Khúc tâm tưởng tự hào

Thứ Sáu, 11/06/2021, 21:11 [GMT+7]
In bài này
.

Nhận được bản thảo “Khúc hát sông Ngàn”, tôi mở ra đọc ngay. Những trang bản thảo có sức cuốn hút lạ lùng. 

Chân dung nhà báo Phạm Quốc Toàn trên bìa sách Khúc hát sông Ngàn.
Chân dung nhà báo Phạm Quốc Toàn trên bìa sách Khúc hát sông Ngàn.

Có thể đối với tôi, sự cuốn hút của “Khúc hát sông Ngàn” bắt nguồn từ quan hệ thân thiết giữa anh với tôi. Tôi biết anh Phạm Quốc Toàn từ khá lâu, có lẽ đã bốn chục năm có lẻ. Với tôi, anh là người anh trân quý, người bạn vong niên thân thiết và hơn thế nữa - người thầy về nghề nghiệp. Anh tuổi Kỷ Sửu, tôi tuổi Quý Tỵ, vậy là hai anh em lệch nhau 5 tuổi. Hai người ở hai vùng quê thật xa nhau, người Hà Tĩnh, người Phú Thọ, nhưng lại có nhiều cái chung. Cùng học đại học báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh học khóa 1, tôi học khóa 2. Thời ấy, khóa 1 kết thúc, nhà trường mới chiêu sinh khóa 2, thành ra sinh viên khóa 1 tốt nghiệp ở lại trường làm thầy dạy sinh viên khóa 2 luôn. Nhiều anh chị khóa 1 ra làm báo rồi trở thành tấm gương, thần tượng cho sinh viên khóa 2. Anh Phạm Quốc Toàn là một người như thế. Khi tôi đang là sinh viên đã biết anh là cây viết bình luận nổi tiếng. Tôi cũng như anh, là học viên biệt phái của Quân đội gửi đi học, nhưng khi anh tốt nghiệp về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân hơn một năm rồi, tôi mới cắp cặp đi thi vào trường. Hai anh em cùng rời quân ngũ để ra làm việc trong môi trường dân sự do những lý do ngoài ý muốn. Cuộc “rút quân” khỏi báo Quân đội Nhân dân của anh đã trải qua nhiều day dứt, vật vã. Còn với tôi, đã buồn đến khóc khi phải trả quyết định để về trường làm cán bộ giảng dạy. Có một thời gian dài, hai anh em cùng tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, cùng nhau đi công tác trong nước, ngoài nước, đã từng thủ thỉ tâm sự chuyện đời, chuyện nghề với nhau trong những đêm không ngủ. Tôi đã đọc hầu hết sách và nhiều bài báo của anh, kể cả những bài trong các chuyên mục tiểu phẩm, một thể loại mà đến giờ tôi và anh vẫn viết đều đặn cho các báo, tạp chí.

Gần gũi, thân thiết như thế tưởng đã biết về anh, hiểu về anh. Đọc “Khúc hát sông Ngàn” mới thấy con người của anh sâu sắc hơn tôi nghĩ nhiều, tính cách của anh khảng khái mà nhân hậu hơn tôi biết nhiều, cuộc đời của anh gian nan, nghiệt ngã hơn tôi tưởng nhiều. Bởi thế, càng đọc, càng cuốn hút, càng thấu hiểu, càng thương yêu, càng trân trọng anh.

“Khúc hát sông Ngàn” với gần 500 trang chia làm 2 phần.  Phần 1 “Quê hương, gia đình-đấng sinh thành”. Phần 2 “Tin yêu-sâu lắng từ trái tim bạn bè, đồng nghiệp”. Chính phần 1  là viên ngọc sáng, là nguồn cội tạo nên sức hút, sự xúc động, hấp dẫn của cuốn sách. Đành rằng những nhận xét, đánh giá, chia sẻ, của bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh là rất quý, rất đáng trân trọng. Nhưng chính những ý nghĩa, giá trị sâu thẳm trong văn hóa, truyền thống vùng đất quê hương, trong lối sống và tình cảm của gia đình, dòng tộc, trong những gian nan, thử thách nghiệt ngã của cuộc đời mà Phạm Quốc Toàn đã trải qua, cảm nhận, chiêm nghiệm và trần tình lại mới là cái mà người đọc mong đợi. Và nói cho cùng, đó mới là cơ sở, nguyên nhân cho những điều tốt đẹp, chân tình mà bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp chia sẻ trong phần 2.

Nghệ-Tĩnh là nơi đất linh thiêng, người hào kiệt thì rõ rồi. Tưởng rằng viết về vùng đất quá đỗi nổi tiếng như thế thì sẽ rất khó. Vậy mà anh Phạm Quốc Toàn viết về vùng đất ấy vẫn hay, vẫn hấp dẫn, lôi cuốn. Bắt đầu là “Đường vô xứ nghệ” để nói về hình sông, thế núi, tính cách cư dân và văn hóa địa phương. Rất tự hào đấy nhưng tác giả vẫn chừng mực, hàm chứa sự khiêm cung của một con người ưu thời, mẫn thế, biết mình, biết người. Câu chuyện về quê hương, nơi chôn nhau, cắt rốn của anh Phạm Quốc Toàn vừa gian khổ khó khăn, nhưng rất đỗi tự hào, gắn liền với những kỷ niệm một thời thơ trẻ của anh. Trong câu chuyện ấy có cái rất riêng của anh, của quê anh, nhưng cũng có cái chung của nhiều làng quê, của số phận dân tộc trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy.

