Khám phá con đường di sản miền Trung

Thứ Sáu, 05/06/2020, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

Dải đất miền Trung không chỉ có nắng gió khô cằn, những đường bờ biển xanh bất tận mà còn có các di sản thế giới được UNESCO công nhận tạo thành “con đường di sản”.

THÀNH NHÀ HỒ - THANH HÓA

Điểm dừng chân đầu tiên là thành nhà Hồ - Thanh Hóa, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ nằm trên địa phận xã Vĩnh Lộc, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 50km và là tòa thành của nước Đại Ngu xưa (niên hiệu của nước ta thời nhà Hồ). Đây là khu thành được xây dựng hoàn toàn bằng đá, có kiến trúc và quy mô hiếm hoi nhất ở Việt Nam và là một trong những tòa thành bằng đá lớn hiếm hoi còn sót lại của khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm hấp dẫn cho những du khách muốn tìm hiểu lịch sử và khám phá những công trình kiến trúc độc đáo.

VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG

Du khách tham quan hệ thống động Phong Nha - Kẻ Bàng.
Du khách tham quan hệ thống động Phong Nha - Kẻ Bàng.

Với tổng diện tích 343.300ha, trong đó vùng lõi là 123.300ha và vùng đệm là 220.000ha, Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa, cách thành phố Đồng Hới 50km về hướng Tây Bắc. Hãy cùng tìm hiểu về vườn quốc gia tuyệt đẹp này nhé!

Hệ thống động Phong Nha bắt nguồn từ phía Nam của vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống động này là động Khe Ry và động Én nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển. Các hang trong hệ thống này phân bổ theo dạng cành cây chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong 10 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam và là nơi sinh sống của 113 loài thú lớn, nổi bật nhất là hổ và bò tót, và có loài bò rừng lớn nhất thế giới, với 302 loài chim, trong đó có tới 35 loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ của  thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 bộ, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng phong phú nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới. Đây còn là nơi có hệ thống linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á.

QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Nằm bên bờ Bắc dòng sông Hương thơ mộng, quần thể Cố đô Huế đã trở thành một trong những Di sản Thế giới nằm trong chuỗi “Con đường di sản miền Trung” của nước ta. Công trình kiến trúc này gồm 3 tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế và Tử cấm thành nằm bao trọn vào nhau trong một khuôn viên rộng hơn 500ha từ mặt Nam ra mặt Bắc. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nơi sinh sống, hoạt động triều chính của vua chúa thời Nguyễn nước ta trong những cung tẩm, đền đài nguy nga, tráng lệ. Không những thế, nếu đến đúng vào những dịp đặc biệt, bạn còn được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế và những điệu múa cung đình ngay trong khuôn viên của quần thể này. Đây là điểm đến luôn có mặt trong bất kì hành trình tour miền Trung của mọi du khách.

Đến Huế, hãy dừng chân để lắng nghe một khúc nhã nhạc cung đình nổi tiếng của thành phố này. Đây là một loại hình âm nhạc chính thống, được coi là quốc nhạc của các triều đại Việt Nam trong suốt hơn 10 thế kỷ qua. Khúc nhạc này tạo nên sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ trong cung đình như: Tế giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều,... nên nó rất được các triều đại coi trọng và phát triển. Tinh hoa này càng được cô đọng và phát triển hơn vào thời Nguyễn đã khiến cho nhã nhạc cung đình trở thành nét văn hóa độc đáo của dân tộc và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

THÁNH ĐỊA MỸ SƠN

Thánh địa Mỹ Sơn là một vùng thung lũng có đường kính 2km, được bao quanh bởi núi đồi và chứa nhiều đền đài Chăm Pa. Khu thánh địa này nằm trên địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 67km. Đây từng là nơi cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như lăng mộ của các vị vua Chăm Pa và hoàng thân, quốc thích. Có lẽ điều khiến du khách chú ý nhất về vẻ đẹp của thánh địa Mỹ Sơn là nét kiến trúc của nó với trung tâm là một đền chính thờ thần Siva, xung quanh là nhiều cụm tháp và đền thờ nhỏ. Tất cả các công trình kiến trúc đều được trang trí những họa tiết đặc trưng của nền văn hóa Chăm Pa như: Hoa lá, voi, sư tử, hình tượng Kala - Makala, nhạc công, chư thiên đứng trì thủy quái và hoạt cảnh vũ nương Apsara. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm du lịch lý tưởng mang đến cho bạn những trải nghiệm về kiến trúc, tôn giáo và những kiến thức về lịch sử vô cùng giá trị.

PHỐ CỔ HỘI AN

Khu phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam.

Theo thống kê, Hội An có 1.360 di tích, bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Mặc cho không gian và thời gian chuyển dời, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ xưa nhất. Đó như một nơi chốn mà người ta có thể tìm thấy một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.

Có những nét đẹp tưởng chừng xưa cũ nhưng cảnh đẹp Hội An lại cứ thế, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đi vào lòng tất cả du khách ghé tới nơi đây. Khác hẳn với nhịp sống vội vàng, chen chúc của phố thị, Hội An lại bình yên, nhẹ nhàng với những gánh hàng rong, những chiếc xích lô chở khách, những người dạo bộ và những vòng quay nhịp nhàng của bánh xe đạp dọc theo con phố.

MINH LONG (Tổng hợp)

;
.