SÁCH MỚI

Xin vui lòng đừng hỏi ai là ai?

Thứ Sáu, 28/10/2022, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà văn Trần Gia Thái vừa ra mắt tiểu thuyết Sóng độc (NXB Hội Nhà văn, 9/2022).  Khoảng không gian mà  tác giả “vung kiếm” là Đài PT-TH Bắc Hà, tỉnh Nam Bình. Lời đầu sách tác giả bộc bạch: Câu chuyện được lấy cảm hứng từ những con người thật, ngành nghề thật, bối cảnh thật. Nhưng xin vui lòng đừng hỏi ai là ai và cũng đừng suy diễn theo lô-gic riêng. Bởi tằm khác bướm, bướm khác nhộng, nhộng khác kén và kén khác tơ, nhưng chúng đều bước ra từ một nguồn cội và đồng hành trên con đường mang tên sáng tạo”.

Tôi tự nhủ lòng đọc tiểu thuyết quyết không suy diễn, càng không chỉ trỏ ai là ai, nhưng đọc là biết ngay, hiện hữu trong ta từng nhân vật A, B, C,…  dù tác giả đã đổi tên họ, quê quán, sở trường, sở đoản các nhân vật. Này nhé, chuyện ở đài PT-TH Bắc Hà mà sao nó cứ gần gũi kiểu “ngành nghề thật, con người thật, bối cảnh thật”, các nhân vật bằng xương bằng thịt như đang ở ngay bên ta, tại cơ quan báo chí A, B nào đó. Tiểu thuyết đương nhiên là hư cấu, tạo dựng hình tượng văn học, điển hình hóa nhân vật, ai có tật giật mình, nhận vơ vào mình, rằng tác giả viết về anh M, chị N, cô K đấy ạ. Vâng, cứ cho là như vậy, biết sao được “Thưa ông tôi ở bụi này!”...

Đọc Sóng độc, ta có thể mỉm cười và cả cay đắng bởi tính cách từng nhân vật có thể nhận diện, không thể trộn lẫn. Tác giả lột tả tính cách nhân vật bằng những chi tiết đắt, khác biệt. Ngọn bút cao tay, các nhận vật hiện lên sống động, lôi cuốn cả về thiện và ác, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, chống lưng và được chống lưng.

Sóng độc có một nhân vật nữ - sao quá quen thuộc (?) có tên gọi Mùi già, xấu xa đủ đường. Thịt chó lá mơ, tiết canh lòng lợn, ngồi lê mách lẻo, nanh nọc bịa chuyện phao đồn tin giả… gieo tai họa với cả sếp của mình. Sóng độc có cả một tá các nhân vật cộm cán như Đỗ Thiết, Phó giám đốc đài Bắc Hà, chủ xị hội “lá mơ” tanh tưởi, mưu mô, ứng xử độc ác, tham vọng chức quyền. Tập hợp dưới Phó giám đốc họ Đỗ là cả một lũ kiểu Mùi già, các tay chân  Hoàn tác, Bạc phò, Đạt láu, Phòng bếp…

Trần Gia Thái miêu tả tính cách từng nhân vật đâu ra đấy về tính cách, gian dâm giữa thanh thiên bạch nhật, dùng tiền bẩn để lôi kéo đồng đảng, trong đó có Lê Sở Kha, Phó Thanh tra Bộ chuyên ngành vào hùa đánh hội đồng. Tính cách lưu manh và ăn bẩn của quan thanh tra đã che chắn, tiếp tay cho đám Đỗ Thiết lộng hành - úp mở đánh vào huyệt hiểm bằng tốt nghiệp cấp 3 (từ thời chiến tranh) của Quang Thiện; lưu manh cả khi hắn thảo văn bản kết luận thanh tra trình cấp trên ký. Đê hèn, Đỗ Thiết và đồng bọn thuê tiền mấy phóng viên biến chất Báo Mới - tờ báo chính thống của tỉnh Nam Bình viết bài “đánh” Quang Thiện nhằm vào lúc Tổng Biên tập báo này đi công tác nước ngoài.

Sóng độc đương nhiên có tuyến nhân vật thánh thiện, sáng trong, trách nhiệm, tốt nết đẹp người. Đó là những Phạm Quang Thiện, Văn Đức, Trần Thụy, Trung Dũng, Nguyễn An…  với bao chuyện nhân tình thế thái. Cuộc đấu giữa cái thiện và cái ác vốn cài cắm, đan xen. Sóng độc - phát lên khoảng không bao la sóng lành và sóng độc. Nhà báo Nguyễn An dũng khí, chính trực luôn đứng về lẽ phải mà dấn thân. Lúc Phạm Quang Thiện gặp nạn, bị đám Đỗ Thiết cấp tập vỗ mặt, Nguyễn An đã lên tiếng, bằng chính ngòi bút chính trực điểm tên, chỉ mặt lũ sâu bọ trong làng báo, ẩn nấp tại đài Bắc Hà. Lấy độc trị độc, Nguyễn An sử dụng chính báo chí tích cực vạch mặt những kẻ tham vọng, xấu xa, gây rối, mà Đỗ Thiết là kẻ đầu têu.

