Làm sao biết nửa kia "ăn vụng"?

Thứ Bảy, 29/08/2020, 07:32 [GMT+7]
In bài này
.

“Ăn vụng” là cái quái quỷ gì mà thiên hạ bàn tán nhặng xị lên đến thế? Câu hỏi này tưởng dễ nhưng trả lời cực kỳ khó.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Ở phụ nữ, tôi không rõ thế nào, chứ với đàn ông một khi đã “chân trong chân ngoài” - phải là người gan dạ, có kinh nghiệm đầy mình. Còn những “tay mơ”, yếu bóng vía, họ chẳng dại gì “phiêu lưu” vào con đường tình ái lằng nhằng cho nhọc xác. Tuy nhiên, biết là biết vậy nhưng trước lúc ngoảnh mặt làm ngơ, dù như mèo thấy mỡ thì họ cũng phải có thể hiện gì cho đáng mặt đàn ông chứ? Có thể, họ sẽ tặc lưỡi: “Ngon lành gì! Nho hãy còn xanh”. Rồi quay về hú hí, sum vầy cùng vợ con. Cưới được một người như thế làm chồng, nghĩ ra yên tâm quá. Thế nhưng đâu phải ai cũng “ẵm” được “cục cưng” đáng yêu đến cỡ ấy.

Chị Tư của tôi là chúa ghét những ai mèo mỡ ba lăng nhăng. Thời trẻ, chị từng tuyên bố chẳng thà ở một mình còn hơn lấy phải ông chồng có sao đào hoa chiếu mệnh. Rước “cái của nợ” ấy, suốt ngày phải “canh me” dễ lên tăng xông! Cuối cùng, chị kết hôn anh T. - người mà chị luôn tấm tắc khen “đàn ông gương mẫu”. “Vậy gần đây, anh T. có tai tiếng gì suốt ngày chị thở than?”. Không riêng gì tôi, nhiều bạn bè của chị cũng đặt câu hỏi ấy, có phải chị ghen bóng ghen gió?

Nghe thế, chị cười mà rằng: “Chú còn trẻ người non dạ. Còn “nai” lắm. Chú có biết những chiêu trò quái quỷ nhằm qua mặt vợ của đàn ông là gì không?”. Tất nhiên là không. Chị nói rành rọt: “Này nhá! Trước kia, khi đi làm về, điện thoại cầm tay thường vứt lăn lóc đâu đó, nay lại đặt một nơi cố định, xa tầm mắt vợ con càng tốt. Điện thoại gọi đến, thay vì trả lời nhỏ nhẹ, bình thường, nay có lúc quát tháo ầm ầm, đại loại: “Đang ở nhà với vợ, giờ này mà nhậu gì nữa? Lắm chuyện”. Ai biết rằng, đó là “mật khẩu” quy ước giữa người chồng với “mèo”?

Tôi sặc cười: “Đa nghi quá đi mất”. Chị không thèm cãi: “Chưa hết, anh rể của chú còn có biểu hiện lạ lùng lắm cơ. Thỉnh thoảng chui tọt vào trong toilet nghe điện thoại. Có lúc nhận cuộc gọi đến lại tắt ngúm ngay tắp lự? Đi chơi chung, có nhiều lần chủ động tắt nguồn? Tại sao? Chú giải thích đi!”. Ừ nhỉ? Có phải đó là biểu hiện của sự “ăn vụng” không? Không ít bạn gái của tôi cho rằng, nghi ngờ trên có “cơ sở”, họ còn bổ sung thêm vài biểu hiện khác nữa.

Mới hôm kia, cô bạn học với bà xã tôi ghé nhà chơi. Lúc “tám” tôi mới biết cô đang đưa Thái - chồng của cô vào “tầm ngắm”, phải theo dõi gắt gao. Vì dạo này, dù bậc lương vẫn bình thường, chưa hề được công ty nâng chức cao hơn nhưng Thái lại có những thay đổi đột ngột! Cô liếng thoắng cho biết: “Ai đời, từ một người mà vợ mua gì mặc nấy, nay lại tự sắm quần áo mới toanh, chỉnh chu hơn trước. Trước đây, không hề sử dụng lăn nách, nước hoa; có lúc mang giày quên xỏ vớ, áo quần không thèm ủi cho phẳng phiu… nay đã “đổi mới” toàn diện. Nếu không phải do muốn “lấy điểm” với bồ bịch, tại sao có sự thay đổi quá hớp đến thế?”.

