Dòng thời gian trên từng trang sách

Thứ Sáu, 16/04/2021, 18:30 [GMT+7]
In bài này
.

“Cuộc đời chúng ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”- Harvey MacKay là một nhà văn kiêm doanh nhân người Mỹ đã nói như vậy. Đọc sách  là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Dù ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học là một trong những phương cách để hoàn thiện bản thân, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và để đóng góp vào phát triển xã hội nhưng chỉ học ở trường thôi là chưa đủ mà cần kết hợp với thực tiễn và bồi dưỡng kiến thức. Đọc sách giúp phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Vì thế, cách đây gần trăm năm, những người yêu quý sách đã dành hẳn 1 ngày để tôn vinh việc đọc sách.

Đường sách ở TP. Vũng Tàu.
Đường sách ở TP. Vũng Tàu.

LỊCH SỬ NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH

“Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó, hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23/4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.

Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn. Có thể nói sách là người thầy dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Sách là người bạn gần gũi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mỗi chúng ta. Sách có lẽ là một trong những phát minh quan trọng và vĩ đại nhất của con người, là phương tiện lưu trữ kiến thức con người tích lũy được từ đời này sang đời khác. Ngay ở những nước phồn thịnh nhất với nền công nghệ phát triển ở mức cao nhất cùng các thiết bị điện tử tối tân, việc đọc sách vẫn được trân trọng hàng đầu. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người phương Tây tuổi còn rất trẻ với trang phục đầy phong cách tham gia trên đường phố, các phương tiện công cộng, vẫn không quên mang theo những cuốn sách để đọc, trong những giờ phút chờ đợi di chuyển từ nơi này qua nơi khác.

“Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ

Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình

Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy

Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh…

Dù quyển sách đã in, dù chiếc cầu đã dựng

Những máy móc đã làm, những bức vẽ đã treo,

Đồ vật có thể còn, vẫn còn gì hơn thế

Mỗi người vẫn có gì sẽ vĩnh viễn mang theo”.

(Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời - Evghenhi Evtushenko, nhà thơ Nga)

NGÀY SÁCH VIỆT NAM: 21/4

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phú đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Không thể không nhìn nhận một thực tế rằng với sự phát triển của những phương tiện điện tử, những trò giải trí qua mạng, việc đọc sách ở nước ta đang trở nên mờ nhạt trong cuộc sống của mọi người, không còn nhiều người hiểu được giá trị to lớn mà một quyển sách có thể mang lại, đó thực sự là một điều đáng buồn cho những bậc phụ huynh và những người nghiên cứu văn hóa, văn nghệ, những người sáng tác và bảo tồn văn hóa đọc. Việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa quốc tế, để mỗi cá nhân hòa mình vào căn nhà tri thức chung của nhân loại. Từ đọc sách, sưu tầm sách đến xây dựng tủ sách, xây dựng thư viện là các bước hình thành văn hóa đọc. Bắt đầu từ những việc nhỏ và thiết thực như: lan tỏa cảm hứng đọc sách cho những người thân trong gia đình, xây dựng thư viện sách tại nhà, lập các hội nhóm yêu thích trao đổi sách trước khi làm những việc lớn lao hơn cho cộng đồng.

“Những tác giả quen, những tác giả chưa quen

Lặng lẽ ngắm tôi từ giá sách

Chỉ mấy bước vào đây là tôi gặp

Dòng vui buồn cuộn chảy dọc thời gian

Những cuộc đời trên giá gỗ bình yên

Là số phận kết tinh từ bão tố

Chiến tranh và bình yên

Hạnh phúc và đau khổ”.

(Gặp ở hiệu sách - Thuận Hữu)

Sách là nguồn kiến thức vô tận của con người. Sách là ngọn đuốc dẫn đường giúp ta mở mang những kiến thức khoa học. Văn hào Nga M.Goroki cho rằng: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

VŨ THANH HOA

;
.