Bộ sưu tập cổ vật: "Xông đất" Bảo tàng BR-VT

Thứ Sáu, 10/08/2018, 08:22 [GMT+7]
In bài này
.

Bảo tàng tỉnh vừa tiếp nhận bộ sưu tập 367 cổ vật do ông Nguyễn Ngọc Ẩn (93/3, Chế Lan Viên, phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiến tặng. Những hiện vật quý, hiếm, có niên đại hàng ngàn năm đã góp thêm tư liệu lịch sử phong phú, phản ánh về cuộc sống, phong tục sinh hoạt, văn hóa của người xưa.

NHIỀU HIỆN VẬT QUÝ

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (bìa trái) giới thiệu các hiện vật trong bộ sưu tập do ông hiến tặng Bảo tàng tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (bìa trái) giới thiệu các hiện vật trong bộ sưu tập do ông hiến tặng Bảo tàng tỉnh.

Ngày 3-8, Bảo tàng tỉnh tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật do nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng. Trong số 367 hiện vật này, nhiều hiện vật rất có giá trị, thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh như: bàn mài, dao, liềm, hũ. Hay như chiếc chum của người Chăm (Bình Định) được làm bằng gốm, in hình hoa màu nâu trên nền men ngọc sáng bóng, có niên đại thế kỷ XIII, là một trong những hiện vật cổ rất quý, hiếm thuộc nền Văn hóa Gò Sành, bởi cứ 10.000 cái chum cổ thì mới có 1 cái chum hoa nâu như vậy. Loại chum này dùng để đựng nước, chỉ những gia đình giàu có ngày xưa mới có khả năng sở hữu. Đưa bộ chén, đĩa tráng men ngọc quý, hiếm thời nhà Lê cho khách xem, ông Ẩn cho hay, những hiện vật này có khắc chữ “ngọc”, khắc hình hoa cúc hàm ý thể hiện ai sở hữu những loại chén này là người thanh cao, sang trọng. Nhiều hiện vật là đồ trang sức của người Chăm, Mạ, Cơ ho, thuộc niên đại thế kỷ X-XIX như: vòng tay, khuyên tai, nhẫn, vòng đeo cổ bằng đồng, vàng, đá saphia, đá thạch anh.

Một số hiện vật do ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng Bảo tàng tỉnh.
Một số hiện vật do ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng Bảo tàng tỉnh.

Ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, BR-VT nằm trong dòng chảy các nền văn hóa Đồng Nai, văn hóa Óc Eo, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm. Bộ sưu tập của ông Ẩn hiến tặng Bảo tàng tỉnh có nhiều hiện vật thuộc các nền văn hóa trên. “Các hiện vật còn nguyên vẹn, rất quý, hiếm, phản ánh sự đa dạng, phong phú về đời sống văn hóa, sinh hoạt, phong tục của người Việt xưa. Vì vậy, khi Bảo tàng tỉnh được đưa vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2019), Bảo tàng sẽ trưng bày bộ sưu tập này nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng, để công chúng hiểu rõ hơn về các nền văn hóa của người Việt xưa.

Nói về lý do trao tặng cổ vật cho Bảo tàng tỉnh BR-VT, ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết, ông muốn đóng góp một phần nhỏ để Bảo tàng tỉnh BR-VT trưng bày, giới thiệu văn hóa, lịch sử đến người dân và du khách thông qua những hiện vật. Đồng thời, ông mong muốn các em học sinh, sinh viên khi học các môn liên quan đến lịch sử, văn hóa sẽ có điều kiện tiếp cận với các hiện vật trực quan, sinh động, góp phần bồi đắp kiến thức lịch sử, văn hóa Việt.

TẤM LÒNG CỦA MỘT NHÀ SƯU TẦM CỔ VẬT

Chiếc bình đựng nước làm bằng chất liệu gốm Lái Thiêu (Bình Dương) niên đại thế kỷ 19.
Chiếc bình đựng nước làm bằng chất liệu gốm Lái Thiêu (Bình Dương) niên đại thế kỷ 19.

