Vẫn nhức nhối vấn nạn bạo lực gia đình

Thứ Sáu, 17/08/2018, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) của các cơ quan chức năng đã phần nào giúp cho người dân nâng cao nhận thức về giá trị của gia đình. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ vẫn đang là vấn nạn, vì trên thực tế còn xảy ra nhiều vụ BLGĐ với những hành vi, mức độ khác nhau, nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự.

HỆ QUẢ NHỮNG VỤ BLGĐ

Sau thời gian chữa trị thương tích trên đầu do bị chồng đánh, chị Nguyễn Thị Hồng Tâm (SN 1980, ngụ TT. Đất Đỏ) cho biết đầu chị vẫn còn đau nhức. Chị Tâm kể, chị và anh Thạch Minh Hải (SN 1985, ngụ TT. Đất Đỏ) kết hôn đã 12 năm và sinh một người con. Năm 2017, hai vợ chồng thường hay cãi nhau, anh Hải có lần dùng ghế đánh vào vùng đầu của chị. Dần dà, cuộc sống vợ chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn, không thể hàn gắn nên anh chị quyết định sống ly thân. Theo đó, anh Hải ở trong nhà, còn chị Tâm và con chuyển ra sống tại tiệm làm tóc do chị Tâm làm chủ. Tháng 4-2018, do chị Tâm bán xe máy cũ (tài sản chung của 2 người) để mua xe máy mới, nên giữa anh Hải và chị Tâm lại xảy ra mâu thuẫn. Trong một cuộc cãi vã gay gắt, anh Hải dùng cuốc bổ 2 nhát vào đầu, 1 nhát vào vai, 1 nhát vào tay chị Tâm. Chị Tâm phải đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) chữa trị. Theo kết quả giám định y khoa lần 1, tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị Tâm được xác định là 9%. Tháng 7-2018, Công an huyện Đất Đỏ đã quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với Thạch Minh Hải về tội “Cố ý gây thương tích” và tiếp tục điều tra, giám định lại thương tích của chị Tâm để xử lý Hải theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa của TAND tỉnh ngày 12-8 vừa qua, bị cáo Ngô Tuấn Hiền (SN 1977, ngụ quận 9, TP. Hồ Chí Minh) bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 7 năm tù về tội giết người. Theo cáo trạng, từ năm 2015, Hiền thuê nhà trọ tại tổ 6 (ấp Tây, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) sống chung như vợ chồng với chị Đ.T.T (SN 1987, ngụ TP.Bà Rịa). Khoảng 22 giờ ngày 14-2-2018, Hiền nhậu về và cãi nhau với chị T. Bị chị T. chửi, nên Hiền lấy túi đồ định bỏ đi khỏi phòng trọ. Khi đến cửa phòng trọ, thấy chị T. cầm trên tay con dao đi phía sau. Nghĩ rằng chị T. có ý định đâm mình, nên Hiền quay lại tiếp tục cuộc cãi vã sau đó xông đến giằng lấy dao, đâm 1 nhát vào vùng ngực chị T. Thấy vết thương chảy nhiều máu, Hiền ngồi ôm chị T., dùng tay bịt miệng vết thương và gọi người đưa chị T. đi cấp cứu. Tuy nhiên, chị T. đã chết trước khi vào bệnh viện do vết thương xuyên thấu ngực. Bị cáo Phạm Văn Bình (SN 1977) bị TAND tỉnh tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù vì đã có hành vi dùng hung khí tấn công, gây thương tích tỷ lệ 15% cho anh H.T.A. (SN 1998) là con riêng của người phụ nữ sống chung như vợ chồng với Bình.

