Ấm nồng tình yêu âm nhạc dân tộc

Thứ Sáu, 31/08/2018, 15:59 [GMT+7]
In bài này
.

Sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì đến năm 2015,  tinh Bình Thuận đã có lớp nghệ nhân ưu tú của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đầu tiên. Một trong số đó là nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Vinh, nghệ danh Thanh Vinh.

Nghệ nhân ưu tú Thanh Vinh (trái), đang hòa đàn.
Nghệ nhân ưu tú Thanh Vinh (trái), đang hòa đàn.

Khởi nguồn tình yêu âm nhạc dân tộc

Anh sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, trong một gia đình yêu âm nhạc dân tộc. Ông nội anh - ông Sáu Nhạc, rồi đến ba anh – ông Mười Hiến, là những người sớm gắn bó với âm nhạc cổ truyền.

Từ rất sớm, quãng 7 – 8 tuổi, anh đã được cha cho đi theo phụ với ông việc gõ phách trong dàn nhạc lễ. Tai thẩm âm tốt, gõ đúng nhịp theo cách người lớn đã làm là dấu hiệu của một cậu bé có ít nhiều hơi hướng âm nhạc, đã được ba anh đọc thấy nơi con mình. Anh tập tành với cây đàn nhị đầu tiên với cha mình.

Cha anh, người có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ: bộ gõ, đàn nhị, đàn kìm, kèn… cũng đã trọn đời gắn bó với âm nhạc dân tộc .

Ban nhạc cổ ngày trước của cha anh thường đi phục vụ các nơi: các lệ tế xuân, thu nhị kỳ tại các đình làng, các đám cúng, đám ma, những ngày hội… trong tỉnh. Một người anh ở xa nhà, thỉnh thoảng về, giúp anh những bài học lý thuyết với cây đàn tranh, guitar phím lõm.

Năm 1972, anh được gia đình cho vào Sài Gòn học tập, ở nội trú tại Trường trung học Thánh Mẫu, ở Bà Chiểu. Tại ngôi trường này, ngoài giờ học văn hóa, anh đã được học các loại đàn dân tộc. Đây là dịp để anh ôn lại, học thêm, nâng cao kỹ năng sử dụng các loại đàn: tranh, bầu, nhị, kìm, sáo, guitar phím lõm… mà anh đã có dịp học một phần từ lúc ở quê nhà.

Cũng chính quãng thời gian học tập ở Sài Gòn, anh  có dịp gặp và học thêm với các nghệ sĩ: Văn Vĩ, Tư Thiên, Năm Vĩnh, Hai Ngưu, những người có ngón đàn cổ truyền tài hoa. Gần gũi, mạnh dạn thể hiện những loại nhạc cụ khác nhau, đã sớm đưa anh đến với các ban nhạc của những nghệ sĩ trên, biểu diễn ở một số chương trình ở Sài Gòn trước ngày giải phóng. 

Gắn bó với những thanh âm nhạc cổ

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh về lại quê nhà. Anh trải qua những năm tháng gắn bó với âm nhạc, từ đội văn nghệ phường, đến Đoàn Văn công Thống Nhất tỉnh Bình Thuận, Đoàn dân ca kịch Thuận Hải, Đoàn cải lương Nhạn Trắng với vai trò của một nhạc công dàn nhạc cổ. Cũng đã có những năm, anh cộng tác với Đoàn cải lương Sông Hậu, Đoàn cải lương Tiền Giang, Đoàn cải lương Sài Gòn 3…

Đến năm 1992, anh làm cộng tác viên, và sau đó, chính thức về làm việc với Trung tâm Văn hóa Phan Thiết từ năm 1993 ở Đội Thông tin lưu động (TTLĐ). Với công việc tuyên truyền viên ở Đội TTLĐ, anh đã đặt lời mới cho các điệu lý (khoảng 1.000 bài), anh còn sáng tác lời các bài ca cổ (khoảng 100 bài) với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước… biểu diễn, phục vụ bà con nhân dân trong thành phố, trong tỉnh, trong các đợt lễ, các ngày kỷ niệm lớn trong năm. Là một nhạc công chơi được hơn 10 loại nhạc cụ dân tộc, anh đã tập và dàn dựng cho nhóm Đờn ca tài tử Phan Thiết dự các hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Bình Thuận đạt nhiều giải thưởng trong các năm 2004, 2005, 2006, 2009. Anh cũng đã từng đạt giải nhất về đàn guitar phím lõm trong hội thi Đờn ca tài tử của tỉnh năm 2009.

Là một thành viên trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Thuận, trong cả 10 năm, từ 2003 đến 2014, mỗi năm anh cùng các thành viên trong câu lạc bộ đi biểu diễn khoảng 40 buổi, phục vụ  nhân dân trong tỉnh. Anh cũng thường xuyên góp mặt trong các đêm thơ – nhạc của Phan Thiết, của tỉnh qua tiếng đàn tranh réo rắt, truyền cảm của mình. 

Truyền tình yêu âm nhạc cho thế hệ sau

Điều mà nghệ nhân ưu tú Thanh Vinh vui nhất trong suốt hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc là đã góp phần truyền ngọn lửa đam mê với âm nhạc dân tộc đến thế hệ sau. Đã có gần 50 học viên tìm đến anh, nhờ anh chỉ dạy những ngón đàn: tranh, nhị, bầu, kìm, sáo, guitar phím lõm. Và cũng có hơn 50 em tìm đến anh để được anh hướng dẫn ca cổ, những bài bản âm nhạc tài tử Nam bộ.

Những giai điệu trầm bổng, những âm thanh réo rắt, ngân nga của tiếng đàn dân tộc, của lời ca ngọt ngào đã thấm vào anh từ thuở ấu thơ, trải qua bao mưa nắng của cuộc đời, vẫn luôn neo đậu trong trái tim của người nghệ nhân Thanh Vinh để anh truyền lại thế hệ tiếp nối.

Và may mắn thay, trong thế hệ tiếp nối ấy, có con gái anh, Hồng Mẫn (với biệt tài đàn tranh), có cháu ngoại anh, Thanh Cầm (với đàn nhị). Hai thế hệ nữa trong gia đình anh lưu giữ những tình yêu với âm nhạc dân tộc, với những cây đàn tranh, đàn nhị, với cây guitar phím lõm đặc sắc của Việt Nam.

Cho đến tận bây giờ, dù về hưu đã 2 năm nay, anh vẫn có mặt ở các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa tỉnh, của những đêm thơ nhạc trong tỉnh, của những buổi nhạc lễ tại các đình, chùa, của những buổi sinh hoạt đờn ca tài tử cùng với anh em tại các tụ điểm Phú Tài, Hưng Long… Và vẫn đều đặn hướng dẫn về đàn, về ca cho các lớp đàn em yêu cổ nhạc. Điều mong mỏi của anh là các cấp lãnh đạo, quản lý trong tỉnh, trong thẩm quyền của mình, với tình yêu âm nhạc dân tộc; có định hướng trong việc bảo tồn, phát triển những giá trị của văn hóa dân tộc, có những giải pháp, chính sách hỗ trợ, giúp cho âm nhạc dân tộc có điều kiện phát huy, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Bình Thuận.

Tình yêu với âm nhạc dân tộc mãi vẫn ấm nồng trong trái tim của người nghệ nhân ưu tú Thanh Vinh.

MINH TRÍ
(Theo baobinhthuan.com.vn)

;
.