VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO - 30 NĂM BẢO TỒN RỪNG, BIỂN

Kỳ 2: Nỗ lực giữ đa dạng sinh học

Thứ Tư, 26/04/2023, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Chưa có nơi nào trên cả nước bảo vệ nguyên vẹn rừng biển như Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ). Các số liệu về cấu trúc rừng, các chỉ tiêu về đa dạng hệ sinh học chứng minh tài nguyên rừng biển tự nhiên của Côn Đảo hầu như chưa bị tác động và duy trì đặc trưng của rừng nhiệt đới hải đảo.

Sân chim trên Hòn Trứng.
Sân chim trên Hòn Trứng.

Hình mẫu chuẩn sinh thái rừng biển

VQGCĐ nằm trọn trên địa giới hành chính huyện Côn Đảo, có tổng diện tích gần 20.000 ha, trong đó hợp phần bảo tồn rừng gần 6.000 ha, hợp phần bảo tồn biển 14.000 ha và vùng đệm biển 20.500 ha. Các chuyên gia khoa học, tổ chức quốc tế uy tín ca ngợi và đánh giá cao đa dạng sinh học của VQGCĐ.

Đa dạng sinh học tại VQGCĐ trước hết phải kể đến rừng với 2 kiểu rừng chính: rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới, với 4 hệ sinh thái rừng trên núi thấp, rừng trên đồi cát và bãi cát ven biển, rừng ngập mặn và rừng ngập phèn. Thành phần các thực vật rừng ghi nhận ở VQGCĐ có 1.077 loài thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch. Một số loài được xếp vào danh mục quý hiếm như: lát hoa, găng néo, thiên tuế, tắc kè đá…

Bên cạnh đó, kết quả điều tra, nghiên cứu về động vật có xương sống trên cạn cũng ghi nhận VQGCĐ có 155 loài thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Đáng chú ý là các loài động vật đặc hữu như: khỉ đuôi dài Côn Đảo, sóc đen Côn Sơn, thằn lằn giun, thằn lằn ngươi tròn và rắn khiếm Côn Đảo, bồ câu Nicoba, chim điên bụng trắng và gầm ghì trắng.

Thảm thực vật và độ che phủ rừng Côn Đảo chiếm trên 80% tổng diện tích tự nhiên, là lá chắn tốt nhất để phòng hộ, bảo vệ môi trường. Côn Đảo nằm giữa biển khơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió, áp thấp nhiệt đới, bão, vì vậy rừng đóng vai trò quan trọng chắn gió, cát bay, bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của giới khoa học, lượng nước ngầm và nước mặt Côn Đảo được duy trì, điều tiết, điều hòa hàng năm bởi thảm thực vật rừng. Địa hình Côn Đảo độ dốc lớn, lớp đất mặt cạn, rừng Côn Đảo tạo thành lớp phủ hữu hiệu chống lại xói mòn, rửa trôi, lắng đọng và bồi lấp.

Vùng biển Côn Đảo có tính đa dạng cao về phương diện hệ sinh thái với sự tồn tại của nhiều sinh cảnh như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi triều cát, rạn đá vùng triều và dưới triều, đáy mềm dưới triều.

Có thể nói, VQGCĐ sở hữu rừng “vàng” và biển “bạc”, là hình mẫu chuẩn sinh thái rừng của quốc gia đại diện cho vùng sinh thái biển đảo phía Đông Nam Tổ quốc.

Phục hồi san hô năm 2019.
Phục hồi san hô năm 2019.

Tâm sức con người

Rạn san hô và thảm cỏ biển là sinh cư chủ đạo cho các loài sinh vật trú ngụ, kiếm ăn. Biến đổi khí hậu và các tác nhân từ con người khiến rạn san hô và thảm cỏ biển Côn Đảo chịu nhiều thăng trầm trong những thập kỷ qua. Trong đó, cơn bão Linda (11/1997) và sự cố tẩy trắng san hô toàn cầu vào năm 1998 gây tác động hủy diệt lớn nhất đối với rạn san hô Côn Đảo trong khoảng thời gian từ 1993 đến nay. Đến năm 2005, san hô có sự phục hồi nhưng độ phủ san hô cứng trung bình chỉ đạt trên 23,9% và đến năm 2019-2020, san hô phục hồi như nguyên trạng trước đây.

