Là một người mẹ, khi đọc bài “Nhân viên nhà bếp dùng dép tát vào mặt trẻ” đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 15-3, tôi rất bức xúc trước hành vi mang tính bạo lực của bà Nguyễn Thị Mơ đối với cháu Nguyễn Trần Gia Bảo tại trường Mầm non tư thục Tuổi Hồng (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành). Tôi thấy lạ vì bà Mơ đã ở vào cái tuổi “ông, bà”, mà không kiềm chế được cơn nóng giận nhất thời, dẫn đến có hành vi bạo lực với đứa trẻ mới 4 tuổi.
Theo lời cô Phạm Thị Hồng Ngọc, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Tuổi Hồng, bà Mơ là nhân viên phục vụ bếp, nhưng lại tự ý vào lớp đút cho trẻ ăn. Điều này thể hiện sự lỏng lẻo về tổ chức, kỷ luật, sự dễ dãi của lãnh đạo nhà trường trong công tác chuyên môn. Hành vi của bà Mơ tuy chỉ mang tính cá biệt, nhưng là dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng mất an toàn với trẻ ở các nhóm trẻ tư thục hiện nay.
Do điều kiện khó khăn, do thiếu trường lớp, nhiều gia đình buộc phải gửi trẻ vào trường tư thục dù biết chất lượng nuôi dạy trẻ ở đó không bằng các trường công lập. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta chấp nhận sự tồn tại của các trường tư thục kém chất lượng như quy luật “tiền nào của nấy”.
Qua chuyện không vui xảy ra ở trường Mầm non tư thục Tuổi Hồng, đề nghị ngành giáo dục có biện pháp quản lý, giám sát chặt hơn, nhằm ngăn chặn những hành vi bạo lực đối với trẻ em ở các trường mầm non tư thục. Có như vậy, các bậc cha mẹ mới yên tâm gửi con mình vào bất cứ trường học nào trong hệ thống giáo dục. Việc này cũng nhằm tạo điều kiện cho hệ thống trường tư phát triển, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
SONG AN