Những món ăn đậm đà hương vị biển

Chủ Nhật, 14/07/2019, 19:46 [GMT+7]
In bài này
.
Bà Rịa-Vũng Tàu có ngư trường trải rộng hơn 100 ngàn km2 với nhiều loài hải sản. Từ những loài hải sản tươi, sống, giàu dinh dưỡng, người dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã chế biến thành nhiều món ăn đậm đà hương vị biển, tuy dân dã nhưng rất ngon, ăn vào nhớ mãi…!
Làm bánh khọt tại quán bánh khọt Bà Hai.
Làm bánh khọt tại quán bánh khọt Bà Hai.

GIÒN THƠM BÁNH KHỌT VŨNG TÀU

Đến thành phố biển Vũng Tàu, bên cạnh việc thưởng thức những món hải sản tươi ngon, nhiều du khách cũng không thể bỏ qua bánh khọt - món ăn dân dã, có thể dễ dàng tìm thấy từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng.

Vừa trở về từ nước Áo sau nhiều năm xa xứ, chị Nguyễn Thị Nhung (C16 Ông Ích Khiêm, phường 9, TP. Vũng Tàu) tìm đến quán bánh khọt Bà Hai (42 Trần Đồng, phường 3) để thưởng thức bánh khọt. “Trước khi về Việt Nam, tôi nhủ lòng món ăn đầu tiên phải thưởng thức là bánh khọt. Nghĩ đến hình ảnh con tôm đỏ hồng lẫn trong chiếc bánh chín vàng, giòn rụm, rắc lên đó mỡ hành, ít ruốc tôm rồi cuộn với rau cải bẹ xanh, xà lách, diếp cá… chấm vào chén nước mắm hơi cay cay sau đó thưởng thức, tôi lại ứa nước miếng”, chị Nhung chia sẻ. 

Ông Lê Văn Hùng, chủ quán bánh khọt Bà Hai cho biết, gia đình ông đã theo nghề làm bánh khọt từ những năm 1980 đến nay. Theo ông Hùng, mỗi quán có công thức và cách chế biến bánh riêng, nhưng điểm chung về nguyên liệu chính của bánh là bột gạo và tôm biển tươi. Nước chấm ăn kèm phải là nước mắm cá nguyên chất, được pha khéo léo với nước đường nấu chín, vừa độ ngọt, mặn dịu để người dùng có thể ngâm cả chiếc bánh trong chén nước chấm mà không bị quá vị, khó ăn. 

Bánh ngon phải được làm từ gạo ngon, xay nhuyễn thành bột pha với nước và nêm muối, đường, bột ngọt, đánh trứng gà trộn đều để bánh có độ xốp. Người làm bánh cho vào bột nước cốt dừa khô để có độ béo. Gia vị không thể thiếu là hành lá xắt nhỏ và ít tiêu xay nhuyễn quậy đều cho hương vị bánh thêm thơm ngon. Nhân bánh là tôm biển tươi nguyên con, to cỡ ngón tay và được bóc vỏ trước khi cho vào bánh. 

Một số quán bánh khọt tại TP. Vũng Tàu 

Nhà hàng Cô Ba Vũng Tàu (số 1 đường Hoàng Hoa Thám, phường 3); Bà Hai (42 Trần Đồng, phường 3); Gốc Vú Sữa (14 Nguyễn Trường Tộ, phường 2); Miền Đông (59 Bà Triệu, phường 4); Bãi Trước (Sáu Ngọc, 116 Hạ Long, phường 2).

Cách đổ bánh khọt khá đơn giản: Khay bánh để trên bếp (than, củi, gas) thật nóng, cho dầu vào khay rồi đổ bột (đã pha chế, nêm gia vị) vào từng khuôn. Khi bánh gần chín thì bỏ tôm, hành xắt nhỏ lên mặt, đậy nắp khuôn lại và thăm chừng đến khi bánh chín vàng, giòn thì dùng chiếc vá nhỏ khẩy nhẹ theo vòng tròn lấy bánh ra. Lúc này, bánh có dạng hình tròn, đường kính khoảng 4-5cm, xếp bánh vào mỗi dĩa 8-10 chiếc là vừa đủ 1 người ăn. Việc còn lại là nhanh chóng thưởng thức khi bánh còn nóng hổi. 

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu (296 Trần Phú, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, mỗi lần đi du lịch Vũng Tàu, gia đình bà luôn dành một bữa để thưởng thức bánh khọt. “Bánh khọt Vũng Tàu giòn, thơm ngon, là một trải nghiệm ẩm thực thú vị cho nhiều người khi đến với thành phố biển xinh đẹp này”, bà Thu nhận xét.

Với những nét độc đáo riêng có, năm 2012, bánh khọt Vũng Tàu đã được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là một trong những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.