Trao sinh kế cho người khuyết tật

Thứ Tư, 10/06/2020, 21:41 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội (NNCĐDC và BTXH) huyện Châu Đức đã phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp người khuyết tật (NKT) và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bà Hoàng Thị Hường chăm sóc đàn gà của gia đình.
Bà Hoàng Thị Hường chăm sóc đàn gà của gia đình.
Năm 2011, ông Võ Thành Nhẫn (SN 1965) dắt díu vợ con rời quê hương Hậu Giang lên ấp Tân Bang (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) lập nghiệp. Vợ chồng ông có 3 người con. Do hoàn cảnh khó khăn, ông bà để người con đầu ở lại quê nhà với người thân và mang theo 2 con nhỏ. Ở vùng đất mới, vợ chồng ông cùng nhau đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi con ăn học và chữa trị cho người con trai tên Võ Chí Tâm (SN 1991, bị sốt bại liệt lúc 7 tuổi). Sau nhiều lần điều trị bệnh, sức khỏe anh Tâm tiến triển tốt hơn. Hiện tại, anh Tâm đã có thể phụ ba mẹ làm những công việc đơn giản, còn người con gái lớn đang học ĐH năm thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh.
Với bản tính cần cù, chịu khó, vừa làm vừa tích cóp, năm 2017, vợ chồng ông vay mượn thêm để mua 5 sào đất trồng tiêu, cam, chuối. Tháng 9/2018, gia đình ông được Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh cho vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi từ chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT. Từ khoản vốn này, ông bà mua được 4 con dê cái sinh sản. Đến nay, đàn dê phát triển lên 12 con dê mẹ, mang lại cho vợ chồng ông khoản thu nhập 15-20 triệu đồng/năm, cộng với 30-40 triệu đồng thu nhập từ trồng tiêu. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. “Nhờ nguồn vốn của Hội NNCĐDC và BTXH huyện, gia đình tôi đã có sinh kế để ổn định cuộc sống. Tôi rất mong các cấp tiếp tục đồng hành hỗ trợ vốn vay cho gia đình tôi và những hoàn cảnh khó khăn khác để phát triển sản xuất, chăn nuôi, có nguồn thu nhập ổn định, từ đó có điều kiện chăm sóc tốt hơn nữa cho NKT, NNCĐDC”, ông Nhẫn bày tỏ.
Tương tự, bà Hoàng Thị Hường (SN 1970, ở tổ 60, ấp Tân Bang, xã Quảng Thành) cũng có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình bà có 2 người con, trong đó người con trai tên Võ Văn Hùng (SN 2004) bị thiểu năng trí tuệ. Qua sự giới thiệu của Hội NNCĐDC và BTXH huyện Châu Đức, tháng 9/2018, bà Hường được vay 20 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT của Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, bà có điều kiện để mở rộng trang trại chăn nuôi gà Bình Định, nâng quy mô từ 2.000 con lên 4.000 con, mang lại nguồn thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm. “Nguồn vốn của Hội NNCĐDC và BTXH đến kịp thời, đã giúp gia đình tôi có cơ hội để mở rộng quy mô chăn nuôi, từng bước vươn lên. Hiện nay, gia đình tôi đã có tài sản nhỏ làm vốn. Vợ chồng tôi cũng yên tâm, cố gắng làm ăn để chăm lo cho các con”, bà Hường xúc động nói.
Trên địa bàn huyện Châu Đức có 1.728 người thuộc diện BTXH. Thời gian qua, Hội đã thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo đời sống NKT, NNCĐDC, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Ông Cao Bá Phước, Chủ tịch Hội NNCĐDC và BTXH huyện Châu Đức cho hay, nhằm giúp NKT và gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế theo hướng ổn định, lâu dài, Hội đã tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ vay vốn cho các gia đình hội viên phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Quảng Thành, hiện có 4 hộ gia đình NKT được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi dê, gà và cá. Các mô hình chăn nuôi này đều phát huy hiệu quả, giúp gia đình NKT tạo nguồn thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn.
“Ngoài ra, trong năm 2019, Hội NNCĐDC và BTXH huyện Châu Đức đã vận động được hơn 881 triệu đồng. Từ nguồn vận động, Hội đã trợ cấp khó khăn đột xuất 20 trường hợp; tặng 8 xe lăn cho NKT; trao 25 suất học bổng cho con em NKT và HS nghèo; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NNCĐDC và NKT...”, ông Phước thông tin thêm.
Bài, ảnh: PHI DŨNG
;
.