Áp dụng biện pháp dập dịch diện rộng phòng chống SXH

Chủ Nhật, 04/08/2019, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

Chung quanh diễn biến phức tạp của SXH, PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về các biện pháp cấp bách ứng phó dịch. 

Đoàn viên thanh niên xã Kim Long, huyện Châu Đức ra quân diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: MINH THANH
Đoàn viên thanh niên xã Kim Long, huyện Châu Đức ra quân diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: MINH THANH

● Phóng viên: Trong tuần qua, số ca mắc SHX đã giảm đáng kể. Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về tình hình dịch bệnh hiện nay?

- Bác sĩ Nguyễn Anh Quan: Trong tuần cuối tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận thêm 215 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 4.739 ca, tăng  7,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc SXH đã giảm đáng kể (trung bình các tuần trước đó là 400 ca). Tuy nhiên, đây là lúc không thể chủ quan, bởi SXH vẫn diễn biến rất phức tạp. Số ca mắc có thể tăng vọt trở lại nếu không áp dụng các biện pháp kiểm soát. 

● Theo yêu cầu của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, BR-VT phải tổ chức dập dịch diện rộng. Bác sĩ cho biết cụ thể về biện pháp này và việc triển khai ra sao?

- Đây là biện pháp tổ chức xử lý ổ dịch trên quy mô rộng, bao gồm kết hợp diệt lăng quăng và phun hóa chất chỉ định. Do đó, tùy thuộc vào tình hình và kết quả đánh giá dịch tễ, chúng tôi sẽ đưa ra các biệp pháp dập dịch diện rộng phù hợp. Hiện nay, các địa phương có số ca mắc cao như huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, TP. Vũng Tàu đã triển khai dập dịch diện rộng. 

● Nguồn lực hiện nay có bảo đảm tiến hành biện pháp này hay không, thưa bác sĩ?

- Hàng năm, ngành y tế xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh SXH trong đó có kinh phí xử lý dịch, mua hóa chất, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó khi có ổ dịch hay cần phun diện rộng chủ động, chúng tôi đều có sẵn nguồn hóa chất cũng như kinh phí cho hoạt động này. 

Tuy nhiên, nguồn nhân lực và trang thiết bị tại các địa phương đang gặp khó khăn. Đặc biệt là những địa phương có số ca mắc SXH cao, cán bộ y tế phải tham gia xử lý ổ dịch liên tục 4-5/ngày tuần. Chúng tôi đang đề nghị Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ máy phun và hóa chất để bổ sung cho công tác phòng chống dịch ở các địa phương. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ.

● Xin cám ơn bác sĩ!

MINH THIÊN (Thực hiện)

 

 

;
.