.

Hơn 1,5 triệu đại biểu dự hội nghị quán triệt 2 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị

Cập nhật: 20:35, 18/05/2025 (GMT+7)

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Yến; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ và hơn 6.900 cán bộ, đảng viên tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Yến; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ và hơn 6.900 cán bộ, đảng viên tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, với hơn 1,5 triệu đại biểu.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Thủ tướng cho biết, đến nay, nước ta có gần 1 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra, gồm: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối DN; phát triển DN tư nhân lớn; hỗ trợ DN tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW và kế hoạch thực hiện. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đến thời điểm này, 4 nghị quyết: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật là “bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh.

Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt.

Tổng Bí thư đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025-2030). Riêng năm 2025 có 8 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Trong đó, phải nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết nói trên; khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW; khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết.

Tin, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.