Lừa tiền tỷ bằng thủ thuật "đáo hạn ngân hàng"

Thứ Năm, 10/09/2020, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Có tiền nhàn rỗi, nhẹ dạ cả tin và ham lãi suất cao…, nhiều người đã rơi vào bẫy “cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng”. Khi con nợ bỏ trốn hay chây ì không trả nợ, họ đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản.  

Với chiêu thức “vay tiền để đáo hạn ngân hàng” nhiều người dân đã bị lừa chiếm đoạt hàng tỷ đồng.  Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Vũng Tàu. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Với chiêu thức “vay tiền để đáo hạn ngân hàng” nhiều người dân đã bị lừa chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Vũng Tàu. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

THỦ ĐOẠN TINH VI

Ông Lê Thanh Thao (khu phố 4, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) là chủ DN tư nhân TM-DV-XD-SX Toàn Thắng ở xã Hắc Dịch. Thời gian qua, do làm ăn thua lỗ, nợ nần tiền bạc nhiều người, ông Thao đã chủ động tiếp cận bà N.T.H. (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) đề nghị được vay tiền với lãi suất 5%/tháng và cho biết mục đích sử dụng nhằm đáo hạn ngân hàng và thực hiện dự án trồng, khai thác rừng tại Campuchia.

Để tạo sự tin tưởng, Lê Thanh Thao đưa cho bà H. xem nhiều giấy tờ đất đai mà Thao và người nhà đang quản lý. Tin lời từ tháng 3 đến tháng 10/2010, bà H. đã cho ông Thao vay tiền, vàng, đô la tổng cộng 10 lần với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Sau khi được bà H. cho vay tiền, Thao không trả tiền gốc và lãi như đã hứa hẹn mà sử dụng toàn bộ vào việc cá nhân, rồi bỏ trốn. Nhận thấy mình bị lừa, bà H. đã tố cáo Thao ra cơ quan công an để xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2010 đến nay, Thao bỏ trốn khỏi địa phương. Và gia đình Thao chưa hề bồi hoàn cho bà H. bất cứ số tiền nào, khiến bà điêu đứng vì số tiền tiết kiệm, vốn liếng dành dụm bao năm qua của gia đình bị chiếm đoạt. Hiện, vụ việc đang được TAND tỉnh thụ lý giải quyết.

“Cứ nghĩ cho vay để lấy lời chút đỉnh, không ngờ bị lừa trắng tay như thế này. Tôi mong cơ quan pháp luật xử đúng người đúng tội để trả lại tài sản cho gia đình chúng tôi”, bà N.T.H. bày tỏ.

Tương tự, bà Phạm Thị Ngọc Tuyền (TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) cũng cho người quen là bà Cao Thị Hồng Hiếu (cùng trú TT. Phước Bửu) vay để đầu tư làm ăn và đáo hạn ngân hàng với lãi suất 3%/tháng.

Lần đầu, bà Hiếu vay của bà Tuyền số tiền là 300 triệu đồng và trả lãi đầy đủ, nhanh chóng. Sau đó, bà Hiếu cứ mượn rồi trả, nên bà Tuyền rất tin tưởng… Nhận thấy “con mồi” đã rơi vào “bẫy”, bà Hiếu “mạnh tay” vay của bà Tuyền số tiền lên tới 2,8 tỷ đồng. Sau khi vay được số tiền lớn, bà Hiếu viện dẫn đủ lý do để khất lần việc trả tiền cho bà Tuyền cả gốc lẫn lãi, khiến cho gia đình bà Tuyền mệt mỏi vì việc đòi nợ gặp khó.

Những vụ việc trên không phải là hiếm tại BR-VT. Trước đó, cũng với chiêu “vay tiền để đáo hạn ngân hàng”, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiền tỷ, đã được cơ quan chức năng xử lý. Điển hình như vụ bà Lê Trần Vy (phường 7, TP.Vũng Tàu), cũng với chiêu lừa đáo hạn ngân hàng đã chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỷ đồng của các nạn nhân. Cụ thể, từ năm 2009 đến tháng 11/2013, lợi dụng sự quen biết và tự xưng quen thân với nhiều cán bộ của UBND TP. Vũng Tàu, Lê Trần Vy đã vay mượn tiền của 8 người để đáo hạn ngân hàng và xin việc làm nhưng không thực hiện như đã cam kết để chiếm đoạt số tiền trên.

Như vậy, có thể thấy, cạm bẫy cho vay tiền đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, dù được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”, đến khi nhận ra thì mọi việc đã quá muộn. Không chỉ mất tiền bạc, mà còn phải mất nhiều thời gian và công sức đi lại kiện tụng để đòi lại tài sản.

Để lừa bà H. bằng chiêu vay tiền để đáo hạn ngân hàng, ông Lê Thanh Thao đã sử dụng sổ đỏ của một số người nhờ Thao đứng ra vay vốn ngân hàng giúp để bà H. tin và cho vay.
Để lừa bà H. bằng chiêu vay tiền để đáo hạn ngân hàng, ông Lê Thanh Thao đã sử dụng sổ đỏ của một số người nhờ Thao đứng ra vay vốn ngân hàng giúp để bà H. tin và cho vay.

CẦN THẬN TRỌNG

Kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng! Vì thế, trước những lời đề nghị hấp dẫn, mỗi người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo để tránh sập bẫy. Theo cơ quan điều tra, loại tội phạm này không nhiều so với các loại tội phạm khác, song hệ lụy gây ra lại nặng nề, bởi số tiền trong từng vụ án thường rất lớn, thời gian vụ việc kéo dài. Nhiều trường hợp bỏ trốn phải truy nã trong nhiều năm. Đơn cử như vụ ông Lê Thanh Thao, vụ việc đã xảy ra 10 năm nhưng đến thời điểm này vụ án vẫn chưa khép lại do đối tượng bỏ trốn trong thời gian dài. Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh trúng vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người từ việc được trả lãi suất cao, hoặc thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc dựa trên mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tài sản.

Theo Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh),  chiêu “vay tiền để đáo hạn ngân hàng” không mới, nhưng chiêu trò đã đánh trúng tâm lý của những người muốn kiếm tiền nhanh, khiến cho tình trạng lừa đảo bằng chiêu thức này vẫn còn diễn ra. Hiện nay, phương thức phạm tội của những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “vay đáo nợ ngân hàng” rất tinh vi. Cụ thể như khi vay tiền các đối tượng thường đem theo số tiền mặt trả tiền lãi trước cho các nạn nhân. Ngoài ra, để tạo niềm tin, một số đối tượng đã dựng lên màn kịch quen biết nhiều cán bộ ngân hàng.

Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) 
quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cụ thể, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phạm tội thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.

Luật sư Thịnh Đình Quang cho rằng, nhằm giúp cho người dân tránh rơi vào bẫy “cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng”, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy mức độ nguy hiểm của việc đứng ra cho vay đáo hạn ngân hàng. Đồng thời, có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. 

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.