Hiến kế để cung - cầu lao động gặp nhau

Thứ Tư, 11/09/2019, 22:05 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động, cung không đủ cầu khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Tại hội thảo “Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động” do Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) tỉnh tổ chức ngày 10/9, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.

Đại diện DN phát biểu tại hội thảo kết nối cung - cầu lao động.
Đại diện DN phát biểu tại hội thảo kết nối cung - cầu lao động.

CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU

Tại hội thảo, đại diện nhiều DN cho biết, tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực khiến DN rất chật vật trong việc tuyển dụng lao động ở mọi trình độ, từ lao động có tay nghề đến lao động phổ thông, lao động thời vụ. Bà Đặng Thị Ngọc Hà, Phó Phòng Nhân sự Công ty TNHH Biển Đông (TP.Vũng Tàu) cho biết, Công ty nhiều lần cần tuyển lao động với số lượng lớn nhưng rất khó tuyển. Có những dự án Công ty phải huy động nhân lực trong vòng 3-4 ngày với số lượng 100 người nhưng không tìm được người. “Những năm gần đây, dù đã tận dụng mọi kênh tuyển dụng nhưng việc tìm lao động vẫn rất khó khăn. Không tuyển được lao động trên địa bàn tỉnh, chúng tôi phải tìm lao động ở các tỉnh xa, nhưng việc này làm chi phí lương và nhiều khoản khác tăng theo”, bà Hà bày tỏ.

Trong khi đó, BR-VT còn nhiều lao động thất nghiệp chưa có việc làm. Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở LĐTBXH) cho rằng chưa bao giờ lĩnh vực lao động-việc làm gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động ngày càng trầm trọng. BR-VT thiếu cả lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao lẫn lao động phổ thông trong khi nghịch lý là còn nhiều lao động nhàn rỗi chưa sử dụng được. “Thống kê của Sở LĐTBXH cho thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp hiện chiếm 2,85%. Tuy nhiên, tỷ lệ này trên thực tế còn cao hơn. Qua khảo sát cho thấy, lao động chưa có việc làm còn rất đông, nhưng lại không có nhu cầu tìm việc làm vì người lao động có tâm lý muốn “việc nhẹ, lương cao”. Điều này góp phần khiến thị trường lao động thêm mất cân đối”, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết.

Để giảm khoảng cách cung - cầu cần có các giải pháp đồng bộ. Trong ảnh: NLĐ tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm lần thứ I-2019.
Để giảm khoảng cách cung - cầu cần có các giải pháp đồng bộ. Trong ảnh: NLĐ tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm lần thứ I-2019.

Theo khảo sát của TTDVVL tỉnh, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong năm 2019 là khoảng 25.000 chỗ (tăng 9,14% so với năm 2018). Trong đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông-sơ cấp nghề -công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 66%, trình độ trung cấp 21%, trình độ CĐ-ĐH và trên ĐH 13%. Dự báo năm 2020, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trên địa bàn tỉnh sẽ là 30.000. Trong đó, có khoảng 20.000 vị trí việc làm tại các KCN và chủ yếu tập trung vào nhóm ngành: dệt may, giày da, cơ khí, công nghiệp chế biến, vận tải, điện tử, lao động phổ thông…; khoảng 10.000 vị trí việc làm ở một số ngành nghề như: Dịch vụ cho thuê lao động, phục vụ nhà hàng- khách sạn, khu vui chơi giải trí...

Những năm qua, TTDVVL tỉnh đã tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc kết nối vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như mong đợi. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc TTDVVL tỉnh, việc cung ứng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của DN về số lượng lẫn chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách tiền lương của một số DN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Trong khi đó, những DN có mức lương cao, chính sách đãi ngộ tốt thường đòi hỏi lao động phải có tay nghề, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm. Mặt khác, các ứng viên tìm việc còn hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học… nên khó đáp ứng được yêu cầu của DN.

Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những giải pháp tăng hiệu quả kết nối cung-cầu.  Trong ảnh: Sinh viên trường CĐ Kỹ thuật công nghệ trong giờ thực hành. Ảnh: TUYẾT MAI
Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những giải pháp tăng hiệu quả kết nối cung-cầu. Trong ảnh: Sinh viên trường CĐ Kỹ thuật công nghệ trong giờ thực hành. Ảnh: TUYẾT MAI

KẾT NỐI NHƯ THẾ NÀO?

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm góp phần đưa thị trường lao động, việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực và giảm khoảng cách giữa cung-cầu lao động. Bà Trần Thị Minh Hiếu, Phó Phòng Lao động Công ty TNHH Minh Việt (TP.Vũng Tàu) cho rằng TTDVVL tỉnh cần thay đổi cách thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN. Đặc biệt, Trung tâm cần xây dựng nguồn dữ liệu về lao động và có thông tin kết nối nhanh chóng giữa DN và người lao động. Bà Hiếu đề xuất: “Việc xây dựng dữ liệu về nguồn lao động, thu thập hồ sơ của lao động là hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ DN, để DN dễ dàng tìm được nguồn nhân lực”.

Để có đủ nguồn nhân lực, DN buộc phải tuyển sinh viên và lao động phổ thông rồi tự đào tạo. Ngoài ra, việc kết nối các DN với nhau thông qua cộng đồng nhân sự DN giúp các đơn vị chia sẻ thông tin và nguồn lao động. Chẳng hạn, chúng tôi cần 10 lao động làm buồng phòng, trong khi DN khác đang dư lao động, họ sẽ chia sẻ cho chúng tôi. Sự chia sẻ này rất hiệu quả. Tôi nghĩ ngành LĐTBXH cần tính đến việc thiết lập các kênh chia sẻ việc làm như vậy để tạo cơ hội cho DN hỗ trợ lẫn nhau và bù đắp nguồn nhân lực còn thiếu.

(Ông Lê Điền Sinh, Trưởng Phòng nhân sự Công ty CP Vườn Phố)

Ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng, để phát triển thị trường lao động đúng nghĩa và ổn định, các bên liên quan không chỉ nhắm vào lao động chưa có việc làm mà cần hướng tới lao động đã có việc làm nhưng đang có nhu cầu tìm việc mới, với vị trí và thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, TTDVVL cần thay đổi cách thức tổ chức sàn giao dịch, kết nối cung - cầu lao động cả về nội dung, hình thức và đối tượng tham gia thị trường lao động. “Nếu chỉ nhắm tới lao động chưa có việc làm, chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn và không thể tìm đủ nguồn nhân lực. TTDVVL tỉnh cần tính đến việc chuyển sang sàn điện tử để nâng cao hiệu quả kết nối giữa người lao động và DN. Ngoài ra, người lao động cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để bước vào thị trường lao động. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, quá trình tìm việc sẽ rất khó”, ông Hùng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường tư vấn cho người lao động, phối hợp chặt chẽ với các DN để tìm vị trí việc làm đa dạng hơn. Song song đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng; khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các cơ sở đào tạo và ngành nghề đào tạo nhằm tư vấn, giới thiệu cho người thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề để nhanh chóng đưa người lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động. Trung tâm cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị tham gia tuyển dụng làm tốt việc phản hồi thông tin của DN đối với người lao động được hẹn phỏng vấn hoặc kết quả phỏng vấn nhằm nâng cao chất lượng cũng như sự tin tưởng của người lao động đến tham gia phiên giao dịch việc làm.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.