.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử

Cập nhật: 17:02, 01/05/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Điện Biên Phủ là nơi thể hiện bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thiên tài quân sự, một vị tướng huyền thoại - người đã đưa ra những quyết định lịch sử trong giờ phút cân não trên chiến trường.

Các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công ngày 13/5/1954. Ảnh tư liệu
Các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công ngày 13/5/1954. Ảnh tư liệu

Cuộc đấu trí căng thẳng

Cùng với tập thể Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy mặt trận, sự đóng góp công sức xương máu của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và của toàn dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có vai trò rất lớn trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cuộc đấu trí giữa Bộ Tổng tư lệnh, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng chỉ huy Pháp, đứng đầu là Đại tướng Nava, sau khi diễn ra sự kiện quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, là cuộc bài binh, bố trận cực kỳ khẩn trương và không cho phép tính toán sai lầm.

Ngày 5/12/1953, khi biết Tướng Nava quyết định chuyển các đơn vị nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, Đại tướng phân tích và kết luận: với việc chuyển lực lượng từ cuộc hành binh làm nhiệm vụ cơ động sang thành lực lượng tác chiến ở địa bàn Tây Bắc, Bộ chỉ huy Pháp đã quyết định chốt giữ ở Điện Biên Phủ. Vì thế, cần hướng vào việc quân Pháp tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị.

Ngày 6/12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị quyết tâm mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Đại tướng xác định: Điện Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, vì thế, việc chuẩn bị cho cuộc tiến công sẽ có nhiều khó khăn, cần khẩn trương tập trung lực lượng, khắc phục mọi khó khăn trong công tác chuẩn bị thì thắng lợi giành được sẽ là một thắng lợi rất lớn.

Sau khi nghe báo cáo cụ thể về quân số tham gia chiến dịch, về việc huy động lực lượng dân công, về thời gian tác chiến dự kiến; về đảm bảo hậu cần, đặc biệt là công tác làm đường, mở, sửa các con đường lên Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Đánh chắc, tiến chắc

Trong báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ ngày 6/12/1953 của Tổng Quân ủy, Đại tướng xác định thời gian tác chiến dự kiến là 45 ngày, nhưng có thể rút ngắn hơn nếu tình hình chiến dịch diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, căn cứ vào sự chuẩn bị mọi mặt của ta và tổ chức phòng ngự ban đầu của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch, có sự góp ý của cố vấn quân sự Trung Quốc, đã quyết định thời gian tác chiến chiến dịch chỉ kéo dài trong 2 ngày 3 đêm theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Thời điểm dự kiến mở chiến dịch là chiều ngày 20/1/1954.

Thời gian nổ súng mở màn ngày càng đến gần. Đại tướng đôn đốc, theo dõi sát tình hình tăng cường bố phòng công sự, trận địa và lực lượng của quân Pháp, nhất là ở cụm cao điểm phía Đông; sự chuẩn bị của các đơn vị chủ lực ta, đặc biệt là pháo binh, thấy nổi lên 4 khó khăn lớn cần phải giải quyết.

Với trách nhiệm của người chỉ huy cao nhất trước Đảng, trước nhân dân và trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận; trước một trận đánh quyết định mà phần lớn lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội tham gia, sau khi trao đổi với Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, bàn bạc trong không khí căng thẳng trong cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận sáng sớm ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”, lệnh cho các đơn vị đang áp sát trận địa tiến công rút ra để chuẩn bị thêm, bảo đảm đánh chắc thắng.

Đây là một quyết định rất khó khăn, đồng thời là một quyết định phi thường mang tính lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định này đã đưa Đại tướng trở thành một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất không những của Việt Nam mà của cả thế giới.

Sáng tạo, linh hoạt để giành thắng lợi

Với kinh nghiệm chỉ huy dày dạn, đức tính tỉ mỉ, chu đáo, thận trọng, thường quan tâm đến những ý kiến trái chiều, sâu sát từng đơn vị, nắm được sở trường, sở đoản của từng cán bộ chỉ huy dưới quyền, Đại tướng đã cùng Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy Mặt trận chỉ đạo, chỉ huy xây dựng kế hoạch tác chiến và thực hành chiến đấu cho từng hướng, từng mũi, cho các trận đánh quan trọng… Đồng thời làm công tác chính trị tư tưởng, động viên tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trong những lúc khó khăn gian khổ ác liệt, thương vong lớn.

Sự bao quát, tác phong sâu sát, tỉ mỉ nắm chắc đến từng cân gạo, từng viên đạn pháo, từng cơ số thuốc quân y, đến diễn biến tư tưởng, tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ đã giúp cho Đại tướng có được cái nhìn thực tế diễn biến chiến dịch. Qua đó có những nhận định, chủ trương, mệnh lệnh phù hợp đối với từng trận đánh, từng tình huống chiến dịch cụ thể để giành thắng lợi cuối cùng.

NGUYÊN CHƯƠNG

(Tổng hợp)

.
.
.