Sau Nghệ - Tĩnh, quê hương thứ nhất, anh Phạm Quốc Toàn kể về “Vũng Tàu biển hát”, quê hương thứ hai, nơi anh đã gắn bó từ những ngày khó khăn và sẽ gắn bó đến tận cùng đời mình. Nghe cái tên anh đặt “Vũng Tàu biển hát” có cái gì đó tự hào, như reo vui. Mà niềm vui và niềm tự hào có thật! Vui và tự hào bởi sự giàu có, tốt đẹp lên, cùng những toan lo đến vật vã để phát triển mạnh mẽ của thành phố bên bờ biển Đông. Vui và tự hào bởi những bạn bè thân hữu phẩm hạnh, thân thiết của riêng anh, những con người tài năng, sẵn lòng cống hiến của thành phố biển dầu. Vui và tự hào bởi chính mảnh đất này đã cho anh một chỗ dừng chân để dựng nên mái ấm gia đình sau một hành trình gian khổ, khó khăn. Vui và tự hào bởi anh không chỉ là một chứng nhân, hơn thế nữa, anh còn là người đóng góp sức lực, trí tuệ và cả niềm tin yêu của mình vào công cuộc dựng xây, phát triển hôm nay và chuẩn bị cho thành phố ngày mai to đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo BR-VT vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách thứ 18 của ông: KHÚC HÁT SÔNG NGÀN (NXB Văn Học, 2021), ấn hành vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Cuốn sách như một khúc tâm tưởng, được người bạn thân của tác giả - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương;
Nguyên  Giám  đốc  Học  viện  Chính trị  Quốc gia  Hồ Chí  Minh;
Nguyên Tổng Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) đánh giá  là: “...càng đọc, càng cuốn hút, càng thấu hiểu, càng yêu thương, càng trân trọng”.

 

Song, nếu chỉ có những điều ấy thì chưa đủ để có thể nói về sự xúc động, sự cuốn hút, sự kết tinh lấp lánh nhất của cuốn sách. Anh viết về cha mình thật xúc động đến nghẹn ngào.  Anh viết với nỗi lòng da diết về người mẹ “một đời tần tảo” thương chồng, thương con, dâng hiến cho chồng, cho con. Anh viết về sự ra đi đột ngột của đứa em út khi mới 25 tuổi với sự đau đớn, xót xa. Và khi cuộc đời tưởng đã an lành, gia đình tưởng như đã hạnh phúc, với “tuổi xưa nay hiếm” tưởng như đã ung dung tự tại để vui vầy với con cháu, thì tai họa lại ập đến. Người con gái út yêu quý đủ cả công, dung, ngôn, hạnh, tài, trí và hiếu thảo của anh đã ra đi mãi mãi khi mới 39 tuổi. Đọc những trang anh viết về gia đình, về bè bạn, về cuộc mưu sinh - phấn đấu của anh, tôi cứ nghĩ, không biết anh lấy đâu ra sức lực và lý trí để có thể chịu đựng, để có thể vượt qua ngần ấy khó khăn, mất mát, thử thách khắc nghiệt, và hơn thế, vẫn luôn thể hiện một phong thái bình thản, tự tin, khiêm nhường, nhân văn và rộng lượng. Phải gan góc lắm, kiên cường và bản lĩnh lắm mới có được cái phong thái ung dung tự tại ấy.

Chương cuối của phần 1, anh nói về nghề báo, nghiệp văn. Anh say nghề từ thuở ấy đã hơn nửa thế kỷ cho đến tận hôm nay khi tuổi đã xế chiều vẫn sống chết với nó. Làm báo ở Trung ương, anh về làm báo ở BR-VT 21 năm với bao kỷ niệm, rồi trở lại làm báo ở Trung ương, 10 năm làm Tổng biên tập một tạp chí nghề và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Biết bao  trải nghiệm và sự đúc rút và tổng kết chuyện đời, chuyện nghề, diện mạo - đời sống báo chí đương đại, nhân tình thế thái; tích cực và tiêu cực, vui và buồn của những người cầm bút - giới tinh hoa. Thật quý vô cùng về điều có thể rút ra từ trải nghiệm của một người làm báo dày dạn, luôn đong đầy trách nhiệm.

Đọc những lời mà anh em, bạn bè, đồng nghiệp viết về anh Phạm Quốc Toàn và các tác phẩm của anh càng thêm hiểu, thêm yêu và thêm trân trọng về con người anh, những đóng góp của anh cho đời, cho nghề, cho nền báo chí đương đại mà anh đắm say, tận hiến. Hơn thế nữa, cũng là sự lắng nghe, cảm nhận cho chính mình bài học cuộc đời, sự nghiệp từ chính cuộc đời và sự nghiệp rất trân trọng của anh. 

“Văn cũng là người”, và “Khúc hát sông Ngàn” chính là thể hiện con người của Phạm Quốc Toàn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi đọc “Khúc hát sông Ngàn” không chỉ với sự cuốn hút  như một khúc tâm tưởng  để cảm nhận, khâm phục và tự hào về một người anh, người thầy, người bạn, một nhân cách đáng kính trọng cả về tâm đức và tài năng.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn
;
.