TRÙNG TU DI TÍCH ĐỊA ĐẠO LONG PHƯỚC

Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử

Thứ Sáu, 25/12/2020, 17:41 [GMT+7]
In bài này
.

Khu di tích Địa đạo Long Phước (TP.Bà Rịa) hiện đang được tu bổ, tôn tạo lại những điểm địa đạo xuống cấp. Cùng với đó, khu di tích còn được phục dựng lại những giá trị vật thể lịch sử, để phục vụ khách tham quan có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về những ngôi nhà trong làng kháng chiến thời bấy giờ. 

Nhà truyền thống đã được xây dựng gần xong phần thô (ảnh chụp chiều 9/12).
Nhà truyền thống đã được xây dựng gần xong phần thô (ảnh chụp chiều 9/12).

Dự án công trình tu bổ, tôn tạo Địa đạo Long Phước do Ban Quản lý dự án TP.Bà Rịa làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 7/2019. Tổng diện tích trùng tu, tôn tạo di tích này là 55,5ha với tổng mức đầu tư dự án hơn 105 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng. Công trình nhằm chống xuống cấp cho địa đạo hiện hữu; bảo tồn, tái hiện, phát triển các giá trị văn hóa lịch sử suốt hai cuộc kháng chiến của quân và dân Long Phước.

Vào buổi chiều cuối năm, chúng tôi có mặt tại công trường thi công dự án tu bổ, tôn tạo Địa đạo Long Phước. Ông Võ Thành Đức, cán bộ Phòng VH-TT TP.Bà Rịa dẫn chúng tôi đi xem tuyến địa đạo tham quan bị xuống cấp đang được sửa chữa, tu bổ. Đoạn địa đạo có chiều dài 260m bị sập hoàn toàn đang được gia cố bằng móng, cột, sàn bê tông cốt thép, tường xây gạch, bên trong trát đất sét theo nguyên trạng. Đoạn địa đạo có chiều dài 98m bị hư hỏng, rễ cây đâm xuyên qua gây úng nước đang được tôn tạo nguyên trạng bằng phương pháp hút hết nước trong lòng địa đạo, trát xi măng và đắp đất sét để gia cố chắc chắn. Đoạn địa đạo còn lại vẫn còn lưu thông cũng sẽ được gia cố thành hầm bằng xi măng, đắp đất sét để thêm phần chắc chắn.

Bên cạnh việc tu bổ các tuyến địa đạo tham quan, khu di tích còn được xây mới phục dựng lại 4 ngôi nhà chữ Đinh, để phục vụ khách tham quan có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về những ngôi nhà trong làng kháng chiến thời bấy giờ. Mỗi ngôi nhà có diện tích 130m2, gồm có 2 không gian chính là nhà trên (phòng khách, nơi thờ, phòng ngủ) và nhà dưới (bếp, phòng ăn, nghỉ ngơi).

Trong số 4 nhà Đinh có 2 nhà chứa lối vào hầm địa đạo dài 31,5m. Lối vào này nằm bên dưới giường ngủ, có nắp đậy ẩn dưới lớp sàn lót. Tại nơi đây, để tránh sự phát hiện, càn quét của địch, các cán bộ, chiến sĩ thời kỳ kháng chiến sẽ từ đây chui xuống và men theo đường hầm dưới lòng đất để về căn cứ hầm địa đạo chính.

Ông Võ Thành Đức cho biết thêm, hiện nay, ở xã Long Phước chỉ còn lại một số ít nhà Đinh thời kỳ cách mạng nằm rải rác trong dân, nhưng theo thời gian tất cả đều thay đổi khá nhiều, không còn giữ được nguyên mẫu trước đây. Chính vì vậy, việc phục dựng nhà Đinh lần này đặc biệt chú trọng, bám sát từng chi tiết của nguyên mẫu nhà Đinh thời kỳ kháng chiến. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền chắc, thay vì làm bằng vật liệu gỗ theo nguyên bản, ngôi nhà sẽ được thay thế bằng gạch, xi măng và sơn giả gỗ.

Bên cạnh nhà chữ Đinh, trong khuôn viên công trình trùng tu còn có nhà truyền thống 3 tầng, diện tích xây dựng 715m2 theo phong cách kiểu dáng đình chùa, mái ngói cong, tường ốp gạch. Kiến trúc của ngôi nhà gồm: 1 tầng hầm và 2 tầng lầu; trong đó tầng hầm và tầng 1 dùng để trưng bày hiện vật; tầng 2 có 1 phòng đọc, 2 phòng chiếu phim và 1 phòng kỹ thuật. Kế đó là trụ sở làm việc của ban quản lý khu di tích với chiều cao 1 tầng, diện tích 109m2. Cả hai công trình đều đã được thi công xong phần thô và bước vào giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ đường nội bộ, hệ thống cây xanh, công trình vệ sinh…

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Bà Rịa cho biết, các công trình hạ tầng kỹ thuật tận dụng địa hình tự nhiên, chỉ san cục bộ tại những vị trí xây dựng kiến trúc. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2022. Khi đó, khu di tích này sẽ có diện mạo mới, nâng tầm cả về quy mô và chất lượng, trở thành điểm tham quan tưởng niệm, du lịch về nguồn hấp dẫn, nhất là đối với các bạn trẻ.

Địa đạo Long Phước được bắt đầu đào từ năm 1948 và phát triển trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, với tổng chiều dài 3.600m, chạy qua 5 ấp trong xã. Địa đạo được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 09/1/1990. Khi phục chế chỉ tôn tạo 1.200m địa đạo ở ấp Bắc, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất. Trung bình mỗi năm Địa đạo Long Phước đón khoảng 200-300 đoàn khách, với tổng số từ 10.000-15.000 lượt người/năm, trong đó khoảng 40% là khách nước ngoài. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.