Hoa súng trắng

Thứ Bảy, 17/07/2021, 15:59 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là một buổi trưa tháng bảy oi ả, cả làng quê như chìm xuống dưới cái nắng chói chang 38 độ C. Những chiếc lá tre nhẹ mỏng của bụi tre trước cửa nhà im lìm, không một thoáng rung nhẹ. Tôi nằm sát lại cái quạt tạch tè, chẳng thấy mát hơn chút nào. Nóng! Nóng quá thể! Tôi vùng dậy, ngao ngán nhìn cái áo mưa dúm dó trên sàn nhà, cùng mái tóc bết lại vì mồ hôi của thằng em kế, thở dốc ra một tiếng. Mẹ đang cầm cái quạt giấy phe phẩy cho thằng út, thấy vậy quay lại, khẽ bảo: “Nằm xuống nghỉ một chút đi rồi hãy học con ạ!”. Tôi khẽ dạ, rồi uể oải cất cuốn lượng giác lớp 11 vào cặp, tính nằm trở lại nhưng chẳng hiểu có gì đó thúc đẩy, tôi đứng dậy bước ra ngoài và qua ngưỡng cửa tôi gặp nó. Áo thun, quần cộc, tóc tém ngắn, da đen cháy, mặt lấm tấm mụn, Lâm đâm thẳng vào tôi như một cỗ xe lửa. 

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

- Giữa trưa nắng cháy da thế này, mày chạy đi đâu đây? 

- Cứ đi theo tao!

Nó kéo tay tôi, nói gọn lỏn. Ánh mắt sáng rực, nụ cười hồ hởi, hình như nó chẳng biết đến nắng nóng là gì. 

Tôi ngẩng nhìn lên. Hàng cây yên ắng, không một thoáng gió không một gợn mây. Tôi ngoái nhìn lại: Mẹ, chị và em tôi đang lăn trở người trên nền nhà. Thằng em còn lăn ra khỏi tấm áo mưa. Nóng bức và bừa bộn quá. Nhưng cái im lìm bỏng cháy bên ngoài lại khiến tôi ngần ngừ. Nó sốt ruột giựt cuốn sách khỏi tay tôi, quăng đánh vèo vào sát tường và cuốn tôi ra khỏi nhà bằng cái kiểu đi như xe lửa của nó. 

- Mày đoán thử xem tao dẫn mày đi đâu?

Tôi nhìn ra đoạn đường bụi trắng trước mặt, dè dặt: 

- Không phải cây đa ông Thuần hay miếu Cung Phi đấy chứ?

Cây đa ông Thuần và miếu Cung Phi là hai nơi tôi và nó thường hay lui tới. 

Cây đa đó lớn nhất làng. Gốc cây sần sùi bạnh ra như cái đầu rồng. Vài chùm rễ buông thõng từ trên cao xuống quấn lấy nhau như những con rắn, rất ma quái. Những chiều nắng chúng tôi vẫn leo lên cây, hái những quả đa chín đen mọng, ngọt mát như đường phèn ăn rồi chui xuống chạc ba, chỗ hổng xuống như một cái hang, lấy những trái xanh ném xuống và kêu u ú giả ma để chòng ghẹo người qua đường. Miếu Cung Phi thú vị nhưng cũng ghê rợn hơn. Ở đấy lúc nào cũng âm u lạnh lẽo với pho tượng người đàn bà lở đầu và chiếc lư hương mẻ cạnh, những bụi ruối với những trái chín vàng mà không ai dám vặt ăn vì nghe đồn nó chỉ dành cho những con rắn thần trong miếu. Bọn nhỏ hay ra đó nghịch chơi. Tôi không hiểu sao nó luôn tìm ra những chỗ oái oăm như thế để mà đến trong những dịp như thế này. 

Nghe câu đoán mò của tôi, nó xì một tiếng dài: 

- Trưa nắng thế này có leo lên ngọn đa cũng chẳng ăn thua, còn miếu Cung Phi thì bà tao đã cấm tiệt tao ló dạng ra đó, từ hôm tao xách cổ con rắn mang bành về rồi. Tao cóc sợ rắn với rết nhưng hôm nay có chỗ này thú vị hơn nhiều. 

- Chỗ nào nữa đây? Tôi càu nhàu nhưng vẫn đi theo nó. Nắng rang mặt đường bỏng rát. Mỗi bước đi nó phải cong bàn chân lên chỉ để cho gót và mấy đầu ngón chân chạm đất, trông vừa lạ vừa tội. Tôi đi dép nhưng nhìn cái kiểu cách đi như trên than hồng của nó, tôi cũng cảm thấy cái nóng bỏng thấm vào gan bàn chân. 

