô hình/ Không quốc tịch/ Không màu da/ Như cơn bão tràn qua/ Cả địa cầu chao đảo/ Việt Nam ơi! Hãy đồng lòng xốc tới/ Con cháu Vua Hùng bốn ngàn năm vẫy gọi/ Chẳng kẻ thù nào đánh gục được chúng ta/ Đẩy nhanh COVID lùi xa/ Việt Nam kiêu hãnh nhà nhà yên vui”(COVID phải lùi xa).

Quả vậy, tác giả của Bài ca hy vọng đã dành trọn cuộc đời mình để lan tỏa tinh thần lạc quan, nhân văn và yêu cuộc sống thiết tha, là tấm gương cho các thế hệ văn nghệ sĩ sống và dâng trọn niềm tin yêu cho nghệ thuật đích thực.

Nhạc sĩ Văn Ký qua đời sáng 26/10/2020, hưởng thọ 92 tuổi. Ông là tác giả của trên 400 ca khúc, như: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về... Đặc biệt Bài ca hy vọng đã gắn bó làm nên tên tuổi nhiều ca sĩ nổi tiếng, như Lê Dung, Quang Thọ, Trung Kiên… Văn Ký còn là tác giả của nhạc phim: Trên vĩ tuyến 17, Cô gái công trường..
Nhạc sĩ Văn Ký được trao Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng ba và được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.

VŨ THANH HOA

;
.