Vạn Lộc với "Gió miền lục bát"

Thứ Bảy, 19/06/2021, 07:51 [GMT+7]
In bài này
.

1. Mùa hè 2021, đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát đợt mới, nhiều địa phương thực hiện “giãn cách xã hội” để phòng chống dịch bệnh, tôi nhận được tập thơ “Gió miền lục bát” (NXB Hội Nhà văn, 2021) vừa trình làng của nhà thơ Vạn Lộc. Tác giả là người con xứ Quảng nhưng luôn dành nhiều tình cảm gần gũi, thân thương cho vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Vạn Lộc đã có lần nói với tôi: “Rất yêu Vũng Tàu nên Vạn Lộc đã có những bài thơ đằm thắm về Ô Cấp, biển Vũng Tàu - Long Hải - Hồ Tràm - Bình Châu”.

Trong tập “Gió miền lục bát”, Vạn Lộc xuất thần có những câu thơ hay, rất đỗi gần gũi về thành phố biển Vũng Tàu:

Chiều Vũng Tàu xanh như thơ

Xanh trời, xanh biển, đợi chờ cũng xanh

Gió xanh ngọt, nắng xanh lành

Biêng biêng biếc biếc, chòng chành chiều rơi

Dạo bộ và dạo xe một vòng quanh biển, nữ sĩ Vạn Lộc như nhớ người xưa đã thổn thức thốt lên rằng:

Mũi Nghinh Phong, chạm chân trời

Bãi Vọng Nguyệt, sóng ru lời nước mây

Thì thầm tôi hỏi hàng cây

Vết rêu phủ dấu chân gầy người xưa.

Và một Vạn Lộc của hôm nay đắm say, khi quá khứ nơi xứ biển đã lùi lại phía sau, đong đầy cảm xúc:

Trả lời tôi câu nắng mưa

Đã an nhiên gió, mà chưa lần về,

Lên núi Nhỏ ngắm sơn khê

Chỉ thấy biển nhắc lời thề biển xa

Vạn Lộc về với biển Vũng Tàu thường chỉ dăm bữa nửa tháng, đủ để ngắm nhìn “vết rêu xưa” mà thổn thức, mà nhớ, mà thương - để tâm hồn, từ con tim xin nương bóng… người ơi:

Vũng Tàu xanh, chiều hiền hòa

Hồn xin nương bóng Thích Ca Phật đài

Long Hải ơi, ngày dần phai

Men theo lối cũ thiên thai tôi về…

Trân trọng biết bao những lữ khách của “Vũng Tàu biển hát”, hồn thi sĩ thêm yêu thêm nhớ Vũng Tàu, thành phố của biển, của núi - sơn thủy hữu tình.

2. Lần đầu tiên, cũng đã hơn chục năm có lẻ, tôi gặp và biết hồn thơ Vạn Lộc ở mũi Nghinh Phong. Chúng tôi đã cùng chị lên ngọn Hải Đăng, niềm tin yêu và mong ngóng, hy vọng, đón đợi của bao con tàu vượt đại dương ra biển lớn. Cùng đi với chị có nhiều bạn hữu - bạn thơ, bạn văn, bạn báo - khắp bốn phương: Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Sài Gòn, đủ bạn các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ. Nhà thơ Bằng Việt, nhà báo - nhà thơ Kim Quốc Hoa kể cho tôi nghe về Vạn Lộc, một tâm hồn thơ lãng mạn, chiều sâu tâm hồn, hướng thiện. Người con gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Duy Xuyên - Quảng Nam anh hùng có sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện - những địa danh anh hùng nổi tiếng thời đánh Mỹ… sống hết mình, nghĩa tình, thủy chung và sự khiêm nhường như là một thương hiệu.

Tên thật của nữ sĩ Vạn Lộc là Vũ Thị Hội, hội viên Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng; hội viên thơ Đường luật UNESCO Việt Nam. Cuộc đời nhà thơ Vạn Lộc là cả một kho tư liệu tiểu thuyết như huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, chi tiết nào về Vạn Lộc - Vũ Thị Hội cũng sống động, cuốn hút.