Ông Ẩn kể, niềm đam mê sưu tầm cổ vật của ông bắt đầu từ tình yêu với môn Lịch sử khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Năm 1990, ông 15 tuổi, trong các tiết học Lịch sử, tôi luôn say sưa ngồi nghe cô giáo giảng bài về người thời tiền sử dùng công cụ bằng đá như thế nào trong sinh hoạt hằng ngày”, ông kể. Tìm hiểu kiến thức qua sách chưa đủ, ông còn đến Thư viện tỉnh Bình Thuận tìm đọc những cuốn sách về văn hóa, lịch sử của người Việt xưa. Từ kiến thức ở sách vở, ông bắt đầu tìm hiểu qua thực tế. Những năm thập niên 90 thế kỷ trước, ở Mũi Né có nhiều nhóm người đi đào trộm mộ cổ để tìm vàng. Khi đào bới mộ, bọn trộm thường bỏ lại những mảnh sành, tô, chén bằng gốm, sứ. Ông nhặt nhạnh đem về. Cũng có khi trên đường đi, thấy nhà người dân gần chợ Mũi Né có nhiều tô, chén cũ bỏ lăn lóc không dùng đến, ông ghé xin về. Hay qua các chỗ khai thác cát, thấy họ xúc lên đồ gốm, ông cũng nhặt về. Khi ấy, ông sưu tầm đồ cổ để thỏa chí đam mê học lịch sử chứ chưa ý thức được những món đồ này có giá trị như thế nào.

Năm 21 tuổi, ông Ẩn lập gia đình và tập trung kinh doanh vựa hải sản, xây nhà trọ cho thuê. Khi kinh tế ổn định, ông có điều kiện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sưu tầm đồ cổ. Ngoài sưu tầm đồ cổ ở địa phương, ông còn lên mạng tìm hiểu, thấy ai rao bán đồ cổ giá trị, ông tìm đến mua. Ông cũng bỏ công tìm hiểu kiến thức, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Hiện nay, ông Ẩn sở hữu bộ sưu tập mà những người chơi đồ cổ ao ước với hơn 45.000 hiện vật. Trong đó, có những hiện vật quý, hiếm như: Bộ đàn đá 20 thanh được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam, có niên đại hơn 3.500 năm; tấm bia đá khắc chữ Phạn cổ của người Chăm, một bên là hình voi thần Ganetsa (theo truyền thuyết Ấn Độ đây là vị thần mang lại hạnh phúc và may mắn), một bên là hình bò thần Nandin (vật cưỡi của thần Shiva-vị thần tối cao theo tín ngưỡng của Ấn Độ giáo), niên đại khoảng 2.000 năm. Các cổ vật được ông trưng bày, lưu giữ tại nhà riêng và mở cửa cho khách tham quan miễn phí.

Cán bộ Bảo tàng BR-VT tiếp nhận cổ vật, trong đó có những chiếc chum cổ thuộc nền văn hóa Gò Sành, niên đại thế kỷ 13, do ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng. Ảnh HUY THANH
Cán bộ Bảo tàng BR-VT tiếp nhận cổ vật, trong đó có những chiếc chum cổ thuộc nền văn hóa Gò Sành, niên đại thế kỷ 13, do ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng. Ảnh HUY THANH

Điều đáng quý ở chỗ, ông không giữ cổ vật cho riêng mình mà đem hiến tặng bảo tàng các địa phương. Tính đến nay, ông Ẩn đã 24 lần hiến tặng cho 18 tỉnh, thành trên cả nước với 5.538 hiện vật. Ông Ẩn dự kiến, từ nay đến năm 2025 sẽ hiến tặng cổ vật cho đủ 63 tỉnh, thành cả nước. Ông Nguyễn Tấn Ngọc, cha của ông Nguyễn Ngọc Ẩn tự hào khi nói về con mình: “Hồi trước cứ thấy nó lượm về những thứ đồ cũ, khi thì cái chén, khi thì cái chum, tôi nói với nó mấy thứ này có giá trị gì mà con đưa về cho chật nhà. Nhưng dần dần, thấy nó rất ham tìm hiểu các loại đồ cổ nên tôi cũng chấp nhận sở thích của con. Giờ thì tôi rất tự hào vì con tôi  không những biết yêu quý, gìn giữ cổ vật mà còn biết chia sẻ chúng đến rộng rãi với công chúng khắp nơi”.

Bài, ảnh: THI PHONG

 

;
.