Trong cái khó "ló" cái khôn

Thứ Bảy, 05/06/2021, 07:38 [GMT+7]
In bài này
.

“Bực mình đến thế là cùng”. Ai đời, ngày cuối tuần nhưng ông nhà đèn lại cúp điện cái rụp. Thời tiết nóng bức thế này oải quá. Mồ hôi mồ kê đầm đìa. Đã thế, ngoài trời lại không có tí gió mát. Không hẹn mà gặp, các thành viên trong nhà đều lên tiếng than van, ca cẩm cứ như thể đang đối mặt với điều gì đó thiệt khủng khiếp.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Bỗng dưng, lại nghe tiếng cười giòn tan: “Cũng hay. Đỡ tốn tiền điện”. Ai vừa cười? Thì ông bố, chứ còn ai nữa. “Mấy tháng nay, tiền điện, tiền nước nhà mình tăng vù vù phát khiếp. Thôi kệ, nhân dịp này dọn dẹp nhà cửa cho tươm đi nào”. Nghe cũng hay hay, thay vì chúi mũi vào truyền hình, máy tính… như mọi lần thì từ vợ đến con hào hứng làm theo ngay.

“Cái nhà là nhà của ta”, do đó, việc dọn dẹp, chỉnh sửa làm đẹp nọ kia cũng là dịp thư giãn, vì làm tùy thích, tùy hứng theo sở thích của mình. Nghĩ cũng lạ, do cúp điện nên cả nhà mới có cơ hội cùng chung tay và qua đó, họ còn tiết kiệm được khoản tiền ít nhiều vì tự tay làm, chứ không phải thuê mướn người. 

Thế đấy, có những việc sờ sờ ra đó, dù trái mắt gai tai nhưng rồi mỗi ngày cứ chạy theo công việc, làm theo thói quen nên ít ai có thời gian sắp xếp lại cho gọn gàng, đẹp mắt. Thì hôm nay nhân cúp điện, nên cả nhà mới ra tay, cũng là cái cớ hợp lý quá đi chứ? Đúng thế. Dù trong hoàn cảnh nào, vẫn có cách để “hóa giải” theo chiều hướng khác, miễn thấy lòng vui, chứ không phải bó buộc, lệ thuộc theo nó.

Tôi biết có anh chàng nọ cực kỳ ngạc nhiên, vì lần đầu tiên trong bữa ăn lại nghe cô vợ du dương mùi mẫn như đang xuống xề câu sáu câu vọng cổ: “Anh biết không, sáng nay bước chân vào siêu thị, sau khi đi lướt qua một vòng, em… suýt ngất!”. Chà, chuyện này ắt nghiêm trọng lắm đây. Nghĩ vậy, anh chồng dừng đũa với bộ mặt “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” đầy cảm thông. “Này, anh có biết giá rau muống bao nhiêu tiền một bó? Cà chua bao nhiêu tiền một ký? Thịt ba rọi bao nhiêu tiền một lạng? À, lại tiền nước tương, nước mắm, hành, tiêu, ớt, tỏi nữa chứ! Anh có biết bao nhiêu tiền không?”. Nghe một loạt chữ tiền khi nhẩn nha, lúc nhấn mạnh thì bấy giờ người chồng mới hiểu ra… đáp án nằm gọn trong mỗi chữ “tiền”.

Do hiểu ra nên anh chàng ta mới thở dài: “Thế, tiền lương của anh có đủ, thiếu gì không?”. Cô vợ bật cười khanh khách: “Thừa đấy!”. Ơ hay, cả mấy năm trời nay đồng lương ba cọc ba đồng cứ “dẫm chân tại chỗ”, trong khi đó vật giá cứ tăng vùn vụt thì thừa cái nỗi gì? Bấy giờ, cô vợ mới đưa tay chỉ ra khoảng đất trước sân nhà rồi gật gù: “Thừa là nhờ đám rau xanh, bầu bí anh trồng kia kìa”. Miếng đất trống trơ, chỉ đầy cỏ mọc mà cô vợ lại nói thế ư? Vốn thông minh nên anh đã thấu hiểu về nhiệm vụ được giao, nhất là khi hàng quán đang tạm đóng cửa vì dịch bệnh.

Khi “cải tạo” lại miếng đất đó, không những thừa sức cung cấp rau xanh, rau sạch cho cả nhà mà còn tạo nên cảnh quan đẹp mắt nữa. Nếu tiền bạc thừa thãi, liệu chừng thời gian sau mỗi chiều tan sở, anh ta có dành cho nó hay sa đà vào các cuộc bù khú cùng bạn bè? Rõ ràng, dù chật vật với vật giá nhưng nếu biết tính toán một chút ắt người ta cũng có thể tìm cách giải quyết ổn thỏa.

Ở cơ quan tôi, có anh chàng được mọi người đặt cho biệt danh mỹ miều: “Thùng tô nô biết đi”. Bởi vì rằng, cái bụng anh ta to thè lè với dáng đi ì ạch. Ấy thế, bây giờ thật bất ngờ khi nhìn thấy vóc dáng thon gọn hẳn. Nhờ đâu? Nghe tôi tò mò hỏi, anh ta cười tỉnh bơ: “Nhờ… xăng tăng giá vô tội vạ!”. Giữa xăng và cái bụng thùng nước lèo có liên quan gì với nhau?

Ai đó đã nói, đại khái, trong cái khó ló cái khôn. Vậy là từ lúc nhìn thấy chiếc xe ngốn tiền xăng hơi bị nhiều, anh ta khắc phục bằng cách không phải nhất thiết hễ ra khỏi nhà là phóng lên xa máy chạy vù vù, thay vào đó là đi xe đạp hoặc đi bộ, tùy trường hợp. Ban đầu đơn giản chỉ là biện pháp tiết kiệm tiền xăng, dần dà về sau, mới hay qua đó còn là dịp cải thiện sức khỏe nữa.

Thật ra, sống ở đời ai cũng mong muốn đời sống tiện nghi hơn, đầy đủ hơn, được trang bị tận răng mọi sở thích, nhu cầu. Trước kia chỉ cần mặc ấm, ăn no; nay, phải hướng đến mặc đẹp, ăn ngon. Thế nhưng có những lúc với thu nhập khiêm tốn, đồng lương không cho phép thì sao? Chẳng lẽ lại ngồi đó than thân trách phận hay phải chạy vạy vay nợ đầu này đầu kia? Tôi biết nhiều người không chấp nhận cách giải quyết này, họ khôn khéo tìm cách khác. Nói gọn lại vẫn là phương thức: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tìm cách hóa giải, tháo gỡ ngay trong tầm tay của mình.

Tâm đắc với điều này, tôi khoái chí bật ra câu thơ như một sự tán thành:

Tiêu tiền tằn tiện thì thong thả

Tri túc thức thời tất thảnh thơi.

Xin hỏi, bạn có đồng ý với tôi không?

LÊ MINH QUỐC

;
.