Đọc "Cuốn theo chiều gió" trong thời dịch

Thứ Sáu, 06/08/2021, 19:18 [GMT+7]
In bài này
.

Thời buổi dịch giã. Xã hội giãn cách. Học sinh nghỉ học. Công ty chuyển sang làm online. Hầu hết mọi người không phải tất bật đi làm, đi chợ, cà phê, mua sắm, giao tế, nhậu nhẹt tất cả đều không, việc chợ búa nấu nướng cũng giản tiện vừa để tiết kiệm vừa để tránh lây nhiễm. Cộng tất cả lại, thời gian dư dôi khá nhiều. Người dùng nó để xem phim, người tập chơi cờ, người luyện nấu ăn, còn cô đương nhiên quay lại với thú vui đọc sách.

Như rất nhiều những con mọt sách, chiếm phần lớn diện tích kệ sách nhà cô là những tác phẩm văn học. Mấy năm trước cô phát hiện ra nguyên một dãy sách dài trên kệ nhà mình toàn là tiểu thuyết của các nhà văn nữ. Này là cuốn tiểu thuyết kinh điển “Kiêu hãnh và định kiến” của nữ hoàng tiểu thuyết tình cảm Jane Auste ra đời đã hơn 200 năm. Còn kia là cuốn tiểu thuyết duy nhất của cô em út tài hoa bạc mệnh nhà Bronte “Đồi gió hú” nằm ngay cạnh cuốn sách cũng nổi tiếng không kém “Jane Eyre” của cô chị cả Charlotte Bronte. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ tác giả Úc Colleen McCullough  nằm hiên ngang cùng “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn mỹ Margaret Mitchell.

Khi mà con virus corona vẫn đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới, bất kể cái gì liên quan tới nó đều gây sốt. Những cuốn sách ít nhiều nhắc đến dịch bệnh đều  được mọi người săn lùng; The eyes of  darkness (Đôi mắt của bóng đêm, Dean Koontz, năm 1981), End of days (Những ngày tận thế, Sylvia Browne, năm 2018) là những cuốn như thế. Cũng có rất nhiều những cuốn mô tả rất kỹ về dịch bệnh từ  “Nhật ký năm dịch hạch” của  Daniel Defoe, cho đến “Người sống sót cuối cùng” của Mary Shellye, và nhất là “Dịch hạch” của Albert Camus. Tuy nhiên chẳng hiểu sao cô lại chỉ muốn đọc lại “Cuốn theo chiều gió”. Cô đặc biệt nhớ tới cái cảnh Scarlet, nhân vật nữ chính, đói khát, khốn khổ, đau nhức và rách rưới, lê lết đi tìm thức ăn thời kỳ hậu chiến. Khi mà: “Thế giới bên ngoài đã nhường chỗ cho những đòi hỏi của những cái dạ dày lép xẹp và cuộc sống chỉ xoay quanh hai vấn đề liên quan như một. Đó là thức ăn và làm thế nào để có được thức ăn. Ăn và ăn…”, và  “Cứ mỗi sáng thức giấc, trước khi nghĩ tới chiến tranh và đói khổ, nàng cuộn người, uể oải mong đợi được ngửi thấy mùi thơm ngấy của những món ăn chiên nướng… nhớ về những ngày xưa, những món ăn thừa thãi, chiếc bàn trải khăn dưới ánh nến sáng choang và mùi đồ ăn thơm phức” thì thông thường chúng ta cũng giống như  các nhân vật trong “Cuốn theo chiều gió”: “Thuở đó họ có lo nghĩ gì tới món ăn đâu, cứ luôn luôn phí phạm”.

Ngày xưa khi đọc “Cuốn theo chiều gió” cô cũng như bao người đọc khác chỉ nghĩ tới câu chuyện tình yêu tay ba tuyệt đẹp của Scarlet, Asly và Rét Butlơ nhưng giờ đây trong bối cảnh toàn thế giới đang phải gắng sức đối phó với dịch bệnh, đọc lại “Cuốn theo chiều gió” cô có thêm những cảm nhận khác. Cuộc chiến ly khai Nam - Bắc Mỹ bắt đầu năm 1863 và hậu quả khủng khiếp  mà nó mang lại cũng như nghị lực và sự kiên nhẫn vươn lên vượt qua mọi khó khăn gian khổ của con người đã góp phần làm nên thành công của “Cuốn theo chiều gió”, biến nó thành một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn làm say mê bao  thế hệ độc giả suốt hơn 80 năm qua.

Dịch bệnh, chiến tranh và những thảm họa tương tự có thể có nhiều điểm khác nhau nhưng hậu quả của chúng thì luôn giống nhau. Nó tàn phá, đảo lộn tất cả, gây ra những tang thương, mất mát mà rất lâu sau mới có thể khắc phục, chính vì thế trách nhiệm của  tất cả những người có lương tri trên thế giới chính là phải cố gắng hết sức trong khả năng của mình phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ phát sinh những thảm họa đó.

AN AN

;
.