Cẩn trọng khi sửa sắc đẹp - Kỳ 1: Làm đẹp… hóa xấu

Thứ Tư, 13/11/2019, 22:34 [GMT+7]
In bài này
.

Phun, xăm, thêu chân mày, nhấn mí mắt, tiêm filler... là những dịch vụ làm đẹp đang được các chị em phụ nữ ưa chuộng. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm, nhu cầu làm đẹp của chị em càng tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, chị em cần cẩn trọng, lựa chọn những cơ sở uy tín để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Khách hàng phun thêu chân mày tại Thẩm mỹ viện Đông Phương (24, Nguyễn Hữu Thọ, TP.Bà Rịa), một trong những cơ sở có thực hiện dịch vụ làm đẹp xâm lấn được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Ảnh: MINH THIÊN
Khách hàng phun thêu chân mày tại Thẩm mỹ viện Đông Phương (24, Nguyễn Hữu Thọ, TP.Bà Rịa), một trong những cơ sở có thực hiện dịch vụ làm đẹp xâm lấn được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Ảnh: MINH THIÊN

RỦI RO KHI LÀM ĐẸP

Ngoài hình thức phẫu thuật cắt mí đôi, lấy mỡ, nâng cung mày… gần đây, các cơ sở làm đẹp còn giới thiệu thêm 2 kỹ thuật mới để tăng thẩm mỹ cho mắt là: Tiêm chất làm đầy filler và khâu chìm nhấn mí đôi. Tuy nhiên, thời gian qua, Bệnh viện Mắt tỉnh và một số bệnh viện tuyến trên tại TP. Hồ Chí Minh đã liên tục tiếp nhận và xử lý các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây mù lòa sau khi nạn nhân thực hiện 2 loại dịch vụ làm đẹp nói trên tại các cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Vụ việc gần đây nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh là trường hợp của chị N.T.H. bị mù mắt trái sau khi tiêm filler làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh, sau đó được chuyển lên tuyến trên và điều trị tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Điều trị cùng khoa với chị H. còn có một trường hợp tương tự là một cô gái trẻ 21 tuổi sinh sống tại tỉnh Bình Phước, cũng bị mù mắt trái sau khi tiêm filler tại một cơ sở spa hoạt động “chui” các dịch vụ trên.

Phun thêu chân mày là kỹ thuật dùng một thiết bị dạng bút, gắn đầu kim và mực màu để cấy màu vào da, có dùng thuốc để ủ tê trước đó.
Phun thêu chân mày là kỹ thuật dùng một thiết bị dạng bút, gắn đầu kim và mực màu để cấy màu vào da, có dùng thuốc để ủ tê trước đó.

Trước đó, vào tháng 8/2018, chị N.Y.L. (ngụ huyện Long Điền) sau khi tiêm filler căng bóng da mặt, nâng mũi, độn cằm tại một cơ sở làm tóc trên địa bàn đã bị đỏ ửng, mặt sưng tấy, phải đến bệnh viện điều trị.

Không chỉ tiêm filler, nhiều trường hợp xăm mí mắt, phun chân mày cũng gặp những biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn, chị M.L. (50 tuổi ngụ tại TP. Bà Rịa) bị sụp mí mắt sau khi làm thủ thuật nhấn mí tại một cơ sở thẩm mỹ. Bệnh nhân này đã được nhấn mí bằng phương pháp cắt mí mắt và khâu chỉ. 1 tuần sau khi cắt chỉ khâu, bệnh nhân phát hiện mắt không mở to được nên đã đến Bệnh viện Mắt tỉnh để thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sụp mí thứ phát do người thực hiện thẩm mỹ cắt nhầm vào cơ nâng mí. Bệnh nhân buộc phải phẫu thuật để nâng cơ mí mắt.

Quảng cáo tiêm filler chất làm đầy trên trang web của một cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép trên địa bàn TP.Vũng Tàu.
Quảng cáo tiêm filler chất làm đầy trên trang web của một cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép trên địa bàn TP.Vũng Tàu.

Điều đáng nói, các trường hợp kể trên đều thực hiện ở những cơ sở chưa được cấp phép của cơ quan chức năng về lĩnh vực làm đẹp có xâm lấn như tiêm chất làm đầy, cắt mí… Những biến chứng gây ra cho bệnh nhân đều do người thực hiện không có trình độ chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ nên đã thao tác sai kỹ thuật, như tiêm filler nhầm vào mạch máu gây tắc mạch, cắt mí mắt nhầm vào cơ nâng mí, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc… Ngoài những biến chứng nghiêm trọng kể trên, theo các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Mắt tỉnh, dịch vụ làm đẹp mắt thường gặp những biến chứng khác như viêm bờ mi, loét trượt giác mạc, những trường hợp này tuy nhẹ hơn nhưng thời gian điều trị cũng phải mất từ 2-4 tuần. Chưa kể, nhiều nguy cơ tiềm ẩn lan truyền các bệnh truyền nhiễm nếu quá trình tiêm/phẫu thuật không bảo đảm vô trùng.

CẦN SÁNG SUỐT KHI CHỌN CƠ SỞ LÀM ĐẸP

Theo các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, để phòng ngừa các rủi ro khi đi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ, người dân cần tìm hiểu kỹ về phương pháp mà mình muốn làm đẹp, nhất là những phương pháp làm đẹp xâm lấn vào các bộ phận cơ thể. Bác sĩ Trần Thị Trang Xuân, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt tỉnh khuyến cáo chị em cần có thói quen hỏi cụ thể, thậm chí yêu cầu người thực hiện phương pháp phải là bác sĩ có chuyên môn về chuyên ngành thẩm mỹ, nơi thực hiện phải bảo đảm quy trình vô khuẩn. Tiếp đó, chị em cần tìm hiểu về giá cả dịch vụ, các bước trị liệu, thời gian và tự đưa ra quyết định có thực hiện hay không. Sau khi làm đẹp, nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau nhức, sưng phù nề, nhìn mờ… cần lập tức đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa thăm khám ngay để được chữa trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, những cơ sở thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp phép đều có ghi thông tin như: Số hiệu giấy phép hoạt động, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn trên bảng hiệu của cơ sở.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép thực hiện các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn: Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (51, Đồ Chiểu, TP. Vũng Tàu); Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Đông Phương (24, Nguyễn Hữu Thọ, TP. Bà Rịa); Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ (166, Nguyễn Thanh Đằng, TP. Bà Rịa).

“Không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là tuyệt đối an toàn. Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng... Nhưng nếu như thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, đặc biệt các trang thiết bị và quy trình cấp cứu, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ sẽ ít đi”, bác sĩ Hùng khuyến cáo. 

MINH THIÊN

(Xem tiếp kỳ sau)

;
.