Ấm áp bữa cơm gia đình

Thứ Tư, 08/04/2020, 22:27 [GMT+7]
In bài này
.

Đại dịch COVID-19 mặc dù đang gây nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội, tuy nhiên ở góc độ gia đình, có vẻ như nó đang tạo ra mặt “tích cực” khi nhờ đó mà các bà vợ, ông chồng có nhiều thời gian chăm sóc cho tổ ấm của mình nhiều hơn.

Mẹ con chị Lê Thị Huế Hảo cùng nhau vui vẻ bên mâm cơm gia đình.
Mẹ con chị Lê Thị Huế Hảo cùng nhau vui vẻ bên mâm cơm gia đình.

CẢ NHÀ CÙNG VÀO BẾP

Là một giáo viên có chồng đi làm xa, 1-2 tháng mới về thăm nhà 1 lần, nhà lại có 2 con nhỏ (cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 2) nên hàng ngày công việc của chị Lê Thị Huế Hảo (888/9/5/20, đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu) khá bận rộn. Do đó, bữa ăn hàng ngày của gia đình chị phải làm sao thật “nhanh - gọn - nhẹ”. Muốn vậy, chị thường mua đồ ăn nấu sẵn hoặc chỉ nấu những món nhanh gọn, dễ làm. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Hảo nghỉ dạy, các con nghỉ học nên hầu hết thời gian 3 mẹ con đều ở nhà.

Chị Hảo tâm sự, từ khi các con nghỉ học đến nay, đặc biệt trong thời gian cách ly 15 ngày, là khoảng thời gian chị tích cực mày mò tìm cách nấu các món ngon. Mỗi ngày chị đều lên thực đơn các món sao cho vừa bảo đảm dinh dưỡng vừa hợp khẩu vị của cho cả nhà. Hôm thì chị làm món thịt nướng, khi thì thịt ba rọi lắc sả tắc, cá chiên giòn… Không chỉ có bữa chính mà mỗi tối chị Hảo đều trưng cầu ý kiến của các con để chuẩn bị nguyên liệu nấu bữa sáng. Hầu hết là các món ăn truyền thống như: bún bò, bún thang, bún sườn dọc mùng, bò bít tết, miến xào hải sản, xôi mặn… Mỗi bữa ăn chị Hảo đều chia sẻ công việc để các con cùng tham gia như: nhặt rau, dọn cơm và cùng mẹ nướng thịt, nấu canh…

Qua tìm hiểu nhiều gia đình khác, họ cũng cho biết, trước đây do điều kiện của nếp sống công nghiệp, bị cuốn trong vòng quay của công việc, học tập nên ít có thời gian để đi chợ, nấu cơm. Giờ đây, dịch COVID-19 đã khiến quán xá đóng cửa, cách ly xã hội nên thời gian ở nhà của mỗi người nhiều hơn lúc nào hết... Do đó, hàng ngày cả nhà có điều kiện sum vầy bên nhau, chồng có thời gian phụ vợ việc nhà, mẹ có thời gian dạy con làm việc nhà, dạy con nấu những món ăn đơn giản hoặc dọn cơm, lau nhà, phơi quần áo… Mâm cơm gia đình, mỗi người một việc nhưng đều có sự đóng góp công sức của mỗi người, khiến bữa cơm ấp áp, vui vẻ hơn.

Chị Nguyễn Thị Yến (lô B, chung cư 217, Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Vũng Tàu) không ngại ngần khi kể về câu chuyện bếp núc của mình. “Tôi là người khá vụng về trong việc nấu nướng. Công việc lại bận rộn nên bữa cơm hằng ngày tôi thường đặt hàng online mua đồ ăn sẵn hoặc làm các món ăn đơn giản luộc, xào, rán thông thường khiến bữa ăn trở nên nhàm chán”. Vậy nhưng khi vào “mùa dịch”, công ty yêu cầu làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, chị có nhiều thời gian để có thể học hỏi cách nấu các món ăn ngon từ trên mạng, bạn bè. Nhờ đó, chi phí mỗi bữa ăn được tiết kiệm khá nhiều, vừa cân đối dinh dưỡng mà không lãng phí. “Thay vì lo lắng, sợ hãi vì dịch bệnh, tôi đã tận dụng những ngày nghỉ “bất đắc dĩ” này để trở thành người nội trợ trong gia đình, hâm nóng tình cảm gia đình. Từ ngày chăm chỉ nấu nướng, tôi thấy chồng và các con đều vui hơn, tình cảm vợ chồng gắn kết hơn”, chị Yến nói thêm.

HẠNH PHÚC ĐƯỢC CHIA SẺ VIỆC NHÀ

Không chỉ có những bà nội trợ cảm thấy vui vẻ khi có nhiều thời gian dành cho gia đình mà các ông chồng cũng vậy. Điều dễ nhận thấy nhất là hàng ngày trên các trạng mạng như: Zalo, Facebook…, nhiều ông chồng thi nhau chia sẻ những bức hình chụp các món ăn do cả nhà cùng làm hay bữa cơm gia đình với những món ăn giản dị trong niềm hạnh phúc. Anh Nguyễn Văn Đạt, 50/5, Nơ Trang Long, phường Rạch Dừa vui vẻ cho biết, lâu nay anh quen với các bữa nhậu, một tuần chỉ được vài bữa ăn tối cùng vợ con. Bây giờ, anh có thời gian thư thái ăn những bữa cơm ngon do vợ nấu và nhâm nhi thưởng thức 1-2 lon bia  cùng với những món ăn giản dị  như cà muối, thịt kho, canh chua…cảm thấy hạnh phúc thật bình dị.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tâm lý, những bữa cơm gia đình có tác dụng rất lớn trong việc nuôi dạy con cái, giữ nếp nhà. Con cái được lớn lên từ những bữa cơm gia đình, khi trưởng thành thường sẽ biết trân trọng tình cảm gia đình và có xu hướng giữ được “nếp nhà” như vậy. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, do công việc bận rộn, không phải lúc nào các thành viên cũng có điều kiện cùng ngồi ăn cơm với nhau.

Trải qua mùa dịch này, nhiều người chia sẻ rằng họ có dịp nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống, khi dịch bệnh đã kết thúc, họ sẽ cùng với một nửa của mình thu xếp, để có thật nhiều bữa cơm đầm ấm, vui vẻ.

Bài ảnh: THỤY NHIÊN-KIM HỒNG

;
.