Bị cáo Phạm Văn Bình tại TAND tỉnh.
Bị cáo Phạm Văn Bình tại TAND tỉnh.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BLGĐ

Thống kê của Sở VH-TT cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ BLGĐ, trong đó có 14 vụ bạo lực tinh thần, 16 vụ bạo lực thân thể. Còn trong năm 2017 xảy ra 71 vụ BLGĐ. Các số liệu này cho thấy, tình hình BLGĐ gần đây có giảm, nhưng vẫn còn phức tạp. Chưa kể, nhiều vụ BLGĐ không được thống kê, vì người trong cuộc không trình báo. Hầu hết nạn nhân của các vụ bạo lực là phụ nữ, trẻ em và đều xuất phát từ tính vũ phu, ích kỷ, gia trưởng của những người chồng, người cha. Ông Phạm Hoàng Long, Phó Phòng Nếp sống văn hóa-gia đình, Sở VH-TT cho biết, do nhân sự làm công tác gia đình ở cấp huyện, cấp xã thay đổi thường xuyên, nên ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong công tác gia đình, phòng chống BLGĐ ở cơ sở. Vì vậy, thời gian qua, công tác gia đình và phòng chống BLGĐ tuy có triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa thật sự phát huy tối đa hiệu quả. Nhiều vụ BLGĐ xảy ra ở các địa phương chưa được nắm bắt kịp thời. 

Chi hội Phụ nữ ấp Bình Đức, xã Bình Ba (huyện Châu Đức) tổ chức buổi sinh hoạt tuyên truyền pháp luật và công tác gia đình, công tác hòa giải ở cơ sở cho chị em phụ nữ.
Chi hội Phụ nữ ấp Bình Đức, xã Bình Ba (huyện Châu Đức) tổ chức buổi sinh hoạt tuyên truyền pháp luật và công tác gia đình, công tác hòa giải ở cơ sở cho chị em phụ nữ.

Theo các chuyên gia tâm lý-xã hội học, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi BLGĐ, như: Những thành viên trong gia đình có trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế về lối sống, đạo đức; có thành viên nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc... Đời sống kinh tế khó khăn cũng dễ phát sinh những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, dẫn đến cách hành xử không chuẩn mực, sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề một cách tiêu cực. Khi người chồng ra tay đánh vợ thì cho rằng là để dạy vợ, cha mẹ đánh đập con cái thì biện minh là để dạy con, mà không hề nghĩ đó là hành vi không mang tính nhân văn, vi phạm pháp luật. Do đó, vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, ngăn ngừa BLGĐ là trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng và của mọi người.

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhằm góp phần phòng chống BLGĐ, các cấp Hội sẽ chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật chung và Luật Phòng chống BLGĐ để từng thành viên gia đình, mỗi cặp vợ chồng hiểu và kiểm soát hành vi ứng xử trong gia đình; Tiếp tục duy trì sinh hoạt của 93 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, 446 địa chỉ tin cậy tại 82/82 xã, phường, thị trấn và 361 tổ tư vấn pháp luật của Hội LHPN tỉnh nhằm chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị BLGĐ. 

Theo ông Phạm Hoàng Long, để giảm thiểu vấn nạn BLGĐ, trong thời gian tới, Sở VH-TT tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về phòng, chống BLGĐ cho lãnh đạo địa phương, thành viên ban chỉ đạo công tác gia đình; Xây dựng CLB dành cho nạn nhân, CLB dành cho người gây bạo lực nhằm tạo môi trường để các đối tượng chia sẻ, chuyển hóa hành vi; Đề nghị UBND cấp xã lập danh sách các số điện thoại của công an địa phương, trưởng thôn, ấp, khu phố trưởng, người có uy tín ở cộng đồng để hình thành đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về hành vi BLGĐ, từ đó các ngành chức năng nắm bắt thông tin kịp thời và phối hợp tham gia xử lý các vụ việc BLGĐ ở cơ sở.

Nhằm xử lý các trường hợp BLGĐ, pháp luật quy định cụ thể tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”. Theo đó, xử phạt tiền từ 300 ngàn đồng tới 2 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả của các hành vi mang tính bạo lực đối với thành viên trong gia đình, như: Xâm hại sức khỏe; hành hạ, ngược đãi; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý; bạo lực về kinh tế (không cho sử dụng tài sản chung, chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình, ép buộc lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm…)

Nếu hành vi BLGĐ ở mức độ nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự, như: Giết người, cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, làm nhục người khác… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt tù, phạt tiền theo mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội. 

Luật gia: THANH MAI

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.