Đầu tư vào nông nghiệp "tắc" ở đâu?

Thứ Tư, 15/02/2017, 22:56 [GMT+7]
In bài này
.
Phơi hạt ca cao chuẩn bị lên men tại Công ty TNHH Thành Đạt. ẢNH: MINH TÂM.
Phơi hạt ca cao chuẩn bị lên men tại Công ty TNHH Thành Đạt.
Ảnh: MINH TÂM 

Theo Bộ NN-PTNT, tỷ lệ DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1%. Đây cũng là tình trạng của tỉnh BR-VT mặc dù lĩnh vực này tỉnh đang kêu gọi thu hút đầu tư. Nguyên nhân chính là nhà đầu tư e ngại lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm và quy hoạch thiếu tính chiến lược.

BẤP BÊNH TỪ ĐẦU VÀO ĐẾN ĐẦU RA

Ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát (huyện Châu Đức) cho biết, 10 năm trước khi bắt đầu khởi nghiệp sản xuất hạt điều xuất khẩu, ông đã chọn xã Bình Giã làm nơi đóng chân với kỳ vọng, đây là vùng trồng điều trọng điểm của tỉnh sẽ có nguồn nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên, thực tế sản xuất 10 năm qua cho thấy, việc thu mua hạt điều tại địa phương gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu cả số lượng lẫn chất lượng. “Mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 20 triệu USD, tiêu thụ hàng chục ngàn tấn nguyên liệu nhưng chúng tôi lại phải nhập từ các nước châu Phi, châu Mỹ mà không thể mua điều nguyên liệu tại địa phương vì chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Cao Thúc Uy nói.

Ông Cao Thúc Uy cho biết thêm, ngoài xuất khẩu hạt điều, Công ty còn triển khai một số dự án ở lĩnh vực nông nghiệp như nuôi bò Úc, trồng dưa hấu… nhưng đều gặp khó khăn. “Đầu tư vào nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, không chỉ thiên tai, dịch bệnh mà còn luôn phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, đầu ra khó. Chẳng hạn, dự án trồng dưa hấu của Công ty vừa rồi thua lỗ hơn 1 tỷ đồng (sau 1 năm thử nghiệm) do tiêu thụ yếu”, ông Uy cho biết thêm.

Một DN khác cũng được đánh giá cao trong việc đầu tư từ vùng nguyên liệu đến nhà máy sản xuất trong thời gian qua là Công ty TNHH Thành Đạt (huyện Châu Đức). Đây cũng là DN có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản. Hiện mỗi năm sản lượng ca cao của BR-VT đạt khoảng 400 tấn và được Công ty TNHH Thành Đạt thu mua. Công ty đã xây dựng Trung tâm chuyển giao, đào tạo kỹ thuật trồng ca cao cho bà con nông dân ở khu vực miền Đông Nam bộ, xây dựng nhà máy chế biến ca cao, với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt cho biết, dây chuyền chế biến ca cao được nhập khẩu từ Đức, ngoài việc tạo hạt lên men để xuất bán cho các cơ sở sản xuất chocolate, DN đang thử nghiệm nghiền vỏ ca cao làm phân vi sinh, sử dụng “cơm” của trái để chế biến rượu vang ca cao.

Tuy nhiên, trong những năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đối với mặt hàng này chưa đạt kết quả như mong đợi. Ông Trịnh Văn Thành cho biết, hiện việc thu mua nguyên liệu tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do cây ca cao không có lợi nhuận cao như hồ tiêu nên nhiều người dân đã chặt bỏ. Tỉnh cũng chưa có nhiều tác động trong việc phát triển cây ca cao trong khi chất lượng hạt ca cao của BR-VT được đánh giá là ngon nhất thế giới.

DN NGHIỆP KHÔNG MUỐN MẠO HIỂM

Theo thống kê, cả nước chỉ có 1% số DN đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên đa số DN nông nghiệp là DNNVV, trong đó, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55%. Còn tại BR-VT, trong số các dự án đầu tư vào ngành nông nghiệp, hiện thủy sản vẫn là lĩnh vực có nhiều dự án thu hút sự quan tâm của các DN hơn cả. Thống kê của Sở KHĐT cho thấy, hiện có hơn 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, trong đó có 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, tổng diện tích 16,3ha (bao gồm 2 dự án nuôi trồng và 5 dự án chế biến hải sản); 4 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 246 tỷ đồng, tổng diện tích 43ha. Các lĩnh vực khác như chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng con số cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, BR-VT được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để đầu tư vào nông nghiệp bởi đây là vùng trọng điểm về chăn nuôi, thủy sản và phát triển các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, điều, cao su… Nguyên nhân chính được xác định là do các nhà đầu tư e ngại lĩnh vực nông nghiệp có tính rủi ro cao vì thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm. Ngoài ra, tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún, công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp thiếu bài bản, thiếu chiến lược rõ ràng... cũng là những rào cản đối với các DN. Sau 10 năm đầu tư vào nông nghiệp, ông Cao Thúc Uy cho rằng, rào cản lớn nhất là sản xuất nông nghiệp hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quỹ đất, chưa tiếp cận được nguồn vốn...

Trên thực tế, những mô hình nông nghiệp hiện đại, đi theo chuỗi giá trị còn ít. Trên diện rộng, nông nghiệp nói chung vẫn phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, thiếu bền vững, thị trường bấp bênh. Và một trong nghững nguyên nhân là chính sách dù đưa ra nhiều nhưng vẫn còn thiếu, nhiều bất cập, nhiều cơ quan địa phương chưa vào cuộc quyết liệt với DN. Để đẩy mạnh thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, các DN kiến nghị, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho các hình thức canh tác truyền thống. Đồng thời, mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có nguồn vốn đầu tư cho những sáng kiến khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị cần thiết phục vụ cho sản xuất của các DN nói chung. Có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đầu tư trong nông nghiệp để tạo an tâm và giảm rủi ro cho các DN khi đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu…  Ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phương Hiền cho biết, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ vốn, đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường và tiến tới xuất khẩu, giảm rủi ro về thị trường tiêu thụ. 

“Tỉnh cần sớm hình thành vùng sản xuất tập trung, có như thế mới hỗ trợ DN trong việc bảo đảm nguyên liệu để sản xuất ổn định. Ngoài ra, nguồn vốn cũng là vấn đề khó khăn đối với các DN hiện nay nếu muốn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại”, ông Trịnh Văn Thành nói.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những lĩnh vực mà tỉnh hết sức quan tâm thu hút phát triển, đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành NN-PTNT phải quan tâm đến tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu triển khai nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Bài, ảnh: LAM GIANG, THANH TRÍ

;
.