Những người khiếm thị nghị lực

Thứ Bảy, 14/12/2019, 08:27 [GMT+7]
In bài này
.

Dù thiếu may mắn khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng họ đã không buông xuôi, chấp nhận số phận. Ngược lại, họ quyết vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Đó là những người khiếm thị đầy nghị lực.

Anh Trần Văn Huy biểu diễn văn nghệ tại hội diễn Tiếng hát Người khuyết tật do Sở VH-TT phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức vào ngày 6/12.
Anh Trần Văn Huy biểu diễn văn nghệ tại hội diễn Tiếng hát Người khuyết tật do Sở VH-TT phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức vào ngày 6/12.

Không còn nhìn thấy ánh sáng, việc đi lại gặp khó khăn nhưng cuộc sống của anh Trần Văn Huy, 41 tuổi, hội viên Hội Người mù TX.Phú Mỹ không hề nhàm chán. Mỗi ngày, anh bận rộn với công việc massage, bấm huyệt cho khách tại cơ sở massage, bấm huyệt do mình mở ở phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ. Những lúc vãn khách, anh tranh thủ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo.

Anh Huy từng tốt nghiệp ĐH Hàng hải Việt Nam và có việc làm ổn định tại Bình Dương. Tai họa ập đến với anh vào năm 2005. Vụ tai nạn xe máy khiến anh bị chấn thương sọ não, mù hai mắt. Khi ấy, anh mới cưới vợ được 2 năm và có con trai 14 tháng tuổi. Dù đã được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) điều trị suốt 5 tháng trời nhưng anh vẫn phải sống đời sống thực vật suốt 3 năm kể từ khi xảy ra tai nạn. “Còn nước còn tát”, gia đình tiếp tục đưa anh đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Dưới sự chăm sóc tận tình của mẹ và vợ, đầu năm 2008, anh dần bình phục, trí nhớ được khôi phục nhưng đôi mắt thì không thể cứu vãn. Chấp nhận đối mặt sự thật, năm 2009 anh đi học nghề làm móc khóa, rồi tự học cách đính cườm, kết móc chìa khóa bán để kiếm tiền phụ vợ nuôi con. Năm 2013, anh học thêm nghề massage, bấm huyệt và xin vào làm việc tại một cơ sở massage ở TP. Vũng Tàu. Khi tay nghề đã vững, năm 2018, anh đến phường Mỹ Xuân thuê nhà để mở cơ sở massage, bấm huyệt, còn gia đình anh vẫn sinh sống tại 80/20A4 Đô Lương, phường 11, TP. Vũng Tàu.

Cơ sở massage cho anh thu nhập ổn định và còn tạo việc làm cho 2 người cùng cảnh ngộ với thu nhập 5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài công việc mưu sinh, anh Huy còn tích cực sinh hoạt tại Hội Người mù địa phương. “Tình yêu của vợ con, người thân là nguồn động lực lớn nhất giúp tôi thêm niềm tin, tự tin vươn lên trong cuộc sống”, anh Huy tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hằng, 34 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc bị khiếm thị bẩm sinh. Đôi mắt chị chỉ nhìn được lờ mờ ở khoảng cách 1m trở lại. Khiếm khuyết cơ thể không thể ngăn chị vươn lên trong cuộc sống. Năm 2017, chị Hằng cùng chồng mở quán cà phê tại xã Hòa Hội. Chồng là công chức, bận việc hành chính nên hầu như một mình chị quán xuyến mọi việc ở quán cà phê. Ngoài giải quyết việc làm cho chính mình, quán cà phê của vợ chồng chị còn giải quyết việc làm cho 2 lao động địa phương với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng/người. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, chị Hằng còn góp vốn chung với 4 người khiếm thị khác ở địa phương mở cơ sở làm nhang. Chị đích thân lo khâu thu mua nguyên, vật liệu, chào hàng đến các tiệm tạp hóa ở huyện Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, cơ sở làm nhang do chị khởi xướng đang phát triển ổn định.

Ngoài những tấm gương vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống như anh Huy, chị Hằng, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều người khiếm thị cũng cố gắng mưu sinh để tự lập trong cuộc sống. Họ có thể độc lập làm việc hoặc kết nối với Hội Người mù ở địa phương để tạo việc làm. Điển hình như, Hội Người mù TX. Phú Mỹ duy trì 6 cơ sở tẩm quất do hội viên quản lý, tạo việc làm cho 9 hội viên với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hội Người mù TP. Vũng Tàu cũng có 2 cơ sở tẩm quất, giải quyết việc làm cho 5 lao động khiếm thị với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hội Người mù huyện Châu Đức có 6 cơ sở tẩm quất do hội viên thành lập, tạo việc làm cho 22 hội viên với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng/ người…

Bà Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, dù khiếm khuyết cơ thể nhưng nhiều hội viên đã vượt qua trở ngại, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Hội Người mù tỉnh đã có nhiều hình thức hỗ trợ hội viên thông qua các hoạt động: Mở lớp dạy chữ nổi Braille; phối hợp với Sở VH-TT tổ chức hội diễn văn nghệ, mở lớp cờ tướng; vận động mạnh thường quân tặng quà cho trẻ khiếm thị, con em người khiếm thị và hội viên vào dịp lễ, Tết; sửa chữa nhà cho hội viên; mở lớp đào tạo nghề (tẩm quất, massage, xâu hạt cườm…) cho hội viên.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.