Nghe câu nói chắc nịch, quả quyết như đinh đóng cột, bà xã tôi tán thành lắm, tuy nhiên cũng hỏi thêm: “Chỉ có vậy cũng khó có kết luận”. Cô trả lời ngay: “À, còn thế này nữa, nói ra hai bạn đừng cười chứ gần đây, anh xã của tớ có những chuyến công tác xa nhà nhiều hơn trước. Cũng chẳng sao. Nhưng sau chuyến đi, ngay lúc về nhà với vợ con thường than nhức đầu, sổ mủi, cảm cúm… Hễ đụng đến là ảnh “né” ngay. Còn nữa, có lúc đang nằm cạnh vợ, nhưng thỉnh thoảng ảnh quay mặt vào tường len lén thở dài; hoặc thỉnh thoảng cao hứng hát vu vơ rất đỗi yêu đời. Biết tỏng ngay mà. Tâm trạng đang yêu chứ gì nữa?”. Có phải cô đa nghi như Tào Tháo; hay đó chính là biểu hiện của một người “ăn vụng”? Khó có thể “gút lại” vì chỉ mới nghe thông tin từ một phía. Vậy, đâu mới là biểu hiện rõ rệt nhất?

Trả lời câu hỏi “nghiêm trọng” này, phải là người có “kinh nghiệm đầy mình”, tôi bèn hỏi Đình nổi tiếng “đào hoa” đến khiếp. Đình cười thật to: “Có gì khó đâu, chỉ cần người vợ tinh tế một chút là nhận biết ngay thôi. Chẳng hạn, ngày chủ nhật hễ mở mắt dậy, thường là họ vác xác ra khỏi nhà, vợ hỏi đi đâu, chỉ cười hề hề cho biết đi thăm bạn bè hoặc cà phê cà pháo linh tinh. Nhưng nay đã khác. Có thể cả ngày hôm đó, họ ở rịt trong nhà, đã thế, lại siêng năng dọn dẹp nhà cửa, hỏi han các con, chăm sóc, trò chuyện thân mật với vợ”. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Chỉ có thế thôi ư?”.

Anh lại cười bổ sung thêm: “Có những lúc trở về nhà, họ không quên mua thêm vài món quà gì đó dù vợ con không hề dặn dò. Tại sao?”. Nghe anh nhấn mạnh hai tiếng “tại sao”, tôi chẳng biết trả lời ra làm sao. Anh thong thả phân tích: “Thông thường một khi đã làm điều gì khiến “lương tâm áy náy”, đàn ông tụi mình luôn có thái độ sửa sai một cách kín đáo. Đại  loại dù có lỡ lầm vụng trộm này nọ là do “hoàn cảnh khách quan”, do trời xui đất khiến chứ thật lòng vẫn thủy chung như nhất với vợ”.

Ừ, cứ cho là biểu hiện đó chính xác, nhưng đâu phải ai cũng thực hiện y chang? Thiết nghĩ, khó có thể chỉ dựa vào một vài biểu hiện bề ngoài rồi suy luận vợ / chồng đang “ăn vụng”. Vậy mà có người vội vội vàng vàng “chụp mũ” luôn. Thế mới “rách việc”. Những thói quen mà “người của mình” thay đổi đột ngột, tất nhiên phải có lý do. Nếu thắc mắc, cứ thẳng thắn đặt câu hỏi, dù chưa hài lòng với cách giải thích thì cũng chớ vội kết luận. Tóm lại, các biểu hiện nêu trên vẫn chưa nói lên điều gì cả, nếu chưa “bắt tận tay, day tận mặt”. Cách tốt nhất, nếu có nghi ngờ, cứ tự tin nhủ thầm: “Hãy đợi đấy” và  có biện pháp “phòng ngự” một cách chủ động.

LÊ MINH QUỐC

;
.