Luận bàn về "Giáo dục mới"

Thứ Năm, 09/08/2018, 17:56 [GMT+7]
In bài này
.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề về “Giáo dục mới” (8-8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh), diễn giả Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE (Học viện đào tạo lãnh đạo tại Việt Nam), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED (Viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận về lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam) đã chia sẻ những nhận thức về một nền giáo dục tiên tiến, luận giải những vấn đề chung quanh “Giáo dục mới”.

SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT trong giờ thực hành.

Theo diễn giả Giản Tư Trung, bàn về “Giáo dục mới” chính là luận bàn về nỗ lực tạo nhận thức cho người học để mỗi người hiểu rằng, họ mới chính là chủ nhân của quá trình giáo dục, là nhà quản trị sự học của bản thân, với tâm thế: “Ta là sản phẩm của chính mình!”

CON NGƯỜI LÀ SẢN PHẨM CỦA CHÍNH MÌNH

Diễn giả Giản Tư Trung cho rằng, hệ thống giáo dục bao gồm nhiều nhân tố, từ chính sách của Nhà nước, đến nhà trường, nhà giáo... và gần gũi nhất là từ gia đình và các tác nhân ngoài xã hội. Điều khác biệt giữa một nền giáo dục tiên tiến và nền giáo dục lạc hậu là nền giáo dục tiên tiến tạo ra “sản phẩm” là con người có tư duy độc lập và tinh thần giáo dục tự thân. Nói cách khác, trong một nền giáo dục tiên tiến, đồng thời với quá trình chịu tác động của hệ thống giáo dục này, con người còn là sản phẩm của chính mình. Ở đó, người học là trung tâm của cả quá trình giáo dục. Người học cần phải biết nắm lấy sự chủ động trong toàn bộ quá trình này. Và mọi sự đổi thay, mọi sự cải cách hay mọi cuộc cách mạng về giáo dục đều bắt đầu từ bản thân mỗi người.

Theo diễn giả, nhiều người quan niệm, nền giáo dục Việt Nam đang tạo ra những “sản phẩm lỗi”. Nhưng có một thực tế khác, đâu phải tất cả những ai thụ hưởng nền giáo dục trong nước đều bị “lỗi”. Vẫn có rất nhiều người thành nhân và thành tài mà chưa hề thụ hưởng một nền giáo dục nào khác ngoài những điều đã được học, được dạy trong nhà trường Việt Nam. Tìm hiểu những kinh nghiệm của họ, sẽ rất dễ nhận ra, điểm khác nhau chính là ở nhận thức về quá trình tự học, tự rèn luyện, tự thân vận động của họ.

NGUYÊN TẮC VÀNG “2W1H”

Diễn giả Giản Tư Trung cho biết: Trong một báo cáo toàn cầu về giáo dục, UNESCO đã đưa ra mục tiêu của việc học dành cho mỗi người: Học để hiểu biết, học để làm việc, học để làm người và học để chung sống. Chúng ta cũng có thể có một cách hiểu, một cách diễn đạt khác về mục tiêu của sự học dành cho mỗi cá nhân. Đó là: Học làm người, học làm việc và học làm dân. Còn mục tiêu về giáo dục của quốc gia, đó là: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Bàn về cách tiến đến mục tiêu, diễn giả Giản Tư Trung chia sẻ: Sẽ mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục. Nhưng một cuộc cách mạng về việc học của mỗi người có thể diễn ra một cách rất nhanh chóng, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mình. Những mục tiêu này sẽ được giải quyết một cách thấu đáo bằng: “Nguyên tắc giải quyết vấn đề: 2W1H”. Cụ thể, chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa thực sự của từng tiết học, buổi học, môn học, lớp học, khóa học, cấp học, bậc học... với hệ thống câu hỏi: “Why - Tại sao học, học để làm gì?” (mục tiêu học); “What - Học cái gì để đạt được mục tiêu đó?” (nội dung học) và “How - Học như thế nào?” (phương pháp học).

Diễn giả Giản Tư Trung nêu ví dụ: Một SV bước chân vào khoa điện của một trường ĐH. Có thể hình dung rất nhiều “kịch bản tương lai” của người SV đó từ ngưỡng cửa này: “Lấy được tấm bằng kỹ sư điện, nhưng không biết gì về điện”; “Chẳng lấy được tấm bằng nào nhưng lại là một chuyên gia giỏi về điện do suốt ngày tự nghiên cứu và thực hành trong thực tế mà bỏ lơ sách vở ở trường”; “Vừa có bằng kỹ sư hẳn hoi mà lại rất giỏi nghề”. Chỉ có người SV này, chứ không ai khác, mới có thể quyết định tương lai của chính mình. Qua đó, ta dễ thấy rằng, tất cả những môn học, những lớp học... và thậm chí cả hệ thống giáo dục, đều có thể được định nghĩa lại bằng 2W1H. Không chỉ định nghĩa lại từ cấp vĩ mô mà còn từ bản thân mỗi người học, không chỉ định nghĩa lại từ cả một đời học mà còn từ mỗi tiết học...

Từ những “mổ xẻ” trên, diễn giả đi đến nhận định: Chỉ có học thực, mới có thể làm thực; chỉ có làm thực mới có thể sống thực. Tất cả bắt đầu từ thực học. Và mỗi người sẽ có thể “thực học” thông qua việc làm chủ quá trình giáo dục và quá trình tự học của chính mình.

KHÁNH CHI
(ghi)

;
.