Chủ động ngăn ngừa cúm A/H1N1

Chủ Nhật, 16/02/2020, 20:47 [GMT+7]
In bài này
.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, virus cúm A/H1N1 đang gây ra tử vong cho hàng chục người do suy hô hấp. Tại Việt Nam, mới đây cũng đã xuất hiện 2 trường hợp nhiễm cúm này ở tỉnh Điện Biên. Trước tình hình đó, ngay sau khi phát hiện 1 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại BR-VT, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn kịp thời sự lây lan.  

 

Cúm A/H1N1 có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccin phòng bệnh. Trong ảnh: Tiêm phòng cúm mùa cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Cúm A/H1N1 có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccin phòng bệnh. Trong ảnh: Tiêm phòng cúm mùa cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

PHÁT HIỆN KỊP THỜI TRƯỜNG HỢP MẮC BỆNH

Trường hợp mới được ghi nhận vào ngày 10/2 là một giáo viên đang công tác tại một trường học trên địa bàn TP.Bà Rịa, sinh sống tại huyện Châu Đức. Cách đây hơn 10 ngày (5/2), bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, khàn tiếng nên đã đến Bệnh viện (BV) Hòa Hảo TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra sức khỏe. Kết quả chẩn đoán và xét nghiệm của BV này xác định bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh nhân hiện đang được điều trị cách ly tại BV này, dù sức khỏe đã ổn định. Trước đó, cô giáo từng đi du lịch ở TP.Đà Nẵng trong thời gian nghỉ Tết và trở lại trường làm việc vào ngày 3/2 trong tình trạng sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, cô giáo cũng đã sử dụng khẩu trang y tế và áp dụng các biện pháp phòng bệnh trong suốt thời gian làm việc. Đến ngày 4/2, cô giáo đã xin nghỉ do có biểu hiện sốt, mệt, khàn tiếng. 

Ngay sau khi có thông tin từ phía nhà trường về trường hợp nói trên, ngành y tế đã thực hiện các biện pháp điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Trung tâm Y tế TP.Bà Rịa giám sát tại nơi công tác của bệnh nhân, theo dõi sức khỏe 5 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, dự kiến đến hết ngày hôm nay, 17/2. Đồng thời tổ chức truyền thông phòng, chống bệnh cúm A/H1N1 tại trường học và cộng đồng; khuyến cáo tiêm phòng vaccin cúm cho nhân viên tại trường và HS; thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cách ly ngay, thông báo với Trung tâm Y tế TP.Bà Rịa để có hướng dẫn. 

Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ở môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.

Đây là ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên trong năm nay đã được ngành y tế phối hợp với ngành GD-ĐT kịp thời phát hiện và áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Đến chiều 14/2, các trường hợp được theo dõi sức khỏe đều bình thường, không có dấu hiệu nghi ngờ bệnh. 

CÁCH PHÒNG, CHỐNG CÚM A/H1N1 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh cúm A/H1N1 là một bệnh cúm mùa do virus cúm A/H1N1 gây ra. Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người và dễ bùng phát thành dịch, diễn biến của bệnh đa dạng và phức tạp. Hầu hết những người nhiễm cúm A/H1N1 có thể hồi phục mà không cần đến thuốc. Tuy nhiên, bệnh có thể gây viêm phổi và bội nhiễm, nghiêm trọng có thể gây suy đa tạng và dẫn đến tử vong ở một số đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là các bệnh nhân mãn tính.

Phòng ngừa bệnh cúm A/H1N1 tương tự với cách phòng bệnh COVID-19 hay các loại bệnh cúm mùa khác. Mỗi người nên giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh như thường xuyên rửa tay với xà bông, lau chùi dọn dẹp nhà cửa. Nếu thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh, cần hạn chế hoặc tránh đến những nơi đông người, hoặc sử dụng khẩu trang y tế đúng cách, không vứt khẩu trang bừa bãi, tránh tạo điều kiện phát tán dịch bệnh.

Vaccin là biện pháp phòng cúm A/H1N1 hiệu quả nhất

Cúm A/H1N1 từng gây ra đại dịch trên thế giới vào năm 2009. Tuy nhiên, sau khi đã kiểm soát được thì đến nay cúm này giống như một loại cúm mùa, với những biểu hiện tương tự với các loại cúm mùa khác như: cúm B, cúm A H3N2. Do đó, cách kiểm soát và phòng bệnh tương tự nhau. Với người bình thường khi nhiễm cúm này, thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ho, hắt hơi. Nhưng với một số người hệ miễn dịch suy giảm, nhất là có bệnh lý nền, khi nhiễm cúm này có thể diễn tiến nặng, dẫn tới viêm phổi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh đã có vaccin phòng ngừa nên không đáng lo ngại.

(Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYT dự phòng tỉnh)

Hiện nay, bệnh cúm A/H1N1 có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vaccin cúm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các cơ sở tiêm vaccin dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Ngoài cúm A/H1N1, vaccin còn có thể giúp phòng ngừa 2 loại virus gây bệnh cúm khác là cúm A/H3N2 và cúm B. Sau khi tiêm khoảng 2 - 3 tuần, vaccin sẽ tạo kháng thể để giúp cơ thể phòng ngừa các triệu chứng virus cúm A/H1N1 gây ra. Vaccin duy trì tác dụng trong khoảng 6-12 tháng. Do đó, cần tiêm phòng hàng năm vì có thể các chủng virus sẽ biến đổi và lây truyền với tốc độ rất nhanh.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.