Những ca mổ tách song sinh dính liền ở Việt Nam

Thứ Sáu, 31/07/2020, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 32 năm (từ 1988-2020) nền y học Việt Nam đã mổ tách thành công 11 cặp song sinh dính liền. Đầu tiên là cặp Việt - Đức (1988), và gần đây nhất, ngày 15/7/2020 là cặp Diệu Nhi - Trúc Nhi.

Nguyễn Đức cùng vợ và hai con năm 2019. Hai cháu là anh chị em sinh đôi.
Nguyễn Đức cùng vợ và hai con năm 2019. Hai cháu là anh chị em sinh đôi.

Việt - Đức, ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền đầu tiên của Việt Nam được thực hiện ngày 4/10/1988. Chỉ huy trưởng ca mổ là giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, cùng 62 y, bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam và Nhật Bản.Anh em Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh năm 1981 tại Kon Tum, trong tình trạng dính liền phần bụng, chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân phụ. Hai anh em được đưa ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, chữa trị. Một năm sau họ được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) để theo dõi.

6 tuổi, Việt, người anh, bị hội chứng não cấp, hôn mê, có thể đột tử. Cặp đôi được đưa qua Nhật Bản chữa trị trong 3 tháng nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Đức có nguy cơ suy yếu và chết theo, nếu Việt qua đời. Bệnh viện Từ Dũ quyết định phẫu thuật tách rời hai anh em, cứu Đức, tìm cơ hội sống cho Việt. Cuộc đại phẫu thành công sau 15 giờ căng thẳng, tạo nên tiếng vang của ngành y học Việt Nam với thế giới, ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới.

Sau ca mổ, Việt sống đời thực vật 19 năm đến khi qua đời. Đức khỏe mạnh hơn, trưởng thành và lập gia đình.

Cặp Diệu Nhi - Trúc Nhi, vừa diễn ra hôm 15/7/2020. Hai chị em song sinh Hoàng Diệu Nhi và Hoàng Trúc Nhi, 13 tháng tuổi, ở TP.HCM, bị dính liền vùng bụng chậu phức tạp, sống cộng sinh vì chung nhiều nội tạng.

Ê kip phẫu thuật đông nhất so với 10 ca mổ trước, lên tới gần 100 y bác sĩ, hơn 13 giờ để tách rời thành công và tái tạo cơ thể khiếm khuyết cho các cháu. Các chuyên gia tiên lượng khả năng sống của cả hai bé hậu phẫu là trên 74%. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, là người dẫn dắt, phẫu thuật chính cuộc mổ này. Giáo sư Trần Đông A, 79 tuổi, tham vấn chính.

Chín cặp song sinh dính liền khác được mổ tách thành công, gồm: Ngày 17/1/2003, 50 y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và chuyên gia đến từ Mỹ thực hiện thành công ca mổ tách rời cặp song sinh Thu Cúc - Thúy An, quê Thanh Hóa. Tháng 11/2005, 2 bé gái song sinh dính liền 1/3 ngực dưới tới rốn, ở Bình Thạnh, TP.HCM, được mổ tách thành công sau 8 giờ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ngày 17/12/2008, ca phẫu thuật tách dính cho anh em Cu và Cò (chào đời ngày 2/12/2008 tại Nghệ An) được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 2010, 2 bé trai 16 ngày tuổi, quê Bến Tre, bị dính liền gan và xương ức, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công. Năm 2012, hai bé gái sinh đôi, quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng, có chung một bộ phận sinh dục, được giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc cùng ê kíp Bệnh viện Nhi Trung ươngmổ tách rời. Ngày 19/12/2012, hai bé gái song sinh dính nhau, quê Hà Tĩnh, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Viện Tim TP.HCM phẫu thuật tách rời. Ngày 26/11/2013, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tách rời hai bé Nguyễn Phi Long - Nguyễn Phi Phụng, đây là ca phẫu thuật phức tạp, bởi hai bé bị dính liền ở tim và gan.Ngày 23/8/2017 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã diễn ra cuộc phẫu thuật cho hai bé song sinh dính nhau vùng cùng cụt. Ngày 2/10/2019, ca tách dính song sinhthứ 10 tại Việt Nam được thực hiện bởi 18 bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Hai bé gáidính liền mặt trước từ ức tới bụng ngay từ khi sinh ra. Các bộ phận của hai bé như tiêu hóa, hô hấp, tim mạch đều nguyên vẹn và độc lập nhưng lại bị dính nhau phức tạp ở phần gan trái.

XUÂN NGUYỄN (Tổng hợp)

;
.