Bám địa bàn - Nuôi quân giỏi

Thứ Hai, 21/09/2020, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

Ban Kinh tài Bà Rịa - Long Khánh được thành lập năm 1961 vào thời điểm cam go nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ngay từ ngày đầu thành lập ngành Kinh tài, Thường trực Tỉnh ủy đã quán triệt cho các cơ quan, các cấp, các ngành nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành Kinh tài là “lo cơm, áo, gạo, tiền để nuôi quân đánh giặc”.

Tiếp nối truyền thống, ngành Tài chính tỉnh BR-VT đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý ngân sách. Trong ảnh: Công chức Sở Tài chính hướng dẫn người dân làm TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: HUYỀN TRANG
Tiếp nối truyền thống, ngành Tài chính tỉnh BR-VT đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý ngân sách. Trong ảnh: Công chức Sở Tài chính hướng dẫn người dân làm TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: HUYỀN TRANG

Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh thời kỳ 1960-1975 bám các chiến khu Đ, Xuyên Mộc, Bình Châu... triển khai công tác thu thuế khai thác lâm sản, cao su thuộc các khu vực rừng do cách mạng chiếm giữ và cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội tỉnh Bà Rịa - Long Khánh. Ban vừa làm nhiệm vụ vận động sức đóng góp tài chính trong nhân dân, vừa nghiên cứu đường lối và biện pháp bảo đảm cung cấp, vận chuyển tiền mặt về các khu căn cứ và chống chính sách bao vây, lũng đoạn kinh tế của địch. Do vậy, dù khó khăn ác liệt đến mấy, cán bộ chiến sĩ Ban Kinh tài vẫn bám địa bàn, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở để vận động thu tài chính, sản xuất kinh doanh… nuôi quân đánh giặc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh đổ Mỹ ngụy, giành thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo ông Văn Hồng Thanh (kế toán Kho bạc Ban Kinh tài, nguyên Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh BR-VT), ngoài bộ phận văn phòng, y tế, quân nhu... Ban Kinh tài có 5 trung đội thu thuế. Các chiến sĩ trong trung đội đều được trang bị súng B40, M79, AK để phòng ngừa trên đường đi công tác gặp địch thì phải chiến đấu.

Đầu năm 1961 khi mới thành lập, Ban Kinh tài chỉ có 3 cán bộ, 2 bảo vệ, nhưng đến năm 1975 con số này đã lên đến 200 người. Qua nhiều năm, nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của quần chúng ngành Kinh tài của tỉnh đã làm được một phần trách nhiệm to lớn của mình. Dù khó khăn ác liệt đến mấy, cán bộ chiến sĩ Kinh tài vẫn quyết bám địa bàn, vận động quần chúng, xây dựng cơ cở để vận động thu tài chính, vận động các gia đình cán bộ, chiến sĩ đồng bào ở 3 xã dọc lộ 2: Hòa Long, Long Phước, Ngãi Giao ủng hộ gạo, muối để nuôi lực lượng ta sống, chiến đấu và hoạt động trong vài năm đầu gây dựng lực lượng kháng chiến. Năm 1963, Trung ương cục miền Nam có chủ trương thu đảm phụ nông nghiệp. Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa – Long Khánh đã tổ chức một đội võ trang thu buôn chuyến trên Quốc lộ 15 (nay là Quốc lộ 51), chủ yếu là thu xe cá và cát công nghiệp; tổ chức cán bộ mật thu tài chính ở chợ Long Điền và chợ Bà Rịa… Vận dụng phương châm “thu được tài chính phải đi đôi với thu được nhân tâm” nên các cán bộ, chiến sĩ Kinh tài lấy công tác dân vận làm nền tảng để vận động quần chúng ủng hộ đóng góp nuôi quân đánh giặc”.

Sản xuất tự túc của các cơ quan tỉnh, huyện từ năm 1969 đến năm 1971 gặp không ít khó khăn, địch phản kích, phá hoại rất dữ các rẫy của ta bằng cách bắn rốc két, thả bom napan… Địch phá, ta lại trồng. Từ năm 1972 trở đi tỉnh chỉ đạo “đặt nhiệm vụ sản xuất lương thực ngang bằng với chiến đấu”, ta phải chủ động có lương thực tại chỗ. Lúc này đi sản xuất phải mang theo súng, phải đắp ụ chiến đấu tại rẫy, ruộng, kiên quyết bắn máy bay địch bắn phá thả bom trên các thửa ruộng. Đầu năm 1975, rút kinh nghiệm lần chuẩn bị vật chất cho chiến trường trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, lần này công tác hậu cần được chuẩn bị tốt hơn, chu đáo hơn cho chiến dịch giải phóng tỉnh. Đặc biệt, theo yêu cầu của Ban Kinh tài khu, tỉnh đã nhường cho khu toàn bộ nguồn thu đảm phụ nông nghiệp và mua lúa cho huyện Long Khánh vụ mùa cuối năm 1974…

Kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, tiếp nối truyền thống, ngành Tài chính BR-VT từng bước trưởng thành, không ngừng phát triển lớn mạnh theo tiến trình “công nghiệp hoá, hiện đại hóa” đất nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

MINH LONG

;
.