Đi được chừng vài trăm mét tới quãng đường có những cây phi lao nho nhỏ được trồng xen kẽ với những bụi cây hương nhu từ đời nào còn sót lại. Tôi đã đoán ra nó tính dẫn tôi tới đâu. Đó là chỗ đầm lầy. Ngày xưa, thủa còn hợp tác xã, người ta đào để làm ao cá Bác Hồ nhưng chẳng biết do trục trặc khâu nào mà bỏ dở nửa chừng. Bây giờ nó thành cái đầm hoang. Chỗ sát mé bờ, vào mùa đông, nước vẫn sâu nửa người, còn chỗ giữa thì bùn lầy nông choẹt. Thế nhưng đến mùa hè, mưa về thì khác. Xung quanh nước sâu đến xanh trong còn chỗ giữa đầm thì nổi lên như một ốc đảo, với cơ man là hoa cỏ dại lum xum ngóc lên, từ đinh lăng, cỏ xước đến hàng chục loại hoa cỏ không tên khác, chen chúc rậm rạp và chen giữa màu xanh là màu trắng của hoa súng. Thật chẳng có loại hoa cỏ nào có thể địch lại được với chúng. Những bông hoa súng trắng xòe ra như những cánh bướm tỏa mùi hương dè dặt say đắm thổn thức lòng người. Mùi hương hoa chân chất đạm bạc của thôn quê, không lẫn vào đâu được. Những mùa hè trước, tôi và nó vẫn hay ra đấy ngắt hoa súng trắng. Đã hai ba mùa hè qua đi kể từ ngày bố nó bắt nó nghỉ học ở nhà làm ruộng, nó ít ghé chỗ tôi chơi, còn tôi bận rộn với việc học hành cũng quên rằng đã là mùa hoa súng. 

Chúng tôi đứng dưới bóng râm của cây sung già mọc ngay chỗ nước sâu. Làn nước xanh trong chạy dài dưới mấy bụi tre lớn khiến tôi dịu cả người. 

- Ùm! Nó leo lên lưng chừng cây sung rồi nhảy tọt xuống nước. Nước bắn lên một vòm trắng như bạc, nó mất hút trong nước. Hơn một giây sau, với mớ tóc ướt đẫm dính vào đầu trông thật ngộ, nó ngoi lên khỏi mặt nước, đưa tay vuốt mặt rồi ngoắc tôi. 

- Mát lắm, xuống đi! 

- Nước sâu lắm! 

Tôi nhìn bộ quần áo đang mặc trên người rồi nhìn đôi tay dính đầy bùn của nó lại ngần ngừ. Nó bám tay vào một bụi hương nhu rồi đu người leo trở lại cây sung vắt vẻo như một con khỉ. Từ cái thế ngồi cao ngạo vắt vẻo đó, nó đưa mắt lướt khắp người tôi, từ mái tóc dài được buộc gọn gàng tới đôi dép da tôi đang đi rồi nhăn mặt bĩu đôi môi đỏ hồng, nó buông một câu: 

- Trông mày càng ngày càng ra dáng tiểu thư quá đấy! 

Tôi nghe trong cái giọng giễu cợt của nó có một nốt buồn rất nhẹ, tự nhiên lại nhớ cái thời hai đứa đầu trần, chân đất, quần xắn đến gối, lội trên những thửa ruộng nước xâm xấp mắt cá và nóng bỏng như được đun sôi để bắt cua bò. Cả những đêm trời vằng vặc đầy sao, hai đứa cùng nhau đốt lửa bắt cào cào và chui vào ruộng bẻ trộm bắp ngô non nướng ngay tại đó. Tôi cũng như thấy lại đôi mắt ngấn nước, cái nhìn đầy mặc cảm, tiếc nuối của nó hôm tôi cắp cặp tới trường và chỉ đi có một mình. Thế là tôi chồm lên túm lấy tay nó giật mạnh, cả hai lao cắm đầu xuống nước, nước mát quá! Tôi như được lột hết những nóng bức mệt mỏi. Tôi vốc nước té lên mặt lên đầu nó, còn nó lặn xuống nước bất ngờ giật mạnh chân tôi. Oái! Tôi thấy cứng buốt nơi bàn chân trái. Hai chân tôi bải hoải. Tôi chìm dần xuống. Chân tôi đụng vào lớp bùn dưới đáy đầm, cảm thấy nước sộc vào mũi cay xè. Tôi không mở miệng ra kêu được một tiếng. Một cảm giác ù ù, xói vào đầu tôi đau nhói. 

Chúng tôi ngồi trên vệ cỏ. Tôi nhăn nhó còn nó lo lắng bóp bàn chân tôi vẻ vừa lo lắng vừa hối hận. Bất thần nó giật mạnh. Tôi kêu một tiếng đau đớn nhưng chỉ sau đó tôi thấy bình thường lại ngay. 

