CẦU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA:

Độ tĩnh không thông thuyền thấp, nguy cơ đâm va cao

Thứ Tư, 20/04/2016, 21:40 [GMT+7]
In bài này
.
Tàu cá của ngư dân rất khó khăn khi qua cầu Cỏ May do tĩnh không thông thuyền thấp.
Tàu cá của ngư dân rất khó khăn khi qua cầu Cỏ May do tĩnh không thông thuyền thấp.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số cây cầu có độ tĩnh không thông thuyền thấp, gây cản trở đến sự phát triển của vận tải thủy nội địa, tiềm ẩn các nguy cơ đâm va. Vì vậy, Sở GT-VT đang chuẩn bị triển khai xây trụ chống đâm va cho các cây cầu để bảo đảm an toàn cho lưu thông đường thủy nội địa.

CẦU “LÙN” BẮC QUA SÔNG

Toàn tỉnh hiện có 24 con sông và rạch chính với chiều dài 231km, trong đó tỉnh đã đưa vào quản lý và khai thác 117km cho phương tiện thủy có mớn nước sâu từ 1m trở lên hải hành. Trên hệ thống sông rạch này có 9 cây cầu gồm: Gò Găng, Chà Và, Ba Nanh, Cỏ May, Vàm Gũi, Rạch Ngã Tư, Bàn Thạch, Rạch Mương, Cửa Lấp.

Trong những cây cầu trên, ngoài cầu Gò Găng, Chà Và mới xây dựng có tĩnh không thông thuyền cao 10m, các cầu còn lại như cầu Rạch Ngã Tư, Rạch Mương, Cỏ May… chiều cao tĩnh không thông chỉ từ 3,5m đến 5,5m. Do độ tĩnh không thấp nên ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông qua lại và có nguy cơ va đập rất cao. Trong đó, đáng chú ý là 2 cây cầu Cỏ May và Rạch Ngã Tư có phương tiện thủy qua lại nhiều.  

Cầu Cỏ May được xây dựng từ năm 1997, có độ tĩnh không thông thuyền khoảng 5,5m. Cầu Cỏ May không được thiết kế và xây dựng hệ thống chống va trôi chung quanh trụ cầu. Nhiều năm qua, số lượng ghe tàu lưu thông qua cầu Cỏ May khoảng 20 đến 30 chiếc/ngày. Tuy nhiên, do tĩnh không thông thuyền thấp nên cây cầu này gây rất nhiều khó khăn cho phương tiện thủy qua lại. Anh Trần Tuấn Anh, nhân viên điều tiết cầu Cỏ May cho biết: “Chiều cao tĩnh không của cầu trung bình 5,5m nên khi nước lớn thì khoảng không thông thuyền càng hẹp đi, tàu cá lớn không đi được. Khi nước cạn, nước chảy xiết, luồng nước lại bị lệch so với trụ cầu nên ghe tàu rất dễ đâm va vào trụ cầu”.

Cầu Rạch Ngã Tư chính thức được đưa vào hoạt động năm 2011. Tuy nhiên, độ cao thông thuyền cầu Rạch Ngã Tư rất thấp, khoảng 3,5m và bề rộng khoang thông thuyền hẹp khoảng 34m, do vậy ghe tàu qua lại cầu Rạch Ngã Tư rất khó khăn. Anh Trần Thương Chung, nhân viên trạm điều tiết cầu Rạch Ngã Tư cho biết: “Bình quân mỗi ngày có khoảng 11 phương tiện thủy qua lại cầu Rạch Ngã Tư, chủ yếu là sà lan tự hành và sà lan kéo đẩy chở vật liệu xây dựng. Có hai vấn đề khó khăn khi sà lan qua cầu, đó là nước lớn quá mà tĩnh không thấp nên phương tiện không qua được phải chờ 6 giờ sau khi nước hạ mới qua được cầu; còn khi nước cạn nếu canh không chuẩn rất dễ mắc cạn vì mớn nước thấp”.

ĐIỀU TIẾT VÀ XÂY TRỤ CHỐNG VA ĐÂM

Theo ông Lương Việt Thắng, Phó Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, hàng tháng, Cảng vụ đều tiến hành đo mực nước cũng như kiểm tra tình hình luồng để thông báo đến các chủ điều khiển phương tiện. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 tuyến luồng, trong đó có 14 tuyến luồng đã được công bố và đưa vào khai thác. Đối với những tuyến luồng này, Cảng vụ đều có thông báo cho chủ phương tiện biết bằng văn bản các đặc trưng của luồng như độ sâu nhỏ nhất dự báo, độ sâu lớn nhất dự báo, chiều rộng đáy luồng, chân triều thấp nhất của tháng để họ chủ động đi lại. Ngoài ra, sau sự cố cầu Ghềnh, Cảng vụ cũng tiến hành gắn đèn báo hiệu tại các cầu để phương tiện qua lại khu vực này vào ban đêm được an toàn hơn” - ông Thắng cho biết.

Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Việc nâng tĩnh không thông thuyền lên rất khó thực hiện do kinh phí rất lớn. Giải pháp tốt nhất phải làm là đầu tư trụ chống đâm va để đảm bảo an toàn cho các công trình cầu. Hiện nay, Sở GT-VT đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thiết kế, chờ bố trí vốn để triển khai thi công trụ chống đâm va cho các cầu trong năm 2016. Để bảo đảm tính bền vững lâu dài, tùy theo nhu cầu thực tế, các cầu xây dựng về sau sẽ có tĩnh không thông thuyền từ 7 đến 10m.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

;
.