Bao la tình mẹ

Thứ Sáu, 24/08/2018, 08:15 [GMT+7]
In bài này
.

Với những đứa con khỏe mạnh, việc chăm sóc, nuôi dạy đã vất vả lắm rồi. Nhưng với những người có con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, những nỗi vất vả ấy còn lớn bội phần. Chỉ có tình yêu con vô hạn mới giúp những người mẹ ấy vượt qua khó khăn, cực nhọc để lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con.

Bà Hoàng Thị Thủy và cô con gái Hoa Mai.
Bà Hoàng Thị Thủy và cô con gái Hoa Mai.

Ngôi nhà của vợ chồng bà Hoàng Thị Thủy (90/52, Hoàng Văn Thụ, TP.Vũng Tàu) luôn khóa kín cổng. Ở tuổi 61, bà Thủy trông gầy gò và khắc khổ. Thấy mẹ mở cửa cho khách, cô con gái Lê Thị Hoa Mai (29 tuổi) định lẻn ra ngoài. Bà Thủy vội kéo con vào nhà, vừa đi vừa dỗ “Ngoan nào, ngoan nào, vào đây mẹ buộc dây thun vào đồ chơi cho con”. Hoa Mai đi theo bà Thủy một cách vô thức, miệng lẩm nhẩm: “Mẹ buộc dây thun, buộc dây thun”. 

Bà Thủy nhẹ nhàng cầm những món đồ trên tay Mai, gồm mấy cây viết, bàn chải đánh răng, thước kẻ và lấy mấy cọng thun cột lại trong sự háo hức của con gái. Bà phân trần: “Lớn vậy nhưng trí não Mai chậm phát triển. Con không biết sợ và thích làm theo ý mình. Vợ chồng tôi phải canh chừng con ngày đêm, vì chỉ sơ sẩy chút thôi, con sẽ tự gây thương tích cho mình hoặc đi khỏi nhà mà không biết đường về”. Trong suốt câu chuyện của mình, bà Thủy luôn gọi Mai là “con bé” một cách trìu mến, dù “con bé” cao 1,6m và nặng tới 70kg. 

Theo lời bà Thủy, chồng bà là ông Lê Anh Đồng, từng là bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và nam Lào những năm 1969 - 1975. Vợ chồng bà Thủy sinh được 3 người con, hai con đầu sức khỏe bình thường, riêng Mai không được may mắn như anh chị. Hồi mới chào đời, Mai trắng trẻo, bụ bẫm, nhưng mắt cứ nhắm nghiền, phải sau 2 tuần mới mở. Nhìn bề ngoài, Mai hoàn toàn bình thường, nhưng từ khi được 4 tháng tuổi, sau những cơn co giật bất ngờ, cứ trở trời là Mai lại sốt và thường xuyên gào khóc không rõ lý do. “Lớn thêm chút, cháu luôn đòi cầm một số đồ vật trên tay rồi tìm những cọng thun, bắt người lớn buộc các món đồ vật lại. Khi người lớn làm theo yêu cầu, cháu mới im lặng”, bà Thủy kể.

Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục ngắt quãng, bởi bà Thủy nhiều lần phải dừng lại lấy khăn lau mắt. 29 năm qua, kể từ khi có Mai, vợ chồng bà chưa khi nào được ngủ yên giấc. Bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần không đúng ý là Mai la hét, quậy phá. “Vợ chồng tôi đau bệnh cũng phải gượng dậy để lo cho con, từ ăn uống đến vệ sinh vì con không làm được. Sơ sẩy tí là con thò tay vô ổ điện hoặc cánh quạt đang chạy, hay cho tay vào nồi nước sôi. Chúng tôi đã dắt con đi bao nhiêu bệnh viện, ai chỉ ở đâu có thầy thuốc hay cũng đi, nhưng rồi đành chấp nhận thực tế là cháu không thể phát triển như đứa trẻ bình thường khi bác sĩ kết luận cháu bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc da cam/dioxin từ ba cháu”, bà Thủy nói, giọng nghẹn lại.

Một ngày mới bắt đầu với bà Nguyễn Thị Kim Vòng (66 tuổi, 71A, Hàn Thuyên, TP.Vũng Tàu) bằng việc thức dậy từ 4 giờ sáng nấu nồi cháo cho cô con gái Dương Thị Thu Hương. Chị Hương năm nay đã 37 tuổi, bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin nên hình hài chỉ như đứa trẻ 4-5 tuổi và suốt ngày làm bạn với chiếc xe lăn. Trong khi trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt bà Vòng vẫn không quên quan sát con gái. Khi thì bà vặn bớt âm lượng của chiếc đài, khi lại vỗ về an ủi để Hương bớt huơ chân, tay và la hét. Bà nói: “Hương thích nghe dân ca. Khi tôi bật những bản nhạc trữ tình, dân ca thì con bớt quậy phá”. 

