Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử

Thứ Sáu, 29/01/2021, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT là một trong 21 tỉnh, thành phía Nam có phong trào nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT, ngày 18/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, góp phần đưa ĐCTT lan tỏa vào đời sống cộng đồng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Sở VH-TT trao giải A và B cho 5 đội thi tại Hội thi ĐCTT “Bà Rịa - Vũng Tàu hòa nhịp đờn ca” năm 2020 diễn ra vào ngày 8/1/2021.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Sở VH-TT trao giải A và B cho 5 đội thi tại Hội thi ĐCTT “Bà Rịa - Vũng Tàu hòa nhịp đờn ca” năm 2020 diễn ra vào ngày 8/1/2021.

LỠ YÊU ĐCTT BẰNG CẢ TRÁI TIM

Tại hội thi ĐCTT với chủ đề “Bà Rịa - Vũng Tàu hòa nhịp đờn ca” diễn ra vào ngày 8/1 vừa qua, người yêu thích loại hình nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh được thưởng thức nhiều tiết mục ca hát với những âm điệu ngọt ngào, ấm áp của những bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên, ca khúc trữ tình ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước... Đặc biệt, những điệu thức lúc vui tươi, lúc thăng trầm, sâu lắng về tình đất, tình người theo điệu Giang Nam, Phú lục, Bình bán chấn, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi, Nam ai… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người mộ điệu.

Tham gia hội thi có 5 CLB ĐCTT của các đội: TP. Bà Rịa, TX.Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Những tài tử tài năng của các đội đều có giọng ca đẹp, ngón đờn hay. Tại hội thi, CLB ĐCTT huyện Đất Đỏ đoạt giải A chương trình. Được biết, CLB có 20 thành viên và 30 cộng tác viên. Các thành viên tuy mỗi người mỗi nghề nhưng họ đến với ĐCTT bằng niềm đam mê ca hát. Mỗi tháng, CLB tổ chức 1 buổi sinh hoạt và 1 chương trình giao lưu, biểu diễn luân phiên tại các địa phương trong toàn huyện nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Ông Trần Hoàng Hưng, Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Đất Đỏ chia sẻ, nghệ thuật ĐCTT đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Hầu hết các nghệ nhân, tài tử đều làm nhiều nghề khác nhau như: buôn bán, nông dân, công nhân viên chức không mấy khá giả, nhưng tất cả đến với ĐCTT từ tình yêu, đam mê và nhiệt huyết. Hằng tháng, khi CLB đi biểu diễn được Trung tâm VH-TT-TT huyện Đất Đỏ cấp chi phí 2 triệu đồng chỉ đủ chi phí thuê nhạc cụ nhưng vì đã “lỡ yêu ĐCTT bằng cả trái tim” nên các thành viên đều đem hết tài năng, tâm huyết để cống hiến cho công chúng những lời ca, ngón đờn đẹp.

NỖ LỰC BẢO TỒN

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Sở VH-TT, trên địa bàn tỉnh hiện có 40 CLB ĐCTT với hàng ngàn thành viên. Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được triển khai nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ với mục đích bảo tồn và phát huy, lan tỏa sâu rộng khắp địa bàn dân cư. Đây là nhiệm vụ mang tính cấp bách trước yêu cầu phát triển chung của ngành văn hóa. Góp phần vào thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB đang gặp khó do thiếu kinh phí.

Ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm VH-NT tỉnh cho hay, một trong những khó khăn của việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT là kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các CLB chưa được phê duyệt. “Bảo tồn và phát huy ĐCTT cần gắn với việc ban hành chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân, hạt nhân nòng cốt có nhiều đóng góp trong nghệ thuật ĐCTT. Mặt khác, tạo điều kiện cho ĐCTT có không gian biểu diễn phục vụ người dân, du khách ở những địa điểm khác nhau cũng cần phải có kinh phí hỗ trợ để lan tỏa phong trào ĐCTT trong nhân dân”- ông Phạm Diêm đề xuất. Để nỗ lực duy trì loại hình nghệ thuật đặc sắc này, nhiều năm nay Trung tâm VH-NT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, tập huấn, hội thi ĐCTT 2 năm 1 lần, tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới… Ngoài ra, kết hợp với các địa phương, các CLB giới thiệu, quảng bá nghệ thuật, thu hút sự chú ý của người dân và du khách.

Tại các địa phương cũng tìm ra những cách làm hay để bảo tồn loại hình nghệ thuật ĐCTT. Bà Lữ Sĩ Tuyết, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Đất Đỏ cho hay, ngoài duy trì CLB của huyện bằng cách cấp kinh phí 2 triệu đồng/tháng cho hoạt động biểu diễn, Trung tâm còn tổ chức các lớp đờn và ca nhằm duy trì và phát triển bộ môn nghệ thuật này. Khóa đầu tiên được mở từ tuần tháng 8/2020 và kéo dài trong 3 tháng, học viên được miễn học phí. “Chúng tôi hy vọng qua các khoá học, phong trào ĐCTT tại Đất Đỏ sẽ ngày càng thêm lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”, bà Tuyết chia sẻ.

Ông Trần Sỹ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TX.Phú Mỹ cũng cho biết, CLB ĐCTT TX.Phú Mỹ được Trung tâm tạo điều kiện hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng để sinh hoạt nhằm tạo động lực cho các thành viên có dịp trau dồi giọng hát làm cho ngón đờn, lời ca trở nên du dương, trầm bổng hơn. Không chỉ rèn luyện, CLB còn đào tạo, chiêu sinh những người trẻ đam mê bộ môn nghệ thật ĐCTT. Đặc biệt, một số thành viên nòng cốt còn hỗ trợ, truyền nghề, thúc đẩy phong trào ĐCTT phát triển. Bên cạnh các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB còn phục vụ văn nghệ vào các dịp lễ, tết, các sự kiện lớn của địa phương nhằm lan tỏa nghệ thuật ĐCTT.

Tài tử Lê Nguyễn Bảo Trân (SN 2010, CLB ĐCTT huyện Đất Đỏ đoạt giải tài tử nhỏ tuổi nhất tại Hội thi ĐCTT  “Bà Rịa - Vũng Tàu hoà nhịp đờn ca” năm 2020 diễn ra vào ngày 8/1/2021.
Tài tử Lê Nguyễn Bảo Trân (SN 2010, CLB ĐCTT huyện Đất Đỏ đoạt giải tài tử nhỏ tuổi nhất tại Hội thi ĐCTT “Bà Rịa - Vũng Tàu hoà nhịp đờn ca” năm 2020 diễn ra vào ngày 8/1/2021.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.