Cần sớm có giải pháp giữ thị trường muối

Thứ Năm, 21/04/2016, 20:48 [GMT+7]
In bài này
.
Thu hoạch muối tại cánh đồng trên địa bàn xã An Ngãi (huyện Long Điền).
Thu hoạch muối tại xã An Ngãi (huyện Long Điền).

Trung bình mỗi năm BR-VT sản xuất khoảng 70 ngàn tấn muối. Trước đây, việc tiêu thụ muối của diêm dân BR-VT khá tốt nhờ có thương hiệu mạnh và được “bảo hộ” bởi nhu cầu về muối của ngành sản xuất nước mắm ở Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, tình hình tiêu thụ của muối BR-VT khó khăn hơn, lượng muối tồn đọng gia tăng.

VÌ SAO MUỐI KHÔNG TIÊU THỤ ĐƯỢC?

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT), khách hàng chính của muối BR-VT là ngành sản xuất nước mắm của Phú Quốc. Hàng năm, lượng muối mang nhãn hiệu Muối Bà Rịa bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc khoảng 50-60 ngàn tấn, tương đương 70-80% sản lượng muối sản xuất tại BR-VT. Nhưng năm 2015, tổng sản lượng muối trên địa bàn tỉnh đạt hơn 70 ngàn tấn, tiêu thụ chỉ đạt 37 ngàn tấn, tồn kho hơn 33 ngàn tấn.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn thời gian qua, Chi cục nhận được phản ánh từ phía diêm dân cho biết: một số cơ sở thu gom muối từ các địa phương khác với giá rẻ hơn, rồi gắn nhãn hiệu “Muối Bà Rịa” để tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của muối sản xuất tại BR-VT. Thông tin này cần được kiểm chứng thêm từ các cơ quan chức năng, dựa vào lượng muối tồn đọng trong 2 năm trở lại đây cho thấy sản phẩm Muối Bà Rịa tiêu thụ ở thị trường truyền thống Phú Quốc không đạt được mức 70-80% sản lượng như trước đây.

Một nguyên nhân khác làm muối của BR-VT tiêu thụ chậm là chưa đa dạng về chủng loại sản phẩm. Muối của diêm dân sản xuất ra chủ yếu là muối thô phục vụ cho đánh bắt thủy, hải sản, chế biến mắm, muối Iốt…; lượng muối qua chế biến thấp. Không có sản phẩm muối đủ tiêu chuẩn cung cấp cho ngành công nghiệp hóa chất. Bên cạnh đó, theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, tình trạng muối ế, giá xuống thấp còn do cung đang vượt cầu và chịu sự cạnh tranh từ muối nhập khẩu.

GIẢI PHÁP GIỮ VỮNG THỊ TRƯỜNG

Trao đổi về tình hình tiêu thụ muối của diêm dân BR-VT, nhất là trước những nghi vấn về một số cơ sở thu mua sử dụng muối các địa phương khác về đóng gói và gắn nhãn hiệu Muối Bà Rịa, ông Vũ Ngọc Đặng cho biết, để làm rõ vấn đề này cần có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan liên quan. “Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác quản lý việc sử dụng nhãn hiệu Muối Bà Rịa. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức cho các HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến muối gặp gỡ các đối tác tại Phú Quốc nhằm thiết lập mối quan hệ bền vững trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện “Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến và lưu thông muối trên địa bàn tỉnh BR-VT” gồm nạo vét kênh mương, xây dựng đường giao thông, bãi tập kết muối và xây lắp đường điện trung hạ thế, trạm biến áp để giúp diêm dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng muối”…

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng tiếp kêu gọi DN đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị vào sản xuất muối nhằm tạo ra sản phẩm muối đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong nước với giá thành cạnh tranh được với sản phẩm cùng chủng loại khác. Song song đó, từng bước thực hiện tái cơ cấu sản xuất, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng muối hướng đến sản xuất muối công nghiệp. Tuyên truyền, vận động và khuyến khích HTX và các hộ diêm dân cùng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh muối liên minh, liên kết với nhau trong việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ muối trên địa bàn.

Để bảo tồn và hỗ trợ nghề muối được phát triển trong tương lai, ngoài nhãn hiệu “Muối Bà Rịa”, Sở NN-PTNT cũng đề xuất, tham mưu trình UBND tỉnh xây dựng “Chỉ dẫn địa lý muối Bà Rịa” để bảo hộ và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Người sản xuất khi đăng ký tham gia được xác minh và cấp giấy hành nghề. Việc này sẽ góp phần không nhỏ giúp tạo uy tín, tin cậy khi đàm phán với các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

Từ tháng 10-2013, nhãn hiệu “Muối Bà Rịa” áp dụng cho sản phẩm muối được sản xuất, chế biến và kinh doanh tại BR-VT. Việc làm này nhằm kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của muối BR-VT, đồng thời, thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hộ gia đình, diêm dân, các DN tham gia thành lập nhóm sản xuất, kinh doanh muối tại địa phương.

;
.