TỔNG CÔNG TY BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI MIỀN NAM:

Không ngừng đổi mới công tác bảo đảm an toàn hàng hải

Thứ Bảy, 17/10/2015, 06:41 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác bảo đảm an toàn hàng hải là một nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South). Công tác này đang từng bước được hiện đại hóa nhờ vào việc VMS-South tích cực phát triển và ứng dụng KHCN.

Cán bộ, kỹ sư VMS-South giới thiệu về hải đồ điện tử.
Cán bộ, kỹ sư VMS-South giới thiệu về hải đồ điện tử.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chỉ rõ: Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho đất nước giàu mạnh. Phát triển thành công, đột phá để phấn đấu kinh tế biển và ven biển đóng góp 53-55% GDP cho cả nước.

Bảo đảm an toàn hàng hải là một bộ phận quan trọng của kinh tế biển, có nhiệm vụ thiết lập và duy trì môi trường an toàn hàng hải, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, kinh tế biển, thực hiện các mục tiêu nhân đạo, an ninh quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường. Phát triển bảo đảm an toàn hàng hải là một phần không thể thiếu trong chương trình hành động về Chiến lược biển đến năm 2020 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong các trương trình phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, hệ thống cảng biển nói riêng. Phấn đấu đến năm 2020, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải ở nước ta đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và theo kịp xu thế phát triển của thế giới, góp phần vào việc hội nhập kinh tế quốc tế của ngành hàng hải Việt Nam.

Với những định hướng trên của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn hàng hải được VMS-South đặt lên hàng đầu. VMS-South đã nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn nhiều đề tài, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất thuộc lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải. Điển hình như việc VMS-South (đơn vị đầu tiên tại Việt Nam)  tự sản xuất thành công hải đồ điện tử các tuyến luồng hàng hải trong phạm vi quản lý bằng chính những con người đang công tác và làm việc tại Tổng công ty. Sản phẩm này đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ - Cục Hàng hải Việt Nam nghiệm thu và được Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thông tin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ngày 17-12-2007. Đến nay, VMS-South đã sản xuất được 46 mảnh hải đồ cho 17/22 tuyến luồng trong khu vực phía Nam và hàng năm đều phát hành phiên bản cập nhật thông tin; đồng thời, phối hợp với Văn phòng Thủy đạc Anh để đánh giá và kiểm định chất lượng. Các sản phẩm này cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn S52-S57 của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO).

Ông Phạm Quốc Súy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết, bên cạnh hải đồ điện tử, năm 2015, Tổng công ty bắt đầu triển khai sản xuất hải đồ giấy cho toàn bộ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải trong khu vực quản lý gồm 48 mảnh. Tháng 8-2015, đã sản xuất 8 mảnh cho 5 tuyến luồng quan trọng: Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, Soài Rạp - Hiệp Phước, Đồng Nai và Quy Nhơn. Dự tính đến hết năm 2016, Tổng công ty sẽ hoàn thành toàn bộ các bản hải đồ giấy, đồng thời sẽ tiến hành cập nhật hàng năm các bản hải đồ theo thông báo hàng hải.

Các sản phẩm hải đồ giấy và hải đồ điện tử do Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam sản xuất được ứng dụng rộng rãi trong thực tế đã và đang hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của các đơn vị như: Cảng vụ, Hoa tiêu, Trục vớt cứu hộ, các hãng tàu... Đặc biệt, sản phẩm trên đã góp phần tăng cường công tác quản lý, vận hành tàu biển ra vào khu vực Sài Gòn - Vũng Tàu, giảm thiểu cơ tai nạn. Trong tương lai, các sản phẩm hải đồ còn có thể hỗ trợ các địa phương trong việc kết hợp với hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý tài nguyên khoáng sản, phòng chống ô nhiễm môi trường biển và hỗ trợ công tác giám sát các phương tiện nạo vét trong khu vực.

Với những việc làm trên, tháng 4-2011, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2005 - 2010.

Bài, ảnh: ÁNH PHƯỢNG

;
.