Nữ sĩ Vạn Lộc thủy chung với triết lý: Cuộc đời hãy cho, không bao giờ nghĩ đến nhận, thấy người khó mà không cưu mang, sẻ chia, giúp đỡ coi như chưa biết làm người. Vạn Lộc ăn chay trường, đọc sách Phật, học thiền. Có lẽ vì vậy mà triết lý nhà Phật đi vào thi ca của Vạn Lộc tươi mới, da diết, từ tâm, buông bỏ, ẩn chứa ý tứ sâu xa:

Ta ngồi tụng một đức tin,

Thấy gỗ thấy đá nổi chìm Phật môn,

Bà la mật, Bát nhã hồn,

Nghe vô lượng kiếp bể non luân hồi.

Thật đặc biệt và chính đó cũng là tâm đức trong “Gió miền lục bát” của Vạn Lộc như vọng lên tiếng chuông chùa gõ nhịp, cầu nguyện cho bao linh hồn rời cõi tạm:

Chắp tay tôi lạy cửa Thiền,

Tỏ lòng cung kính đường lên Niết bàn,

A di đà Phật - Lộc ban

Nhẹ nhàng trút bỏ bụi trần xưa sau…

Và nhà thơ Vạn Lộc luôn nhắc nhở con cháu, người thân, kết nối bạn bè hãy “từ tâm”, làm thật nhiều điều tốt cho người, cho đời. Làm nhiều việc thiện, hãy cho mà để tâm - đức lại cho đời. Chính vậy mà Vạn Lộc có một mái ấm gia đình viên mãn. Chị có những bài thơ hay dành cho chồng, cho con cháu, cho những người thân yêu. Nếu không có ai nói ra thì bạn hữu xa gần không hay biết, hai người con trai thành đạt của nhà thơ Vạn Lộc là hai ông chủ - Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, Nguyễn Tâm Thịnh và Nguyễn Tâm Tiến - doanh nghiệp tư nhân đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực điện mặt trời ở miền Trung và Tây Nam Bộ. Nhà thơ Vạn Lộc là thân mẫu của Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BR-VT.

3. Với tập thơ “Gió miền lục bát”, tập hợp 110 bài thơ lục bát như là một tiếng tơ lòng của Vạn Lộc. Tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè quyện chặt với tình yêu thiên nhiên… đậm đà, sâu lắng. Mỗi địa danh đẹp trên dải đất Việt hình chữ S yêu dấu, Vạn Lộc đều ghi dấu những bài thơ hay, câu thơ đẹp. Từ năm 1997 đến nay, Vạn Lộc đã xuất bản 11 tập thơ, với gần 1.000 bài. Đó là cảm xúc, là tiếng lòng từ con tim, bức tranh thu nhỏ về tình yêu, nỗi khắc khoải với quê nhà, với dòng sông Thu Bồn nơi Vạn Lộc sinh ra; với dòng sông Hàn, nơi Vạn Lộc gắn bó gần trọn cuộc đời; với Vũng Tàu, Nha Trang, Cần Thơ… những miền đất yêu dấu mà Vạn Lộc gắn bó, nhung nhớ. Nhà thơ Bằng Việt, người anh và cũng là bạn thơ của Vạn Lộc cảm nhận: Thơ lục bát của Vạn Lộc đầy bản sắc thầm kín, tạo cho mình thế giới riêng, như chính Vạn Lộc tâm sự:

Người đàn bà viết thơ tình,

Là vẽ nước mắt chênh vênh phận buồn

Là mưa đầu núi cuối sông

Là nắng đổ lửa trên đồng cháy khô…

Vậy đó! Đúng như Vạn Lộc đã thảng thốt, rằng vẽ ra để rồi gánh chịu phận đàn bà luôn biết hy sinh, tận tụy cho đời. Được hy sinh là niềm vui cho đời. Những câu thơ lục bát của Vạn Lộc thanh tao, giàu khát vọng, trong trẻo tâm hồn, sống với thiên nhiên, yêu cây cỏ, làm điều thiện - tâm - đức và nhẫn, lấy đức - phúc làm trọng cho đời.

“Gió miền lục bát” là một bước tiến của Vạn Lộc về sự nghiệp thi ca, là cuộc tự sự với chính mình để làm cho cuộc đời này càng đáng yêu, thêm thánh thiện!…

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.