Bảo vệ động vật hoang dã ở Côn Đảo: Có dân, việc mới thành

Thứ Hai, 07/01/2019, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Côn Đảo là địa bàn có nhiều động vật hoang dã quý hiếm trên cạn và dưới nước. Sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là du lịch đã đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, đòi hỏi sự chung tay góp sức của người dân.

Côn Đảo đang trên đà phát triển mạnh, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến huyện đảo ngày một tăng. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng phát sinh nhiều áp lực đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển. Các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Rùa biển, dugong, cá heo, rắn hổ mang chúa… lại phân bố rộng tại các địa hình tự nhiên nên dễ bị săn, bắt trộm. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, khó quán xuyến bảo vệ toàn địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo tuần tra trên bãi biển.
Lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo tuần tra trên bãi biển.

Trước thực trạng đó, cuối năm 2017, Hạt Kiểm lâm Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo đã tham mưu Chi ủy, Ban Giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo triển khai mô hình dân vận khéo “Vận động quần chúng tích cực cung cấp thông tin, tố giác đối tượng vi phạm cho cơ quan kiểm lâm để ngăn chặn xử lý triệt để các hành vi mua bán, săn bắt, giết mổ động vật hoang dã và sản phẩm, nhất là loài rùa biển”.

Ông Nguyễn Văn Trà, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý VQG Côn Đảo cho biết: Thời gian đầu, người dân chưa thực sự hiểu hết tác dụng, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, biển và còn coi đó là việc của cơ quan chức năng. Nhiều người lại có tâm lý lo sợ bị đối tượng xấu trả thù khi được đề cập đến vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng, biển nên việc triển khai mô hình gặp khó khăn. Các tổ công tác của Hạt đã kiên trì tuyên truyền, vận động người dân bằng những dẫn chứng thuyết phục, gần gũi. Dần dần, người dân địa phương đã nâng cao nhận thức, thêm thấu hiểu và đồng tình, tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. 

Cụ thể, Hạt đã phối hợp Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, khách sạn cam kết không săn bắt, buôn bán và tiêu thụ rùa biển và trứng rùa biển; tuyên truyền các quy định, chế tài xử phạt trong quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm cho cán bộ, chiến sĩ và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các trạm, tổ kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành của 10 khu dân cư xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin rộng khắp; xây dựng lực lượng cốt cán, các mật báo viên trong nhân dân. Qua đó, nhiều hành vi vi phạm được nhân dân tố giác như: Xâm hại vùng bảo tồn để đánh bắt động vật trái phép; săn bắt động vật hoang dã quý, hiếm, lấy trộm trứng vích... 

Du khách nước ngoài xem rùa đẻ trứng tại một bãi biển của huyện Côn Đảo.
Du khách nước ngoài xem rùa đẻ trứng tại một bãi biển của huyện Côn Đảo. 

Mặt khác, Hạt còn vận động, tư vấn người dân chuyển đổi ngành nghề; đồng thời tạo sinh kế, vốn làm ăn để họ có công ăn việc làm ổn định. Từ năm 2016 đến nay, nguồn Quỹ “Bảo tồn và phát triển VQG Côn Đảo” đã hỗ trợ cho hơn 10 hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ 10 - 100 triệu đồng để chuyển đổi sang các nghề: Nuôi cá nước ngọt, kinh doanh, buôn bán, lái ca nô phục vụ du lịch... Những hộ dân này đã trở thành lực lượng cốt cán, thông tin đến các cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Phước T., ở khu 5, huyện Côn Đảo hành nghề lái thuyền chở khách thăm quan tại Côn Đảo cho biết, trong quá trình chở khách, ông thường xuyên nhắc nhở khách du lịch ý thức bảo vệ tài nguyên biển; không bẻ, lấy cây san hô cũng như gây hại, săn bắt và sử dụng sản phẩm từ các loài động vật quý, hiếm. Bên cạnh đó, ông T. còn tranh thủ nắm bắt hoạt động của các đối tượng có hành vi hoặc dấu hiệu xâm hại tài nguyên biển, đánh bắt ở các khu vực cấm, mua bán, săn bắt, giết mổ... động vật hoang dã và cung cấp thông tin cho cơ quan kiểm lâm để ngăn chặn xử lý kịp thời. “Được tuyên truyền, vận động, tôi đã hiểu rằng phải tích cực tham gia bảo tồn  đa dạng sinh học rừng, biển, thiên nhiên Côn Đảo tươi đẹp nhằm phát triển bền vững”- ông T. nói.

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo nhận xét, mô hình dân vận khéo nêu trên do Hạt Kiểm lâm tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với những cách làm thiết thực, mô hình đã tạo dựng được niềm tin và sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Quần chúng nhân dân không những tự giác chấp hành mà còn mạnh dạn, tích cực tố giác các hành vi vi phạm. “Thông qua đó, người dân thêm tin tưởng, chung tay góp sức cùng cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhất là bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm. Qua đó, giúp thiên nhiên Côn Đảo ngày càng được bảo tồn, phát triển bền vững và tạo ấn tượng tốt đẹp trong mỗi người dân và du khách”, ông Pho nói.

Năm 2018, Hạt Kiểm lâm VQG Côn Đảo nhận được 51 tin báo, trong đó đã tổ chức kiểm tra, xác thực, tuần tra xử lý 8 vụ vi phạm trong hoạt động thủy sản; ngăn chặn 15 lượt đối tượng đột nhập các bãi biển có rùa biển đẻ trứng để lấy trộm trứng .

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA - BẢO KHÁNH

;
.