Đặc sắc Suối cá thần Cẩm Lương

Thứ Năm, 13/09/2018, 16:27 [GMT+7]
In bài này
.

Suối cá thần Cẩm Lương (hang cá thần Cẩm Lương) là nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, được đồng bào dân tộc địa phương gìn giữ và tôn kính như cá thần. Đây là điểm đến tham quan độc đáo và khá nổi tiếng trong các tuyến du lịch Thanh Hóa.

ĐẶC ĐIỂM SUỐI CÁ THẦN CẨM LƯƠNG

Đoạn suối tập trung cá đông nhất là cách cửa hang khoảng 100m. Ảnh: @chius.99
Đoạn suối tập trung cá đông nhất là cách cửa hang khoảng 100m. Ảnh: @chius.99

Suối cá thần Cẩm Lương còn được người dân địa phương gọi là mó Ngọc hay suối Ngọc, nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Suối cá thần Cẩm Lương cách TP.Thanh Hóa khoảng 86km. Để đến đây, từ trung tâm Thanh Hóa, bạn theo quốc lộ 45 khoảng 38km đến phố Kiều, Yên Định thì rẽ phải sang quốc lộ 217, đi tiếp đến Cầu treo Cẩm Lương thì qua cầu, đi vài km nữa theo bảng chỉ dẫn là tới khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương.

Dòng suối dài khoảng 2km, chảy từ một hang đá ở chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã. Hiện nay, đã có đường cầu treo qua sông Mã, du khách có thể qua lại dễ dàng.

Riêng đoạn suối cá thần xuất hiện đông đúc là hơn trăm mét tính từ cửa hang, chiều rộng suối 3m. Mực nước ở đây chỉ chừng 40cm, trong vắt.

Tại đây có tới hàng ngàn con cá, trọng lượng từ 2kg-8kg. Đặc biệt, cá chúa ở suối cá thần nặng tới 30kg chỉ đôi lần xuất hiện khi nước lớn.

Đàn cá ở đây gồm các loài: cá dốc, cá chài, cá mại... với hình dáng lạ mắt, nhiều màu sắc, mỗi khi bơi thân cá lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không tanh.

Hiện nay, những điều bí ẩn về suối cá thần Cẩm Lương vẫn chưa thể lý giải như: Tại sao đàn cá không đi xa, lại chỉ sống trong hang và tập trung ở đoạn suối này, tuổi thọ của cá là bao nhiêu, nguồn thức ăn chính của cá là gì...

Vào khoảng năm 1958, có một đoàn thám hiểm vào hang để nghiên cứu, họ thấy bên trong có nguồn nước ấm, nhưng không thể vào xa hơn mà chỉ đoán chừng sâu bên trong có lượng thức ăn dồi dào nuôi sống cá.

Người dân địa phương tin rằng suối cá thần Cẩm Lương rất linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt. Sự sung túc của đàn cá sẽ đem lại cuộc sống no ấm, nên họ truyền đời cùng nhau bảo vệ và tôn thờ đàn cá, mong ước mưa thuận gió hòa.

SỰ TÍCH SUỐI CÁ THẦN CẨM LƯƠNG

Du khách vui đùa với cá.
Du khách vui đùa với cá.

Truyền thuyết suối cá thần Cẩm Lương của người Mường kể rằng: Xưa có hai vợ chồng hiếm muộn, hàng ngày thường ra thửa ruộng bên suối để trồng trọt và bắt tôm cá. Một hôm bà vợ ra suối và vớt được một quả trứng lạ. Bà thả xuống nước rồi tiếp tục mò cua, bắt cá nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Bà mang về nhà bàn với ông cho gà ấp thử.

Ít hôm sau, quả trứng nở ra một con rắn. Ông lão mang rắn ra thả ở suối Ngọc, nhưng đến tối thì rắn lại về nhà. Lâu dần, rắn sống trong nhà thân quen như vật nuôi. Lúc này đồng ruộng không còn hạn hán, đời sống trong vùng ấm no, đầy đủ. Rắn được dân làng tôn kính và gọi là chàng Rắn. Bỗng một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp vang trời. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chàng Rắn dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc. Thần linh báo mộng, chàng rắn chết vì đánh thủy quái nên đã được Ngọc Hoàng phong Thần và chức Tứ phủ Long vương. Dân làng lập đền để tưởng nhớ công lao của chàng rắn.

Cũng từ đó, suối Ngọc phía trước cửa đền có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu thần, canh gác. Hàng năm, vào ngày tế lễ Tứ phủ Long vương, dân làng làm lễ xin thần và chờ khi chiều xuống, đàn cá vào hang, con nào còn sót lại ở suối nghĩa là tự dâng mình làm lễ hiến sinh, già làng sẽ mang cá ra đền cúng tiến thần linh. Lệ làng đến nay vẫn duy trì, suối cá thần Cẩm Lương cũng không bao giờ vơi, và việc bảo vệ đàn cá thần đã có trong tâm thức của bà con nơi đây.

DU LỊCH SUỐI CÁ THẦN CẨM LƯƠNG 

Đến tham quan suối cá thần Cẩm Lương, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước đàn cá đang tung tăng bơi lội. Càng vào sát chân núi càng nhiều cá lớn, ngay trước cửa hang là chen chúc những con cá nặng từ 3-5kg bơi sát bên nhau, kín đặc cả mặt nước, đồ dồn về phía bờ như đón chào khách đến thăm.

Tại đây, du khách có thể mua ít rau và bắp rang từ những người dân tộc bán quanh đó để “làm quen” với cá. Đàn cá ở đây rất dạn, thấy thức ăn là xúm lại, nhô người lên hẳn mặt nước, cảm giác như không có khoảng cách giữa người và loài cá này. Hình dáng của cá trông đẹp mắt, vẩy đen, lưng sẫm xanh rêu, thân căng tròn ở giữa, vây và miệng có màu hồng. Thú vị là bạn có thể đưa tay xuống nước vuốt ve cá cũng không bỏ chạy.

Ngoài chiêm ngưỡng cá thần, du khách đến đây còn có thể khám phá hang động cây Đăng trên núi Trường Sinh, ở độ cao 70m so với mặt đất. Bên trong động là muôn vàn thạch nhũ với sắc màu lấp lánh, và lòng động sâu thẳm như không có điểm tận cùng. Tiếng róc rách của con suối nhỏ nép mình bên vách động chợt thu hút sự chú ý của du khách, đó là khởi nguồn dòng nước của suối cá thần Cẩm Lương.

Nếu thong thả thời gian, du khách có thể vào thăm bản làng xung quanh suối cá thần Cẩm Lương, giao lưu, tìm hiểu những phong tục, tập quán của bà con của người Mường với những nét đặc sắc như dệt thổ cẩm, múa pồn-pông... và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương cùng men rượu cần ngất ngây.

LINH TRẦN
(Theo dantri.com.vn)

;
.