Mã vạch vẫn xa lạ với sản phẩm nông nghiệp

Thứ Hai, 01/08/2022, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Với việc sử dụng mã vạch trong quản lý sản xuất, người tiêu dùng có thể biết rõ thông tin về xuất xứ, chất lượng nông sản chỉ bằng một thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh. Dù mang đến nhiều lợi ích lâu dài, nhưng phương pháp quản lý tiên tiến này vẫn còn khá lạ lẫm với ngành nông nghiệp BR-VT.

Sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Một thành viên Kizuna đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc.
Sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Một thành viên Kizuna đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc.

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Công ty TNHH Một thành viên Kizuna (xã Kim Long, huyện Châu Đức) có 18ha trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu. Mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 800 tấn chuối sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Mặc dù mới hoạt động được hơn 3 năm, nhưng Kizuna đã đạt chứng nhận VietGAP và các chứng nhận chuẩn theo yêu cầu của đối tác xuất khẩu từ khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản... Các quy trình này được thể hiện trong mã vạch in trên mỗi thùng sản phẩm.

Ông Võ Đình Vũ, cán bộ phụ trách xuất khẩu Công ty Kizuna cho biết, tất cả các thông số về nơi trồng, quá trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm đều được thể hiện thông qua mã QR trên bao bì sản phẩm. “Việc công khai, minh bạch tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc sản phẩm đã tạo niềm tin cho khách hàng. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn, tiến tới phát triển các thị trường khó tính hơn...”, ông Vũ chia sẻ.

Năm 2019, ông Lý Trung Vân (thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chuyển hướng từ chăn nuôi gà thông thường sang nuôi giống gà ri Lạc Thủy-Hòa Bình. Đây là giống gà mới, thuần chủng, chất lượng thịt vượt trội. Ngoài ra, giống gà này chống chọi với thời tiết tốt, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại, gia trại.

Để tạo uy tín cho sản phẩm, ông Vân đầu tư gắn thẻ cho gà từ khi nhập giống. Trên mỗi thẻ đều in mã vạch truy xuất nguồn gốc. Qua đó, có thể theo dõi nhật ký điện tử về quá trình nuôi, thời gian nhập đàn, thời gian xuất bán cũng như quy trình chăm sóc của con gà. Hệ thống này được ông Vân quản lý qua điện thoại.

“Gà nuôi theo quy trình an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Chúng tôi gắn thẻ truy xuất nguồn gốc cho từng con gà. Thẻ ghi lại quá trình nuôi và chăm sóc để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất thông tin”, ông Vân cho biết.

Không chỉ xuất bán gà cho các thương lái, ông Vân còn liên kết với điểm giết mổ an toàn, sau đó đóng gói sản phẩm và bán tại cửa hàng do ông quản lý theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh có 4 vùng trồng đã được Cục trồng trọt - Bộ NN-PTNT cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, bao gồm: vùng trồng nhãn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu với diện tích 7,5ha; sản phẩm nhãn của ông Nguyễn Quang Hiếu, diện tích 14ha và nhãn của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm, diện tích 20ha (tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc); sản phẩm chuối của vườn cây ăn quả Tân Lâm - Công ty CPNN Hòa Lâm, diện tích 240ha (tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc).

 

Phát triển nông nghiệp trên nền tảng số

Việc xây dựng mã số vùng trồng và mã vạch truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng; vật nuôi; quản lý được diện tích trồng, số lượng vật nuôi; đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Về lâu dài, sẽ mang lại nhiều ích lợi cho nông dân.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng cũng như xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất… Tuy nhiên, đây là một trong những rào cản khiến việc ứng dụng phương thức quản lý này chưa được nông dân tham gia sâu rộng. Do đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng vẫn chỉ trong một số khâu cơ bản thu thập dữ liệu đầu vào như: thổ nhưỡng, chất đất, nguồn nước, giống, theo dõi dịch bệnh và hệ thống cảm biến trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

“Ngành nông nghiệp đang tập trung xây dựng thông tin quản lý ngành trên nền tảng số từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây dựng cấp mã vùng trồng, từ đó xác định được đối tượng và xây dựng nền tảng số trên các ứng dụng. Tiếp đó, ngành xây dựng các bước truyền thông để người dân hiểu và nắm bắt được các kỹ thuật mới, phương pháp canh tác mới và cách liên doanh, liên kết, có như vậy mới thúc đẩy sản xuất lâu dài, bền vững và tăng thu nhập cho người dân”, ông Cường thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.