Hành trình đến Đại học Quốc tế Tokyo - Bài 6: Khám phá đất nước mặt trời mọc

Thứ Sáu, 24/08/2018, 07:49 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu nói chuyến đi đến nước Nhật của chúng tôi trong mùa hè này chỉ nhằm mục đích tìm hiểu môi trường học tập của trường TIU nổi tiếng là nói dối lòng. Một đất nước đầy những địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch với ngọn Phú Sĩ “có một không hai”, những làng nghề truyền thống, những bảo tàng đầy ắp thông tin quý giá… không thôi thúc bước chân giới trẻ chúng tôi mới là lạ!  

VUI CHƠI CŨNG PHẢI… CÓ NGHỀ

Sáng ngày thứ 5 của chuyến đi, chúng tôi ăn sáng rồi ngay lập tức checkout vì còn một quãng đường hơn 60km để đến Fuji-Q, một trong những khu vui chơi nổi tiếng nhất Nhật Bản. Xe chúng tôi đến với bãi đỗ của Fuji-Q - ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển. Thầy Hiệp đã mua vé thượng hạng cho tất cả mọi người, nghĩa là trừ khi phạm vào nội quy, người giữ vé có thể tham gia mọi trò chơi.

Những tâm hồn rực lửa quyết chinh phục Fuji-Q.
Những tâm hồn rực lửa quyết chinh phục Fuji-Q.

Trời hôm đó hơi lạnh nhưng có nắng ấm làm chuyến đi chơi trở nên khá nhẹ nhàng, ai trông cũng vui vẻ, yêu đời. Chúng tôi tung tăng thử hết trò này đến trò khác như đu quay, trượt nước, ngôi nhà kinh dị… trong sự thích thú.

Toàn cảnh Fuji-Q từ trên cao.
Toàn cảnh Fuji-Q từ trên cao.

Và mọi thứ sẽ chả sao cả nếu như chuỗi sự kiện sau đây không xảy ra. Chúng tôi ăn nhẹ trước khi vào khu vực trò chơi tốn sức, tôi chén một tô mì thịt bò với xúc xích và một hộp baskin robbin to. Bỗng nhiên, Đạt thốt lên ngay sau khi cả bọn ngừng bữa, cậu ấy nhìn thấy tàu lượn siêu tốc. Đến lúc này tôi đã quá thoải mái, chế độ phòng ngự được đặt ở mức Offline và nhận lời lên con tàu lượn tên Do-donpa cùng mọi người. Chắc bạn còn nhớ tôi đã từng nói công viên này rất nổi tiếng chứ? Chính xác, nhưng không phải vì diện tích hay chi phí xây dựng mà vì Fuji-Q sở hữu đến 4 đường tàu lượn siêu tốc, trùng hợp hay xui xẻo thay, cả 4 cái đều nằm trong top thế giới về độ kinh hoàng. Một trong số đó đang nắm vị trí á quân. Số còn lại thì lần lượt xếp thứ 3, 6, 7 ở một số hạng mục như độ cao, gia tốc... Chuyện gì cũng có tin xấu và tin tốt của nó. Tin tốt là chúng tôi tham gia vào đường tàu “dễ thở” hơn so với số còn lại, tin xấu là nó đứng vào hàng thứ 7 thế giới về độ kinh hoàng!

Ngay khi con tàu chuyển bánh và tôi bị bóp chặt vào ghế ngồi, một suy nghĩ thoáng chạy ngang qua: Thôi xong, hình tượng xây dựng bao lâu nay, hỏng bét rồi! Tàu từ từ đi ngược lên đến đỉnh dốc, cảm giác chờ chết luôn đáng sợ hơn cảm giác chết nhiều lần, tuy chưa có tác động vật lý nào đáng kể nhưng ai cũng buồn nôn vì lo lắng. Lao từ trên độ cao 52 m với tốc độ hơn 30m/s làm tôi hét lên như một đứa con gái nhìn thấy chuột. Đó là lúc tôi quyết định sẽ không bao giờ đặt chân lên một con tàu lượn siêu tốc nào nữa. Chuyến đi gần 1 phút lại kéo dài như vô tận trong đầu tôi, mỗi giây đều là sự kinh hoàng tột độ. Rời khỏi nhà ga, ai cũng mang theo một khuôn tái nhợt, nhẹ thì vừa đi vừa run cầm cập, nặng thì nôn mửa tại chỗ. Nhưng cá nhân tôi thấy sự lựa chọn này đúng đắn, vì sau đó, tất cả các trò chơi cảm giác mạnh khác đều chỉ đem lại cho chúng tôi sự hứng thú, kích động, không còn sợ hãi nữa.

