Chăm lo học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

Thứ Tư, 14/11/2018, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo HS-SV dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó giúp các em thêm tự tin, vững bước trên con đường tới trường, nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích.

Học sinh dân tộc thiểu số học tập tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Học sinh dân tộc thiểu số học tập tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Hồ hởi khoe với chúng tôi về chiếc xe đạp mới do Hội LHPN huyện Châu Đức vận động các nhà hảo tâm tài trợ, em Đào Thị Thảo Nguyên (người dân tộc Châu Ro, HS lớp 3E, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, TT.Ngãi Giao) chia sẻ: “Chiếc xe đạp là niềm ước mơ của em từ khi còn học lớp 1. Có xe đạp, con đường đến trường “gần” hơn. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng các cô chú”. Được biết, hoàn cảnh gia đình Thảo Nguyên khá khó khăn. Mẹ em bị tai nạn gãy cột sống hơn 2 năm nay nên không thể làm công việc nặng, chỉ quanh quẩn với công việc nội trợ, còn ba làm công nhân với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Nhằm tiếp sức cho Thảo Nguyên đến trường, ngoài hỗ trợ xe đạp, các cơ quan, đơn vị còn tặng em sách vở, dụng cụ học tập và học bổng. 

Tương tự, với em Hồ Trí Dũng (dân tộc Hoa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc), hiện là SV năm cuối Trường ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, việc được tỉnh hỗ trợ 4,3 triệu đồng/năm học đã giúp em và gia đình vơi đi nỗi lo về chi phí học tập. Ngoài số tiền được hỗ trợ thường xuyên nêu trên, Dũng còn được Hội Khuyến học, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tặng học bổng khuyến tài từ 3 đến 5 triệu đồng/năm. 

Niềm vui của em Đào Thị Thảo Nguyên (người dân tộc Châu Ro, HS lớp 3E,  Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, TT.Ngãi Giao) và mẹ khi được tặng xe đạp.
Niềm vui của em Đào Thị Thảo Nguyên (người dân tộc Châu Ro, HS lớp 3E, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, TT.Ngãi Giao) và mẹ khi được tặng xe đạp.

Thầy Đào Văn Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Toàn trường hiện có 362 HS là con em đồng bào DTTS đang học tập. Ở đây, các em được chăm lo đầy đủ các chế độ chính sách theo đúng quy định của Nhà nước như: Miễn toàn bộ học phí, được bố trí chỗ ở nội trú, khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, cấp đồng phục, giày thể dục. Ngoài ra, nhà trường còn bố trí hội trường hơn 150m2 để các em sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Với sự chăm lo, dạy dỗ của thầy cô, số HS tốt nghiệp THPT, đậu các trường CĐ, ĐH ngày một tăng. Đơn cử, trong năm học 2017-2018, tỷ lệ HS tốt nghiệp đạt hơn 90%.

Ông Dương Văn Hạnh, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho hay, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm, chăm lo HS-SV người DTTS bằng nhiều chính sách, việc làm cụ thể, thiết thực như: miễn học phí, tặng học bổng, sách vở, quần áo, xe đạp... Trong năm học 2017-2018 vừa qua, các cấp chính quyền, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã hỗ trợ tập, vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho 5.759 HS là người DTTS, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Qua đó giúp các em vững bước trên con đường học tập.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

 
;
.