Đồng Nai: Khó khăn sau chuyển đổi nghề

Thứ Sáu, 10/08/2018, 16:27 [GMT+7]
In bài này
.

Vốn là địa phương nổi danh với hàng trăm cơ sở làm gạch, gốm, thế nhưng những năm gần đây, cuộc sống của nhiều người dân phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đang gặp khó khăn do các lò gạch, gốm phải đóng cửa hoặc chuyển đổi hướng sản xuất.

Thợ chấm men làm việc tại Cơ sở gốm Thanh Loan.
Thợ chấm men làm việc tại Cơ sở gốm Thanh Loan.

Theo chủ trương chung của tỉnh Đồng Nai, các cơ sở nghề làm gạch và gốm phải di dời đến nơi sản xuất tập trung vì không phù hợp để tồn tại trong khu vực đông dân cư. Nhiều cơ sở đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa các lò gốm, gạch nhưng người dân không tìm được nghề mới nên rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống trở nên khó khăn.

KHÓ BỘN BỀ

Khoảng đầu năm 2000, khi tỉnh Đồng Nai có chủ trương đóng cửa các lò gạch trong khu dân cư để bảo đảm môi trường thì hầu hết các hộ dân đều nghỉ làm, các cơ sở giải tán công nhân. Một lượng lớn người làm thuê bị thất nghiệp phải “sơ tán” khắp nơi. Những người trẻ thì có cơ hội đi làm công nhân, nhưng không ít người đã có tuổi phải tự bươn chải kiếm sống làm nhiều nghề khác nhau như: bán vé số, giúp việc nhà hoặc buôn bán nhỏ lẻ với thu nhập không cao. Thậm chí, có trường hợp phải cắt đất bán dần để trang trải cuộc sống gia đình.

 

Hơn 10 năm nay, gia đình ông Hồ Văn Cung (ngụ khu phố 3, phường Tân Vạn) rơi vào cảnh khó khăn sau khi ông thực hiện theo chủ trương đóng cửa lò gạch - vốn là nguồn sống của gia đình từ hàng chục năm.

Sau nhiều năm rơi vào cảnh nợ nần do vay ngân hàng để đầu tư lò gạch, đến nay ông vẫn chưa trả hết. Hiện gia đình ông vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do bản thân ông mang trọng bệnh, không có khả năng lao động, các con phải đi làm ăn xa. Trong khi đó, hơn 1 hécta đất của gia đình ông do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên dự định xây dựng nhà bằng khung sắt, lợp mái tôn để cho thuê chỗ đậu xe có thêm thu nhập cũng không thể thực hiện.

Ông Trần Thanh Tâm, chủ Cơ sở gốm Tâm Phát cho biết trước kia cơ sở của ông luôn có khoảng 30 công nhân làm việc. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây do điều kiện nghề gốm có nhiều khó khăn nên gia đình ông thu hẹp quy mô sản xuất chỉ còn lại trên 10 công nhân. Phần lớn nhân công trước đây có cuộc sống khó khăn vì quá tuổi lao động nên không thể xin làm công nhân, những người này hiện đang làm những việc buôn bán nhỏ lẻ, giúp việc nhà, thu nhập không cao nên cuộc sống không ổn định về kinh tế.

NỖI LO MẤT VIỆC

Người bỏ nghề khó khăn là vậy, nhưng những người đang theo đuổi nghề cũng chưa thể an yên khi thời hạn cuối cùng di dời các cơ sở gốm đã gần kề trong khi một số cơ sở vẫn chưa thể sẵn sàng chuyển đổi phương thức sản xuất. Điển hình là những hộ dân đang sản xuất loại gốm đất đen, một loại gốm thủ công được nung bằng củi để tạo ra một sản phẩm thủ công đặc thù.

 

Sau hơn 15 năm đóng cửa lò gạch, gia đình ông Hồ Văn Cung (khu phố 3, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Sau hơn 15 năm đóng cửa lò gạch, gia đình ông Hồ Văn Cung (khu phố 3, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Công Thành, một chủ cơ sở gốm đất đen cho biết nếu phải chuyển đổi nghề làm gốm đất đen sang các loại hình khác thì phải thay đổi cả về nhân lực lẫn công cụ sản xuất. Việc thay đổi này chẳng khác nào ông phải chuyển sang nghề mới hoàn toàn. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở mới rất tốn kém nên khả năng duy trì nghề gốm đất đen gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ phải đóng cửa.

Chia sẻ những khó khăn của người dân, bà Trần Thị Lệ Thủy, Phó chủ tịch UBND phường Tân Vạn, cho biết: “Các hộ dân làm nghề gốm xem đó là nghề truyền thống của gia đình và hầu như không ai biết làm công việc gì khác, nhất là những người lớn tuổi. Tôi hy vọng lãnh đạo các cấp ghi nhận và có hướng hỗ trợ người dân trong quá trình di dời cũng như chuyển đổi nghề, tạo điều kiện cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ được hoạt động ổn định, tránh nguy cơ mất việc. Ngoài ra, nên có thêm những chính sách ưu đãi để giữ gìn và phát triển nghề gốm đất đen”.

NGỌC LIÊN
Theo baodongnai.com.vn

Những năm gần đây tình trạng khiếu nại về đất đai trên địa bàn phường có phần gia tăng do trước kia những lò gạch, gốm thường có diện tích lớn và được sử dụng ổn định từ đời này đến đời khác mà không phát sinh tranh chấp, dẫn đến nhiều hộ dân không ý thức việc phải làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày nay khi đất đai có giá trị và cũng vì mưu sinh, nhiều hộ dân cắt đất để bán, những mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai cũng tăng lên đáng kể phần nào ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

(Bà Trần Thị Lệ Thủy, Phó chủ tịch UBND phường Tân Vạn)

 

;
.