Viết email cũng cần "nghệ thuật"

Thứ Sáu, 13/11/2020, 20:01 [GMT+7]
In bài này
.

Thư tay (truyền thống) đã thống trị trong một thời gian rất dài để rồi sau đó phải nhường chỗ cho thư điện tử (email). Mặc dù thư tay vẫn còn sử dụng nhưng đã giảm đi rất nhiều. Việc viết một bức thư gửi cho bạn bè, người thân hầu như đã lạc hậu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kể cả người già cũng đang mê mẩn với việc viết thư điện tử vì đối với họ, việc làm quen với công nghệ thông tin thật sự là điều thú vị vô cùng. Cũng phải thôi, thời đại công nghệ máy móc lên ngôi, nếu cứ giậm chân tại chỗ sẽ tụt hậu, kém phát triển. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà một số người, nhất là ở bạn trẻ lại không viết nổi một lá thư cho có nghệ thuật, khi trình bày trên email.

Ở giai đoạn chuyển tiếp, lúc thư tay thoái trào, email soán ngôi, những người trẻ chỉ biết những cánh thư truyền thống từ ông bà, cha mẹ chứ chưa hề viết thư tay gửi cho ai đó. Dù đã từng học việc viết thư thông qua môn ngữ văn (tập làm văn) nhưng đối với những bạn chuyên ban A hoặc phai nhạt với văn học thì để khơi gợi về ký ức là một điều vô cùng khó khăn. Vì vậy khi viết email, họ lại không biết cách trình bày, văn phòng sao cho nhã nhặn, dù chỉ là lối viết đơn giản nhất. Là giáo viên dạy môn tin học ở bậc phổ thông, không ít lần tôi phải cười ra nước mắt vì cách các em gửi thư cho tôi.

Bỗng dưng một ngày đẹp trời, email của tôi xuất hiện một địa chỉ email lạ huơ lạ hoắc. Biết rằng đó là học trò của mình nhưng tôi thực sự thất vọng là các em chẳng biết giới thiệu mình là ai, học lớp nào, chỉ có đính kèm tập tin, vậy là xong. Tôi buộc phải hồi âm lại hỏi xem tác giả bức thư đó. Có em đem cả nội dung lên phần tiêu đề (subject) dài thậm thượt, mà lại không viết bằng font chữ chuẩn là “Times New Roman”, bảng mã Unicode có dấu nên thành ra tôi chẳng hiểu em viết cái gì. Lại có bạn dùng email có tên rất kiêu kỳ, lê thê như “Cobethichanche…”, “changtrainghiemtuc…”, rồi ở phần nội dung thì lúc viết tiếng Anh như “Hi, thanks, sorry,...”, lúc thì Việt hóa, thành ra tôi rối tung lên. Công việc của một giáo viên tin học đã phải mệt nhoài khi suốt ngày vật lộn với các phần mềm, bài tập, dán mắt suốt vào màn hình máy tính, giờ lại thêm đau đầu vì chuyện gửi thư kiểu lười, cẩu thả của các em. Có nhiều em vì lười làm bài tập, đã nhờ bạn gửi bài chỉ giúp rồi sau đó chuyển tiếp (forward) bài của bạn mình qua cho tôi. Tất nhiên tôi phát hiện ra điều đó. Ngay sau đó tôi lại lên tiếng nhắc nhở và yêu cầu làm lại bài tập hoàn chỉnh.

Thực sự tôi không phải khó tính hay bắt bẻ người khác, nhưng với thái độ gửi thư như thế thì theo thiển ý của tôi, người nhận chẳng vui vẻ tí nào. Đã gọi là một bức thư thì cần phải hoàn chỉnh, dù đó là thư tay hay thư điện tử. Bởi, ngoài việc đánh giá mức độ học tập của một học sinh thì giáo viên còn nhận xét thái độ, phong cách giao tiếp của em đó. Thử tưởng tượng, nếu các em viết thư cho giáo viên mà chỉ cộc lốc vài dòng, không chào hỏi, cũng không dùng danh xưng em -thầy (hoặc cô) mà chỉ ghi chung chung thì liệu có chấp nhận được? Điều đó tác động không nhỏ đến đến sống thời này ở xã hội thật - đó là thói quen. Với cách giao tiếp trên mạng như thế, có thể ngoài đời, các em sẽ kém ngoan khi có thái độ không cung kính trước ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi hoặc thầy cô giáo. Đúng là không có một nghiên cứu khoa học nào nói lên con số % ảnh hưởng hành vi nhưng đã nhiều lần tôi chiêm nghiệm, nếu những em viết thư email cẩu thả thì hầu như ngoài đời rất ít chào hỏi giáo viên mà khi thấy chỉ nhìn rồi bỏ đi.

Một điều nữa, việc viết thư điện tử cộc lốc, cụt ngủn cũng phản ánh đến cách học ngữ văn của các em. Chắc chắn là môn văn có điểm số không khả quan gì. Bởi viết thư là phạm trù văn học theo dạng văn bản. Dù email đòi hỏi ngắn gọn nhưng cũng cần có kết cấu hoàn chỉnh ở phần mở bài (chào hỏi), thân bài (lý do gửi thư) và kết bài (chào tạm biệt và chúc một câu cho người nhận vui vẻ).

Như đã nói, cách viết email cẩu thả sẽ tạo thói quen không tốt trong việc học tập và có thể ảnh hưởng đến công việc trong tương lai của các em. Một khi đã có thói quen này các em rất khó mà làm hài lòng nhà tuyển dụng nếu xin việc và gửi hồ sơ qua email. Họ sẽ đắn đo khi duyệt hồ sơ, dù thành tích học tập ở đại học của các em có khá, giỏi và có những tín chỉ ngoại ngữ, tin học đi kèm. Bởi khi những nhân viên tương lai của mình có tính cẩu thả, lười, kém nhã nhặn khi ngay cả một bức thư điện tử lịch sử viết cũng không ổn thì sẽ ảnh hưởng đến cả chiều hướng phát triển của công ty.

Vì vậy các bạn trẻ, nhất là học sinh nên chịu khó viết một bức thư điện tử hoàn chỉnh, có cả nhan đề đàng hoàng, dù chậm một tí (không đáng là bao) nhưng đó là thói quen, tạo cái nhìn thiện cảm đối với người nhận thư. Đây cũng là cách giúp các bạn trẻ rèn tính từ tốn, cẩn thận trước mọi việc. Viết email cũng cần có nghệ thuật và người viết thư phải là một nghệ sĩ thổi hồn nhã nhặn vào trong bức thư đó.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

;
.