Không gian hẹp hay tác phẩm nghệ thuật thiếu sức hút?

Chủ Nhật, 10/03/2019, 17:47 [GMT+7]
In bài này
.

Trong quá khứ, nhiều văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh BR-VT đã khẳng định tên tuổi trong cả nước với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ tỉnh BR-VT kém sôi động, ít có tác phẩm tạo đột biến, được công chúng biết đến rộng rãi. 

NHỮNG TÁC GIẢ CHINH PHỤC CÔNG CHÚNG

Trong quá khứ, các văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn, để lại ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng. Về văn học, 17 năm qua, “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc đã đi vào đời sống âm nhạc nước ta. Nội dung ca từ của bài hát gợi nhắc cho bao người ký ức về dòng sông quê hương, về kỷ niệm tuổi thơ êm đềm, về người mẹ hiền. Sự kết hợp đồng điệu giữa thơ và nhạc khiến ca khúc được nhiều người yêu thích và thuộc làu. Bài hát được vang lên khắp nơi, từ làng quê đến thành thị và cả trong cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài khắp năm châu. Năm 2012, Trung tâm sách và kỷ lục Việt Nam xác nhận bài thơ phổ nhạc hay nhất cho bài “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu. 

Nhiếp ảnh gia Đinh Hữu Ngợt, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh trao giấy khen cho hội viên  có hoạt động sáng tạo xuất sắc tại hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2018.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh trao giấy khen cho hội viên có hoạt động sáng tạo xuất sắc tại hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2018.

Nhà văn Trần Đức Tiến cũng nổi tiếng trong nước. Năm nay 66 tuổi, ông đã có 20 cuốn sách in riêng, cùng hàng trăm tác phẩm trên các báo, tạp chí. Ông khẳng định tên tuổi với độc giả qua các tác phẩm: Linh hồn bị đánh cắp (tiểu thuyết, in 1990, in lại 2006), Bụi trần (in 1992, in lại 2004 và 2006), Bão đêm (tập truyện ngắn, in 1993), Dế mùa thu (tập truyện thiếu nhi, in 1997), Trên đôi cánh chuồn chuồn (tập truyện thiếu nhi, in 2015), Xóm Bờ Giậu (tập truyện thiếu nhi, in 2018)… Tác phẩm của ông đa dạng, thuộc nhiều thể loại, dành cho nhiều lứa tuổi và luôn được các nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng đặt hàng trước. Hiện ông có tên trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. 

Về âm nhạc, cố nhạc sĩ Hoàng Hà, hội viên Hội VH-NT tỉnh cũng để lại những ca khúc lay động lòng người: Đất nước trọn niềm vui, Ánh đèn cầu Việt Trì, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Côn Đảo (đồng sáng tác với nhạc sĩ Hoàng Lương)… Nhạc sĩ Hoàng Hà cũng có tên trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, các nhiếp ảnh gia như: Đinh Hữu Ngợt, Phạm Thị Ái Nghĩa, Bùi Thái Dũng có nhiều tác phẩm đủ sức “cạnh tranh” với các nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước. Về hội họa, họa sĩ Văn Ngọc cũng là tên tuổi lớn trong làng mỹ thuật Việt Nam…

Điểm lại những tác giả, tác phẩm nêu trên để thấy rằng, BR-VT có nhiều văn nghệ sĩ đã và đang có hoạt động sáng tạo phong phú, đủ tài năng để có thể thúc đẩy đời sống văn hóa, nghệ thuật phát triển. Điều đó chứng tỏ rằng, văn nghệ sĩ có tác phẩm hay, chất lượng sẽ được công chúng, giới phê bình, các nhà xuất bản biết đến và đón nhận.

ĐỪNG ĐỔ LỖI THIẾU KINH PHÍ

Hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ là hội viên Hội VH-NT tỉnh khá đông với 170 người, chưa kể hàng trăm người chưa vào Hội, nhưng hoạt động sáng tạo nghệ thuật những năm gần đây không tạo được dấu ấn đậm nét.

Lý giải điều này, một số văn nghệ sĩ cho rằng không gian sáng tạo, hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm VH-NT, nguồn cảm hứng, nguồn kinh phí chưa đủ để BR-VT có những tác phẩm mang dấu ấn. Theo nhà văn Châu Hoài Thanh (Hội VH-NT tỉnh), kinh phí để xuất bản một đầu sách từ 15-20 triệu đồng. Nhưng một năm, một người chỉ được trợ cấp từ 5-7 triệu đồng, không đủ để in sách và chi phí quảng bá tác phẩm đến công chúng. Chung quan điểm, họa sĩ Lê Minh cho biết, để sáng tạo một bức tranh khổ 50 x 80cm, phải mất khoảng 7 triệu đồng tiền mua chất liệu, làm khung. Chi phí sáng tạo cao nhưng nguồn hỗ trợ từ ngân sách lại eo hẹp, trong khi không phải nghệ sĩ nào cũng đủ điều kiện bỏ tiền túi ra để sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, những năm gần đây, rất ít họa sĩ trong Ban Mỹ thuật (Hội VH-NT tỉnh) có tác phẩm tham dự các cuộc thi, triển lãm tranh trong nước và khu vực.