Thật thú vị khi được “trở lại dòng sông tuổi thơ” với trò chơi “Vòng quay ngựa gỗ” ở Khu vui chơi dưới chân núi Phú Sĩ Fuji-Q.
Thật thú vị khi được “trở lại dòng sông tuổi thơ” với trò chơi “Vòng quay ngựa gỗ” ở Khu vui chơi dưới chân núi Phú Sĩ Fuji-Q.

 MÊNH MANG CÙNG THIÊN NHIÊN TUYỆT DIỆU

Chiều hôm ấy, mọi người nối đuôi nhau rời khỏi Fuji-Q với tâm trạng thoải mái, thỏa mãn vì chuyến đi chơi rất đáng giá. Xe buýt lăn bánh, đưa cả đoàn về tới  Sunplaza Hotel quanh hồ Yamanaka thuộc làng Yamanakako, tỉnh Yamanashi. Từ đây, ta có thể dễ dàng nhìn thấy núi Phú Sĩ qua cánh cửa sổ vì khách sạn chỉ cách chân núi hơn 10km đường chim bay. Sau 20 phút nghỉ ngơi, 18h đúng, mọi người nhanh chóng có mặt ở đại sảnh để ăn tối. Trong lúc ăn, chúng tôi thấy có 4, 5 anh chị người Việt Nam đang làm việc cạnh chiếc lò nướng tại chỗ. Độ phủ sóng của sinh viên nước ta tại Nhật thật rộng!

Hồ Yamanaka là một hồ nước cách khá xa trung tâm thành phố nên có phần vắng vẻ và yên tĩnh vào buổi đêm. Cũng vì vậy mà sau bữa ăn, chúng tôi chỉ đi dạo trên bờ hồ, lấy chút không khí trong lành rồi quay về khách sạn nghỉ ngơi.

Đường lên núi Phú Sĩ khá dốc và quanh co nhưng nhờ làn đường rộng, mặt đường phẳng nên xe đi nhanh và an toàn.
Đường lên núi Phú Sĩ khá dốc và quanh co nhưng nhờ làn đường rộng, mặt đường phẳng nên xe đi nhanh và an toàn.

Núi Phú Sĩ (Fuji-yama) cao 3.776 m là ngọn núi cao nhất Nhật bản và cũng là điểm đến tiếp theo của đoàn chúng tôi. Đoạn đường đi lên sáng hôm đó khá dài, để đến được trạm 5 ở độ cao 2.300m, xe chúng tôi phải đi hết hơn 11 km đường quanh co khúc khuỷu. Tuy vậy không ai cảm thấy sợ hay lo lắng về vấn đề an toàn. Bên trái đường là những hàng cây được trồng theo quy trình, có sự sắp xếp để giảm tối đa thiệt hại nếu có tình huống mất an toàn giao thông. Còn bên phải, những hàng rào lưới B40 thường xuyên xuất hiện ở nơi vắng cây tạo thành một góc 75 độ với mặt đường đề phòng trường hợp đá lở. Cảnh tượng bên ngoài thật không chê vào đâu được. Nếu dưới bánh xe không phải là một con đường nhựa đen nhánh thì ai cũng sẽ tưởng mình đang lạc vào thế giới hoàn toàn hoang sơ, mộc mạc.

Tôi và các bạn khoe áo cờ đỏ sao vàng trên độ cao 2.300m trên triền núi Phú Sĩ.
Tôi và các bạn khoe áo cờ đỏ sao vàng trên độ cao 2.300m trên triền núi Phú Sĩ.

Bước xuống xe ở trạm thứ 5, cái lạnh thấu xương ập tới làm cho các bạn xuýt xoa một hồi, chỉ tiếc không thể đem hết quần áo của mình theo trùm kín. Thầy Sam bắt đầu giới thiệu cho chúng tôi vài địa điểm để tham quan, còn thầy Hiệp thì vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ quay phim chụp ảnh và cập nhật cho các bậc phụ huynh. Thấy mọi người vẫn đang mất tập trung do choáng váng với nhiệt độ chỉ hơn 100C, thầy Sam bắt đầu kể về khu rừng bí ẩn Aokigahara trên sườn Tây Bắc núi Phú Sĩ, nơi có hàng trăm người tự tử mỗi năm làm ai cũng không nhịn được một phen rùng mình. Thật lâu sau, khi câu chuyện đã làm đám học trò chúng tôi quên bẵng đi cơn gió buốt, thầy mới nói rõ hơn về các dãy núi trước mặt, đỉnh Phú Sĩ sau lưng.