- Chỉ là chuột rút thôi. Nó tặc lưỡi thương hại nhìn bộ mặt thiểu não của tôi, rồi lại nhảy xuống nước, nhanh nhẹn bơi qua đoạn nước sâu, lội ra giữa đảo hoa. Ở đó, gạt sang một bên những cây bèo bồng với những bông hoa tím đã héo rũ, nó cúi khom người bứt những bông hoa súng trắng đang kiêu hãnh vươn lên cao trên hẳn những chiếc lá xếp lớp nằm dài trên mặt nước. Bì bọp một lúc, nó bơi trở lại bờ, trong tay là một ôm hoa súng với những cánh trắng mộc mạc như những cánh sao và những cái nhị vàng dài và thơm ngát. 

- Này! Nó chia đôi bó hoa, cho tôi một nửa, nửa còn lại nó ôm sát vào người. Những nụ hoa súng trắng bum búp như những cánh bướm ép vào gò má đỏ bừng bầu bĩnh của nó. Tôi với nó im lặng nhìn ra xa. Bầu trời xanh trong lúc nãy đã biến sắc, lác đác những đám mây trắng lớn lừng lững trôi. Nó cau mày: 

- Về thôi, tao cần phải đi hái đậu, với cái kiểu này thì chiều nay thể nào cũng mưa sập nhà sập cửa cho mà xem. Còn mày - giọng nó bỗng như nghẹn lại - tập trung vào học đi, mấy đứa chúng tao coi như bỏ chỉ còn mày... Nó đột ngột ấn nốt nửa bó hoa súng trắng còn lại vào tay tôi rồi bỏ chạy về phía trước. Tôi xách đôi dép lên tay bước theo những dấu chân đẫm nước trên mặt đường khô ran đầy bụi. 

Tốt nghiệp phổ thông, tôi đăng ký dự thi vào trường Luật nhưng thật đáng tiếc, năm đó thi khó do phải chạy đua với thế hệ cải cách nên tôi thiếu hơn một điểm, cũng trong thời gian đó anh chị tôi sống trong thành phố biển yêu cầu tôi vào để phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Thế là tôi từ biệt quê nhà với cánh đồng xanh mướt những lá lúa lá ngô dài sắc như lưỡi kiếm, từ biệt những cánh hoa súng trắng mềm mát ngọt ngào hương, từ biệt bờ đê dài trắng những bông cỏ may nhọn sắc, và cả nó - cô bạn với cái dáng đầm đậm, bước đi sầm sập và cái nhìn vừa mạnh mẽ thách thức vừa ngơ ngác tổn thương. 

Hôm tôi đi, nó đứng nơi bến đò khóc đỏ cả mắt. Tôi nghẹn ngào: Đừng khóc! Một thời gian nữa nếu anh chị tao đồng ý, tao sẽ về thăm mày, rồi đón mày vào trong đó cùng với tao. 

Ba bốn năm trời, tôi vật lộn với cuộc sống náo nhiệt xô bồ nơi thành phố, mong có thể hoàn thành ước nguyện của mình nhưng mọi sự không dễ dàng như chúng tôi tưởng. Bạn không thể mãi chờ đợi một lời hứa vu vơ, còn tôi vẫn không quên nhưng đành bất lực nhìn cánh thiệp hồng bạn gửi vào bốn năm sau đó. Thời gian miệt mài trôi. Tôi vẫn mải miết chạy đua, phấn đấu để không thua kém những người bạn mới nơi phố thị. Bạn có chồng, có con còn phải lo cho gia đình chồng nữa. Chúng tôi dần xa nhau. Bao nhiêu năm rồi. Một đôi lần, tôi cũng cố gạt sang một bên những môn học rích rắc, bỏ qua sự lo lắng về những con số tiền học phí luôn cao hơn mức lương làm thêm, thản nhiên trước những câu nói từ bóng gió mát mẻ đến nặng nề đe dọa của bà chủ nhà, một mình lang thang ra biển, ngồi một mình trên hòn Rù Rì, dõi mắt nhìn ra xa, nơi ánh hoàng hôn tím thẫm phết lên biển một lớp nắng mờ ảo, để mặc cho những con sóng nhẹ nhàng ve vuốt hai bàn chân và nhớ về cái kỷ niệm nhạt nhòa nhưng vô cùng ngọt ngào nơi đảo hoa và một nỗi hối tiếc dâng lên ngực tôi. Tôi buột miệng khẽ kêu lên: Hoa súng trắng ơi! Hãy tha lỗi cho tôi! 

BÙI ĐẾ YÊN

;
.