Như vậy vấn đề đặt ra là hoạt động sáng tạo nghệ thuật có cần đến không gian? Việc thiếu kinh phí có phải là yếu tố quyết định chất lượng sáng tạo nghệ thuật hay nghệ sĩ chưa đủ cảm hứng, tài năng để làm nên những tác phẩm nghệ thuật chinh phục công chúng? Vì sao nhiều năm qua, BR-VT chưa có tác phẩm nghệ thuật nào tạo được tiếng vang? 

Nhà thơ Bùi Ngọc Phúc (hội viên Hội VH-NT tỉnh) cho rằng, so với cả nước, ít có địa phương nào được thiên nhiên ưu đãi với non nước hữu tình, có núi, có biển đẹp, nhiều danh thắng nổi tiếng, những khu công nghiệp, cảng biển tàu thuyền tấp nập ra vào… Đây là những tiềm năng tạo nên chất liệu, cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. “Tuy nhiên, chúng ta chưa có những tác giả “công nhân” có thể lăn lộn trong khói bụi để sáng tạo những tác phẩm hay về công trường, về những cảng biển nổi tiếng ở TX. Phú Mỹ”, nhà thơ Bùi Ngọc Phúc trăn trở. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh cho biết, Hội có 25 hội viên nhiếp ảnh nhưng chỉ có 6 hội viên nổi bật, có tác phẩm dự thi, liên hoan, triển lãm ảnh trong và ngoài nước. 

Kinh phí không phải là điều quyết định hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ. Có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước thì công tác sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học-nghệ thuật sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không phải không có tiền, ít tiền là văn nghệ sĩ sáng tạo không hay. Muốn tạo nên tác phẩm hấp dẫn công chúng, trước hết, nghệ sĩ phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình, phải thao thức, trăn trở với cuộc sống để sáng tạo những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. 
(Nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh)

Nhà văn Trần Đức Tiến thẳng thắn nhìn nhận, số lượng hội viên Hội VH-NT tỉnh hiện nay gần gấp đôi so với 7 năm trước nhưng hoạt động sáng tạo nghệ thuật ngày càng yếu, số người nổi trội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong ban Văn học, ngoài những tác giả đã thành danh như Lê Huy Mậu, Hoàng Quý, hầu như không còn tác giả nào thực sự xuất sắc. Những năm gần đây, các cây viết trẻ tài năng, nổi lên trong làng văn học cả nước như: Văn Thành Lê, Trịnh Sơn thì đã chuyển đi nơi khác. Còn các tác phẩm của một số nhà thơ, nhà văn khác thì rất khó để chinh phục độc giả ngoài tỉnh. 

Có thể dùng công cụ tìm kiếm google.com.vn để “đo” tên tuổi, tác phẩm của hội viên Hội VH-NT tỉnh được công chúng đón nhận như thế nào. Vào trang google.com.vn, đánh các từ khóa tìm kiếm: “nhạc sĩ Hoàng Hà” cho ra 57,1 triệu kết quả trong 0,47 giây, “nhà văn Trần Đức Tiến” cho ra 42,5 triệu kết quả trong 0,46 giây; “nhà thơ Lê Huy Mậu” cho ra 1,95 triệu kết quả trong 0,4 giây; “họa sĩ Văn Ngọc” cho ra 24,9 triệu kết quả trong 0,35 giây...

Theo nhà văn Trần Đức Tiến, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động sáng tạo VH-NT của BR-VT chưa nổi trội. Nguyên nhân chung là do sự vận động tự nhiên của đời sống kinh tế, xã hội với sự phát triển của nhiều phương tiện giải trí nghe, nhìn nên văn chương không được coi trọng như trước. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do tài năng của người viết chưa đủ “độ chín” để làm nên những tác phẩm nổi tiếng. “Nếu một nhà văn chuyên nghiệp thì chất liệu “sống” để sáng tác không ít. Văn nghệ sĩ chỉ cần chịu khó quan sát, suy nghĩ sẽ nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo. Nhà văn, nhà thơ phải quan niệm lao động nghệ thuật cũng như bao công việc khác, phải làm thuần thục hằng ngày, cứ viết thật nhiều, đầu tư thật sâu cho tác phẩm thì sẽ được bạn đọc đón nhận”, nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ. 

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.