Xã hội xưa và nay đan xen thiện và ác, tốt và xấu, sáng và tối. Nếu cái ác, cái sai, điều xấu xa biết ân hận và sửa mình, cuộc đời này vẫn đẹp sao. Cấp chủ quản của đài PT-TH Bắc Hà là Thường vụ Tỉnh ủy Nam Bình với một Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh sắc sảo, tinh nhạy, công  tâm. Ông là mẫu cán bộ bản lĩnh, dứt khoát, đúng sai rõ ràng. Người kế nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh là Đình Trường, Phó Bí thư Lê Hùng Dũng, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên giáo… tinh nhạy đưa ra các quyết định chuẩn xác, nhìn rõ tim đen của nhóm người cơ hội, cá nhân, phá quấy tại một cơ quan truyền thông chủ lực của tỉnh.

Cái kết của Sóng độc có hậu. Cái đẹp - dù khó khăn vẫn nảy nở, đơm hoa kết trái. Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập đài Bắc Hà Phạm Quang Thiện không ít khi chán nản, muốn bỏ cuộc, bỏ luôn nghề báo mà mình đam mê. Nhưng anh đã không đơn độc. Bên cạnh Phạm Quang Thiện còn có nhiều đồng nghiệp chính trực. Ông Khiêm, người nông dân chất phác, hiền hậu, một nắng hai sương, người cha rất đỗi kính trọng của Quang Thiện. Tuổi cao sức yếu, ông Khiêm  đã đột ngột ra đi, có bàn tay tàn độc của “lũ” người tham lam, cơ hội. Tưởng rằng sau cái chết tức tưởi của cha, Quang Thiện sẽ gục ngã, nhưng không, anh có nhiều người tốt, có tập thể đồng nghiệp chính trực đài PT-TH Bắc Hà bên cạnh. Quang Thiện  xốc lại hành trang đi tới. Cái xấu - Sóng độc  lộ diện, bị vạch mặt và loại bỏ.

Vài ba năm gần đây, sự hiếm hoi, sau tiểu thuyết về đời sống báo chí Từ bến sông Nhùng - tiểu thuyết sự kiện (NXB Văn hóa - văn nghệ, 2019), đến lượt tiểu thuyết Sóng độc trình làng, diễn tả cuộc đấu sinh tử lấy “thiện” đè “ác”, lấy hoa thơm diệt cỏ dại. Đời sống báo chí đương đại đã đi vào những trang văn hấp dẫn, lôi cuốn, giàu sức chiến đấu.

***

Trần Gia Thái có gần nửa thế kỷ làm báo chuyên nghiệp, thành thạo nghề - miễn bàn. Là nhà thơ tài hoa, chủ nhân của 6 tập thơ hay đã xuất bản. Là nhà văn, vâng anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ chính các tác phẩm văn xuôi, truyện vừa và truyện ngắn. Trần Gia Thái là nhà quản lý báo chí: Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Hà Nội; Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Tri thức tích lũy và vốn sống nghề nghiệp tích tụ trong ông đủ dày dạn để vẽ nên các nhân vật về thiện và ác, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực của làng báo Việt Nam của thời kỳ đổi mới. Một nhà văn tên tuổi nhận xét: “Trần Gia Thái đi guốc từ trong bụng nhân vật, viết đâu trúng đó, viết từ trái tim, rút ruột mà thành vậy”. Một nhà báo thành danh cảm nhận: “Trần Gia Thái đã viết về chính mình, cái nghề vinh quang mà lắm nghiệt ngã đó thôi”.

Trần Gia Thái ấp ủ và mạnh dạn phơi bày những điều “phi văn hóa”, “phi đạo đức” từ chính ngôi nhà báo chí của mình. Đội ngũ người làm báo hùng hậu đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Bên cạnh mặt tốt là cơ bản vẫn còn không ít những biểu hiện đố kị, tiêu cực, ganh ghét kiểu như Đỗ Thiết và nhóm tay chân trong Sóng độc; âu đó cũng là điều bình thường trong một cơ thể sống luôn vận động và phát triển; sự xấu xa, phi đạo đức sẽ bị loại bỏ.

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.