Chồng bà là ông Dương Đức Duy, từng tham gia chiến đấu khắp chiến trường miền Đông Nam bộ từ năm 1965-1975. Bà kể, hai lần đầu bà đều bị hư thai. Lần mang thai thứ 3, thứ 4, bà phải nằm viện suốt 9 tháng mới sinh được 2 người con lành lặn. Hương là con thứ 3. “9 tháng mang bầu con bé, tôi cứ đau bệnh suốt, nhất là thời gian gần sinh. Lúc mới chào đời, Hương nhìn bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng cháu không biết bú và cứ ăn vô là ói nên việc chăm sóc rất vất vả. 2 tuổi cháu mới biết lật, nhưng chỉ dừng lại như vậy. Lên 5, chân tay Hương ngày càng co quắp, teo lại và không thể đi được”, bà Vòng thở dài. 

Bà Nguyễn Thị Kim Vòng chăm sóc con gái Thu Hương.
Bà Nguyễn Thị Kim Vòng chăm sóc con gái Thu Hương.

Thương con, vợ chồng bà bế con đi khắp nơi chữa trị, nhưng không có kết quả và đành chấp nhận khi biết đó là do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin từ ông Duy. Đang làm việc tại một công ty nông sản thực phẩm, bà xin nghỉ về buôn bán nhỏ tại nhà để có điều kiện chăm con. “Hễ nghe ai nói ở đâu có bác sĩ hay, thầy thuốc giỏi là vợ chồng tôi lại khăn gói đưa cháu đi chữa trị nhưng không có kết quả. Cháu thường xuyên bị sốt, co giật, lại khóc, la hét bất kể ngày đêm, nên có những thời điểm, tôi và chồng phải thay phiên nhau bế con trên tay. Hồi con được 10 tuổi, nghe người quen tư vấn, tôi bế con lên TP.Hồ Chí Minh, định gửi vô một trung tâm nuôi dưỡng trẻ bại não. Nhưng đến nơi, tôi thấy thương con quá, không đành lòng nên lại bế con về”, bà Vòng kể. 

Trường hợp mẹ con bà Nguyễn Thị Toàn (66 tuổi, chung cư Seaview 2, TP.Vũng Tàu) cũng hết sức đáng thương. Chồng bà là bộ đội, bản thân bà là bác sĩ, từng tham gia cứu thương ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Người con đầu của bà Toàn SN 1975 khỏe mạnh bình thường. Năm 1988, bà Toàn sinh đôi 2 con trai: Tuấn Minh và Tú Minh. Hai bé sinh non khi thai nhi mới 7 tháng. Khi sinh ra, cả hai không biết khóc, mắt nhắm tịt đến 3 tháng sau mới mở, gần 6 tuổi mới biết nói, 7 tuổi biết đi, trí não chậm phát triển. “Vợ chồng tôi cứ thay phiên nhau chăm lo cho các con, vì ngoài ảnh hưởng trí não, 2 cháu còn mắc đủ thứ bệnh: tiểu đường, máu nhiễm mỡ, mụn nhọt… Vợ chồng tôi chẳng mong gì hơn ngoài việc các con được khỏe mạnh”, bà Toàn nói. 

Đó chỉ là 3 trong số hơn 600 người mẹ có con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã được nhà nước công nhận. Khi trò chuyện với chúng tôi, những người mẹ ấy nói rằng, họ đã trải qua những khổ đau, đã quen với việc con bị bệnh nên chấp nhận thực tế là con họ sẽ như vậy suốt đời. Họ không hề thở than khi mấy chục năm qua không có một giấc ngủ trọn đêm hay một bữa cơm ngon. Họ luôn dành cho con tình cảm yêu thương vô bờ, vì với họ “con bị như vậy đã quá thiệt thòi rồi”. Bà Thủy, bà Vòng, bà Toàn đều chia sẻ rằng, họ may mắn khi vẫn có những người con bình thường, biết thương ba mẹ, biết phụ ba mẹ chăm người em thiếu may mắn. Tuy nhiên, khi những người con ấy có gia đình riêng thì họ cũng vướng bận con nhỏ và còn phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Vì vậy, việc phụ ba mẹ chăm người em khuyết tật chỉ là nhất thời chứ không được lâu dài và chu đáo như cha mẹ. Nỗi trăn trở, day dứt chung của bà Thủy, bà Vòng, bà Toàn và những người mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là đến một ngày nào đó, khi họ về bên kia thế giới với ông bà, tổ tiên thì sẽ không có người chăm lo cho các con như bàn tay người mẹ. 

Bài, ảnh: MINH QUANG

;
.