Sóc đen là động vật đặc hữu tại Côn Đảo.
Sóc đen là động vật đặc hữu tại Côn Đảo.

Ông Trần Đình Huệ, nguyên Phó Giám đốc VQGCĐ chia sẻ, việc san hô phục hồi tốt là nhờ triển khai dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar VQGCĐ” từ năm 2018 đến năm 2020.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng rạn san hô và ứng dụng kỹ thuật phục hồi, kết quả của dự án đã xây dựng thành công quy trình phục hồi rạn san hô ở khu Ramsar VQGCĐ, quản lý hệ sinh thái rạn san hô nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và phục vụ du lịch sinh thái biển.

Cụ thể, có trên 6.000 tập đoàn san hô với diện tích 3 ha tại Hòn Tài, Đất Dốc và Bãi Cát Lớn - Hòn Bảy Cạnh được phục hồi tự nhiên. Các tập đoàn san hô phát triển đã tạo nên những sinh cảnh sống cho các loài sinh vật đến cư trú, ẩn nấp.

Đúng như lời ông Huệ, cuối tháng 4, trong chuyến khảo sát dịch vụ cùng các DN lữ hành đến từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tôi cùng các thành viên trong đoàn trải nghiệm lặn ngắm san hô tại khu vực biển Hòn Cau. Chứng kiến san hô nhiều sắc màu tầng tầng lấp lánh dưới làn nước trong vắt, vô số cá bơi lội, ấp nấp, ai cũng kinh ngạc, vui sướng.

Một nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh check in tại Bãi Cát Lớn- Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tháng 4/2023
Một nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh check in tại Bãi Cát Lớn- Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tháng 4/2023

Chị Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Fiditour Chi nhánh Hà Nội nhận xét, chị chưa bao giờ gặp san hô đẹp như thế, có lẽ đẹp nhất trong các vùng biển Đông Nam Á. Chị cũng ấn tượng với ý thức gìn giữ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư Côn Đảo. “Trở về sau chuyến khảo sát này, tôi sẽ bổ sung thêm sản phẩm lặn ngắm san hô, tắm biển, trải nghiệm ngủ đêm trên Hòn Cau, Hòn Bảy Cạnh, xem rùa đẻ trứng, trekking rừng Côn Đảo, check in máy bay hạ cánh, chơi teambuilding tại Bãi Đầm Trầu vào tour Côn Đảo chào bán cho khách đoàn. Thiên nhiên tuyệt đẹp của Côn Đảo phải được biết đến hơn nữa”, chị Lê Thị Hồng Hạnh nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQGCĐ, đội ngũ cán bộ, nhân viên VQGCĐ sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo tồn giữ gìn đa dạng sinh học, quản lý hiệu quả, phát huy giá trị rừng biển vào du lịch, vận dụng các quy định của pháp luật để phát triển du lịch tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, tận dụng các nguồn lực, hợp tác quốc tế để tích lũy, trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, nâng vị thế, uy tín của VQGCĐ, tạo ra giá trị bền vững cho kinh tế Côn Đảo.

Đa dạng hệ sinh thái là tiền đề cho tính đa dạng loài của sinh vật biển Côn Đảo. Tổng số loài ghi nhận xấp xỉ 1.500 loài, bao gồm 23 loài cây ngập mặn, 127 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 157 loài thực vật phù du, 115 loài động vật phù du, 342 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 loài thân mềm, 75 loài da gai, 273 loài cá rạn san hô, 8 loài thú biển và bò sát.
Trong danh mục sinh vật biển Côn Đảo, 7 loài rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và sẽ nguy cấp được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam và trên 300 loài san hô cứng thuộc danh mục CITES. Các loài rất nguy cấp đã từng hoặc đang bắt gặp tại Côn Đảo gồm: ốc đụn cái, ốc tù và, ốc sứ mắt trĩ, ốc anh vũ, cá bống bớp, rùa da…

(Còn nữa)

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA-ĐINH HÙNG

;
.