Khoa Tim mạch - Lão học (Bệnh viện Lê Lợi): Tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao

Thứ Sáu, 17/08/2018, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Khoa Tim mạch-Lão học (Bệnh viện Lê Lợi) được thành lập trong năm 2018, trên cơ sở tách ra từ Khoa Nội tổng hợp nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh nhân khám và điều trị tại đây, đồng thời phát triển chuyên khoa tim mạch, lão khoa, giúp người cao tuổi được khám, chăm sóc và điều trị chuyên sâu ngay tại địa phương. 

Bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, Khoa Tim mạch-Lão học (Bệnh viện Lê Lợi) khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, Khoa Tim mạch-Lão học (Bệnh viện Lê Lợi) khám cho bệnh nhân. 

Đầu năm 2018, Bệnh viện Lê Lợi được tiếp nhận các kỹ thuật chuyên khoa tim mạch do Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao theo Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2015-2020 của Bộ Y tế. Theo đó, mỗi tháng một lần, Bệnh viện Nhân dân 115 cử bác sĩ xuống chuyển giao các kỹ thuật về tim mạch cho các y, bác sĩ tại Bệnh viện Lê Lợi. Bên cạnh đó, mỗi bác sĩ của Bệnh viện Lê Lợi được cử đi đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” tại Bệnh viện Nhân dân 115 trong vòng 3 tháng để nắm chắc kiến thức lý thuyết và quá trình thực hành các kỹ thuật chuyên môn về tim mạch cũng như các bệnh lý khác ở người cao tuổi. 

Qua gần 1 năm chuyển giao, đầu tháng 4 vừa qua, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Lê Lợi đã làm chủ được các kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch thông thường ở người cao tuổi. Đây là giai đoạn đầu của kế hoạch chuyển giao, vừa là điều kiện cần và đủ để Bệnh viện Lê Lợi tiến hành triển khai chuyên khoa tim mạch-lão học, vừa để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân ở địa phương. 

Hiện nay, Khoa Tim mạch-Lão học đã có khu cấp cứu và khu điều trị nội trú. Trong đó, khu điều trị nội trú có 9 phòng với 40 giường bệnh chính thức, 5 giường dự phòng. Khoa hiện có 5 bác sĩ, 11 điều dưỡng và 3 hộ lý. Qua 4 tháng đi vào hoạt động, trung bình mỗi tháng, Khoa Tim mạch-Lão học tiếp nhận và điều trị nội trú cho 500 bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh hiện tại đạt từ 100-110% (tăng gần 30% so với tháng 4-2018). 

Mặc dù mới đi vào hoạt động, còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, song với sự tâm huyết, tận tình của các bác sĩ, nhân viên, Khoa Tim mạch-Lão học được nhiều bệnh nhân biết đến và tin tưởng. Bà Trần Thị Khuyến (77 tuổi, Ngô Đức Kế, TP. Vũng Tàu) bị viêm phổi, thoái hóa khớp, đang được điều trị tại Khoa Tim mạch-Lão học. Bà Khuyến cho biết: “Tôi vào điều trị tại Khoa Tim mạch-Lão học đã nửa tháng nay, hiện tại bệnh viêm phổi của tôi đã khỏi hẳn. Các bác sĩ, nhân viên ở đây nhiệt tình, chu đáo nên tôi thấy cảm thấy rất hài lòng”.  

Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Trưởng Khoa Tim mạch-Lão học chia sẻ: “Bệnh nhân đến điều trị tại Khoa Tim mạch-Lão học đa phần là người cao tuổi. Do đó, họ thường mắc cùng lúc nhiều bệnh lý phức tạp về tim mạch. Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ của khoa đang nỗ lực tiếp nhận, học hỏi các kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân tuổi cao, khó tính nên các điều dưỡng, hộ lý tại khoa phải khéo léo trong cách giao tiếp, ứng xử hàng ngày nhằm tạo niềm tin, sự thoải mái để người bệnh yên tâm điều trị”. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho biết, bệnh viện đang thực hiện đề án trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân 115 về chuyên khoa tim mạch. Vừa qua, Bệnh viện Nhân dân 115 đã thực hiện 7 buổi chuyển giao kỹ thuật trong điều trị chuyên sâu các bệnh lý về tim mạch cho Bệnh viện Lê Lợi. “Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhân dân 115 cùng sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên Khoa Tim mạch-Lão học, Bệnh viện Lê Lợi sẽ sớm làm chủ được những kỹ thuật về tim mạch để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi”, bác sĩ Tuấn khẳng định. 

Hiện nay, Khoa Tim mạch-Lão học (Bệnh viện Lê Lợi) đang sử dụng các loại thiết bị kỹ thuật như máy theo dõi huyết áp lưu động (Holter huyết áp), máy đo nhịp tim (Holter ECG) trong khám và điều trị các bệnh rối loạn về tim và mạch máu bao gồm: Bệnh mạch vành, tai biến mạch não, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh, cơn đau tim và đột quỵ; các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như loãng xương, thoái hóa khớp, parkinson, sa sút trí tuệ…

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

;
.