Thầy Sam giới thiệu địa đồ khu vực núi Phú Sĩ.
Thầy Sam giới thiệu địa đồ khu vực núi Phú Sĩ.

Ngoài sự hùng vĩ xinh đẹp kia, Phú Sĩ còn là vị thần trong tâm tưởng của người Nhật. Người dân thường đến chân núi để thờ cúng Sơn tổ thay vì lên đỉnh. Các đền thần Shinto cũng được xây ở chân núi từ đó. Nổi tiếng nhất là Đền thần Yoshida Sengen, còn được biết đến với tên là Kitaguchihongu Fuji Sengenjinja, cũng nằm ngay chân núi.

Trong thời gian chờ xe bus đưa từ Trạm 5, núi Phú Sĩ, mọi người mặc dù co ro trong giá lạnh vẫn làm dáng để chụp ảnh cùng nhau.
Trong thời gian chờ xe bus đưa từ Trạm 5, núi Phú Sĩ, mọi người mặc dù co ro trong giá lạnh vẫn làm dáng để chụp ảnh cùng nhau.

Chuyến tham quan thành công mỹ mãn với mọi kế hoạch đều diễn ra tốt đẹp. Chụp hình lưu niệm ở đền Yoshida xong, mọi người tản ra mua ít quà rồi tập trung lên xe sớm hơn dự kiến 30 phút, xuất phát đến ngôi làng cổ Oshino Hakkai - một trong những ngôi làng đẹp và nên thơ nhất xứ sở mặt trời mọc.

Thăm Đền thần Yoshida Sengen.
Thăm Đền thần Yoshida Sengen.
Thầy Hiệp và chúng tôi có một tấm hình khá độc đáo tại đường đến Oshino Hakkai.
Thầy Hiệp và chúng tôi có một tấm hình khá độc đáo tại đường đến Oshira Hakkai.

Ngôi làng không nằm lộ ngay ngoài mặt đường mà phải băng qua một đoạn đường mòn nhỏ, rồi đi men theo sâu vào trong một chút mới đến được cổng làng. Đi đến đây chúng tôi mới biết được tại sao người ta lại hay ví ngôi làng như trong truyện cổ tích, bởi những lối đi vào làng nhỏ được bao quanh bởi toàn những cây thông, hoa lá cỏ cây rất nên thơ và đáng yêu vô cùng.

Chụp ảnh lưu niệm với cảnh đẹp lay động lòng người tại Oshino Hakkai.
Chụp ảnh lưu niệm với cảnh đẹp lay động lòng người tại Oshira Hakkai.

Điểm đáng lưu ý ở đây là ngoài kiến trúc các căn nhà cổ vẫn còn được lưu lại thì làng còn có đến 8 hồ được nuôi dưỡng nhờ nguồn nước băng tuyết tan chảy từ đỉnh núi Phú Sĩ. Đặc biệt là nguồn nước này cực kỳ tinh khiết nhờ được “lọc” bởi những lớp nham thạch trong hơn 80 năm qua. Vị trí sâu nhất của hồ là 8m, nhưng qua làn nước trong veo, ai cũng có thể nhìn xuống được tận đáy. Chưa kể đến hàng đàn “cá thần” đủ màu sắc bơi lội tung tăng trông thật “đã” mắt. Dòng nước ở các hồ là nguồn nước quý, được người dân trong làng xem như “nước thánh”. Đến đây mới nhớ, khi tới cổng làng, chúng tôi hăm hở mà xông thẳng vào luôn, quên cả phong tục ngâm tay tẩy rửa bụi trần mới đi qua cổng của người Nhật. Nước khá lạnh, đi vào dịp hè mà ít ai có thể rửa lâu, những người tham quan mùa đông, nhúng tay xuống chắc chẳng khác gì tự đông đá mình. Nhờ phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, ôn hòa và không khí yên bình, thanh tịnh mà cả đoàn đã lưu lại nhiều khoảnh khắc tuyệt vời tại đây qua các bức ảnh, video đánh dấu một chuyến đi thú vị.

Xuôi về hướng Tây Nam hơn 80km, xe buýt chở mọi người an toàn về đến khách sạn Daily Hotel, thành phố Kawagoe.

Bài: THÁI NGÔ
Ảnh: NHẬT LINH

(Còn nữa)


Bài 1: Khi bạn được tin cậy

Bài 2: Bạn có thể làm được nhiều việc

Bài 3: Định hình giấc mơ

Bài 4: Ngôi trường trong mơ

Bài 5: Giải tỏa lo âu

Bài 7: Ngày cuối và những dấu ấn khó quên

;
.