Nét đẹp văn hóa trong lễ hội ở Nhà Lớn Long Sơn

Thứ Năm, 01/08/2019, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, Nhà Lớn Long Sơn (thôn 5, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) luôn thu hút đông du khách bởi nét đẹp độc đáo qua lễ hội của người dân theo đạo Ông Trần cùng công trình bề thế theo lối kiến trúc cổ xưa. 

Người dân tại Nhà Lớn chuẩn bị mâm cỗ cúng Ông Trần tại Lễ hội Trùng Cửu.
Người dân tại Nhà Lớn chuẩn bị mâm cỗ cúng Ông Trần tại Lễ hội Trùng Cửu.

Một trong những lễ hội lớn, diễn ra vào ngày 8 và 9/9 âm lịch hàng năm tại Nhà Lớn Long Sơn là Lễ Trùng Cửu. Ông Nguyễn Văn Được, hương chức Nhà Lớn Long Sơn cho biết, nghi thức Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức trang trọng, bài bản. 65 mâm cỗ chay gồm: bánh, xôi, chè, trái cây được dâng lên các bàn thờ cúng Ông Trần (tức ông Lê Văn Mưu, người có công khai hoang, mở đất đầu tiên tại xã đảo Long Sơn). Đúng 8 giờ ngày 9/9 âm lịch, diễn ra lễ cúng Ông Trần. Mở đầu lễ cúng, hương chức Nhà Lớn cho gióng lên hồi chiêng tại bàn thờ Lầu Tiên, sau đó, các hương chức vái lạy, thắp hương cúng Ông Trần. “Nghi thức cúng nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Ông Trần, đồng thời, cầu bình an, sức khỏe, may mắn cho bá tánh”. Nghi thức cúng diễn ra trong khoảng 1 tiếng, sau đó, Nhà Lớn mở cửa đón khách dâng hương, chiêm bái, tham quan. Một trong những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội Trùng Cửu là quanh các cột, cửa, tường Nhà Lớn được trang hoàng hàng trăm câu liễn vuông, dài màu đỏ với các nội dung về đối nhân xử thế, về cảnh vật, thiên nhiên.

Mỗi năm, Lễ hội Trùng Cửu thu hút từ 9.000 đến 10.000 người tham gia. Tham dự lễ hội Nhà Lớn Long Sơn, du khách cảm nhận được sự an toàn, yên bình. Lượng khách đông như vậy nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy nhau. Vào khu tiếp khách ở Lầu Dài, khách để lại dép gọn gàng ở đây, đi chân đất vào thắp nhang, viếng Ông, tham quan cảnh quan, kiến trúc của Nhà Lớn trong trật tự, thành kính… Theo những người ở Nhà Lớn, thói quen đi chân đất được các thế hệ con cháu học theo ông Lê Văn Mưu, người thời xưa thường để tóc dài búi cao, đi chân trần (nên được gọi là Ông Trần) cuốc đất, khai hoang, lập làng ở xã đảo Long Sơn. 

Thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Ông Trần, du khách được nghe các cụ già là hương chức kể về nét đẹp văn hóa của đạo Ông Trần. Ông Lê Văn Mai, cháu đời thứ 4 của Ông Trần kể lại rằng, xưa kia, Ông Trần có cuộc sống giản dị, khiêm nhường, giàu lòng thương người, lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín để đối nhân xử thế, truyền dạy cho con cháu. Đặc biệt, ông thường cưu mang những người nghèo khổ. Đơn cử như vào năm Giáp Thìn (1904), trận bão lớn đã càn quét qua miền Tây Nam Bộ, khiến hàng ngàn người rơi vào cảnh nhà tan hoang. Biết tin, Ông Trần đã cho thuyền chở lúa gạo, muối về phát cho bà con và đưa nhiều người bị mất nhà cửa lên Long Sơn sinh sống. Công trình Nhà Lớn được xây dựng cũng minh chứng cho lối sống giàu tình thương người của Ông Trần. Nhà Lớn rộng 38.735m2 với nhiều công trình như: Nhà hội (nhà thờ các vị tiền hiền), nhà khách, trường học, nhà hậu (nhà ở), nhà bếp. Đến tham quan Nhà Lớn Long Sơn, ngạc nhiên trước sự rộng lớn của quần thể công trình, du khách Nguyễn Anh Tuấn (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) hỏi ông Lê Văn Mai: “Công trình rộng lớn này chắc không chỉ dành riêng cho gia đình của Ông Trần phải không ông?”. Giọng ông Mai đầy tự hào: “Đúng vậy, nơi đây không chỉ là chỗ sinh hoạt chung của những người trong dòng tộc mà còn dùng để đón tiếp khách, người dân. Với những người dân nghèo khó, Ông Trần sẵn sàng cho ở nhờ lại Nhà Lớn, lo cho cơm ăn, cấp đất cho họ làm ruộng, vườn. Ngày nay, Nhà Lớn cũng thực sự là ngôi nhà chung của những người có tín ngưỡng về đạo Ông Trần, luôn đón tiếp nhiều người dân và du khách tham quan, dâng hương chiêm bái ăn uống, nghỉ ngơi miễn phí”.

Tinh thần yêu thương, đùm bọc cộng đồng đó được những người theo đạo Ông Trần gìn giữ qua nhiều thế hệ và phát huy vào các dịp lễ hội. Theo đó, vài tháng trước khi diễn ra Lễ hội Trùng Cửu, Nhà Lớn chuẩn bị sẵn thực phẩm để thiết đãi khách. Các bà, các chị tự nguyện đến Nhà Lớn làm mứt dừa, mứt chuối… dự trữ, sẵn sàng mời khách khi về dự lễ hội. Bà Lê Thị Kiềm, cháu đời thứ tư của Ông Trần cho biết, trong những ngày diễn ra lễ hội, khách còn được bố trí chỗ nghỉ ngơi, ăn uống miễn phí. Đến với Nhà Lớn Long Sơn, khách cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn nhân hậu, chân chất, gần gũi, hòa đồng của các ông, bà trong trang phục quần áo bà ba đen, tóc búi cao. Đến Lễ hội Trùng Cửu, du khách còn được khám phá những dấu tích cổ xưa in dấu rõ nét ở Nhà Lớn trên những dãy nhà mái ngói đã ngả màu thời gian, những cột, kèo, rường nhà gỗ quý, hiếm và những hiện vật có niên đại hàng trăm năm như: bộ bàn ghế bát tiên, bộ tủ cẩn xà cừ tinh xảo, những bức câu đối, hoành phi được sơn son thếp vàng. Ngoài dịp lễ hội, trung bình hàng tháng Nhà Lớn đón từ 3.700-3.800 khách tham quan. Và trung bình những ngày cuối tuần có 200-300 khách đăng ký ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm để tìm hiểu nếp sống, sinh hoạt của người dân theo đạo Ông Trần tại Nhà Lớn.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.